Tư vấn pháp luật:
Bồi thường chi phí đào tạo?
(Dân trí) -Tôi làm việc trong một công ty nhà nước, đã ký hợp đồng lao động thời hạn 3 năm. Đến nay đã được 2 năm rồi, trong thời gian đó tôi có tham gia hai khóa đào tạo nâng cao chuyên môn do công ty tổ chức.
Trả lời:
Thứ nhất, về việc bồi thường chi phí đào tạo
Tại Điều 13 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động nêu rõ: “Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề, trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà thực hiện đúng và đủ các quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung.
Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 02/2001/NĐ-CP quy định: “Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã tuyển người vào học nghề để làm việc cho doanh nghiệp, nếu người học nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề trước thời hạn hoặc học xong không làm việc hay làm việc không đủ thời hạn cam kết đã ghi trong hợp đồng học nghề với doanh nghiệp, hợp tác xã thì phải bồi thường phí dạy nghề”
Tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động quy định rõ:“Người lao động theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm… có quyền đơn phươngchấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp sau đây:
a, Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không đảm bảo các điều kiện làm việc đã thoả thuận trong hợp đồng;
b, Không được trả công đầy đủ hoặc trả công không đúng thời hạn theo hợp đồng;
c, Bị ngược đãi, bị cưỡng bức lao động;
d, Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ, Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e, Người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc”.
Đồng thời tại khoản 2 Điều 37 quy định thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động là ba ngày đối với điểm a,b,c khoản 1; ba mươi ngày với điểm d,đ;…
Như vậy, trường hợp của bạn ký hợp đồng lao động với thời hạn ba năm, bạn đơn phương chấm dứt là trái quy định vì bạn không đưa ra lý do phù hợp quy định của pháp luật, mặt khác bạn đã cam kết làm việc với doanh nghiệp thời hạn hai năm và cam kết bồi thường chi phí đào tạo, bạn không thực hiện những điều đã cam kết với người sử dụng lao động, theo quy định của pháp luật bạn sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo cho doanh nghiệp đó.
Thứ hai, tính bồi thường chi phí đào tạo:
Tại điểm b khoản 4 mục III Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 9 năm 2003 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 về Hợp đồng lao động quy định: “Người lao động tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động, khi chưa học xong hoặc học xong không làm việc cho người sử dụng lao động đủ thời gian như đã thoả thuận, thì phải bồi thường mức phí đào tạo bao gồm các khoản phí cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy móc thiết bị, vật liệu thực hành và các chi phí khác hỗ trợ cho người học do người sử dụng lao động tính có sự thoả thuận của người lao động”
Như vậy, người sử dụng lao động sẽ dựa vào các chi phí cho việc đào tạo người lao động và trên cơ sở thoả thuận với người lao động để tính mức bồi thường chi phí đào tạo.
Luật sư Ngô Thị Lựu
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Email: info@luatdaiviet.vn