Bài 8:

Bộ Tư pháp kiến nghị xử lý sai phạm vụ thi hành án chống lệnh Toà Cấp cao tại Bắc Giang

(Dân trí) - Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí, Thanh tra Bộ Tư pháp đã chính thức có Kết luận số 16/KL-TTR, kiến nghị xử lý sai phạm trong vụ thi hành án chống lệnh TAND Cấp cao tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Thanh tra Bộ kết luận: Trong quá trình soạn thảo, ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản , Công ty cổ phần bán đấu giá tài sản Miền Bắc (có trụ sở tại số 1, ngõ 6 đường Nguyễn Đình Tuân - phường Hoàng Văn Thụ - TP Bắc Giang) chưa thực hiện đúng quy định tại điểmb, khoản 2 Điều 25 (nội dung hợp đồng) và điểm a Khoản 1 Điều 26 Nghị định 17/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bán đấu giá.

Công ty Miền Bắc đã không thực hiện mô tả chi tiết danh mục tài sản bán đấu giá tại các Thông báo bán đấu giá là chưa thực hiện đúng điểm C khoản 3 Điều 28 Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về niêm yết công khai việc bán đấu giá tài sản.


Hàng chục cán bộ công nhân Công ty Hải Hà bị đuổi ra khỏi nhà máy dù diện tích đất và nhiều tài sản thuộc quản lý của Công ty Hải Hà.

Hàng chục cán bộ công nhân Công ty Hải Hà bị đuổi ra khỏi nhà máy dù diện tích đất và nhiều tài sản thuộc quản lý của Công ty Hải Hà.


Người đàn ông áo đỏ xưng là Trưởng Công an xã Lão Hộ đang đứng trong nhà máy tuyên bố không cho ai vào nhà máy.

Người đàn ông áo đỏ xưng là Trưởng Công an xã Lão Hộ đang đứng trong nhà máy tuyên bố không cho ai vào nhà máy.


Những đối tượng có biểu hiện bặm trợn bao vây chiếm giữ nhà máy gạch Hải Hà.

Những đối tượng có biểu hiện bặm trợn bao vây chiếm giữ nhà máy gạch Hải Hà.

Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Yên Dũng sử dụng kết quả thẩm định giá của Chứng thư thẩm định giá được gia hạn là vi phạm quy định Luật giá năm 2012 cần phải kiểm tra làm rõ, có hình thức xử lý.

Kết quả thẩm định giá chưa phản ánh hoặc ghi nhận khoản tiền đềun bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời và san lấp mà Công ty Hải Hà đã thực hiện vào tài sản bán đấu giá. Công ty Hải Hà có quyền yêu cầu toà án giải quyết bồi thường thiệt hại đối với số tiền đã thực hiện vào tài sản bán đấu giá nói trên hoặc xem xét lại kết quả bán đấu giá theo quy định pháp luật.

Từ đó, Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết phù hợp đối với số tiền mà Công ty Hải Hà đã bỏ ra để đền bù, giải phóng mặt bằng và san lấp để đảm bảo quyền lợi của Công ty Hải Hà.

Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang tăng cường công tác kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản đối với doanh nghiệp, tổ chức bán đấu giá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Công an huyện Yên Dũng yêu cầu công nhân, cán bộ, lãnh đạo nhà máy Hải Hà ra ngoài nhà máy.

Đồng thời, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Cục Thi hành án tỉnh Bắc Giang kiểm tra và có hình thức xử lý đối với việc chấp hành viên sử dụng Chứng thư thẩm định giá gia hạn không đúng quy định của pháp luật.

Vụ cưỡng chế thi hành án chống lệnh TAND Cấp cao tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã được Báo Dân trí đăng tải trong loạt bài điều tra quyết liệt. Theo đó, trong vụ cưỡng chế thi hành án tại Công ty Hải Hà ngày 3/3/2016, với sự hỗ trợ của hàng chục công an, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng đã trục xuất toàn bộ cán bộ, lao động, tài sản, đồ đạc, tài liệu… của công ty Hải Hà ra đường.

Trong khi đó, toàn bộ hơn chục ha diện tích mặt bằng nhà máy đều do công ty Hải Hà lập, triển khai dự án, đền bù, san lấp mặt bằng, được cấp sổ đỏ với thời hạn sử dụng 49 năm. Số tiền mà công ty này bỏ ra để biến một vùng đồng ruộng lầy lội, thùng vũng thành mặt bằng nhà máy lên đến gần 30 tỷ đồng. Và cho đến thời điểm thi hành án, toàn bộ diện tích nhà máy, đường giao thông, cổng nhà máy, nhà bảo vệ cũng như hàng loạt tài sản khác vẫn đang thuộc quyền sỡ hữu của công ty Hải Hà. Thế nhưng, hàng chục công nhân cùng cán bộ, lãnh đạo Công ty Hải Hà đã bị hệ thống nhiều cơ quan chức năng huyện Yên Dũng dùng lực lượng “đuổi” ra khỏi chính mảnh đất hợp pháp của mình một cách trắng trợn để tước phần tài sản này giao cho một công ty khác ngang nhiên chiếm giữ.

Liên quan đến vụ án có tính chất phức tạp, ngày 02/3/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có văn bản số 03/TANDCC-KDTM về việc yêu cầu hoãn thi hành án do Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội Ngô Tiến Hùng ký thay Chánh án chỉ đạo: "Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội yêu cầu đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang ra quyết định hoãn thi hành án Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2014/TCTM-TM ngày 12/02/2014 của TAND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang trong thời hạn 03 (ba tháng), kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án".


Văn bản lập lờ đánh lận con đen của Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng.

Văn bản "lập lờ đánh lận con đen" của Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng.

Thế nhưng, chỉ sau khi “tối hậu thư” được ban hành đúng 1 ngày, sáng ngày 03/3/2016, Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng đã huy động lực lượng rầm rộ cưỡng chế thi hành án tại nhà máy của Cty Hải Hà để giao tài sản cho bên công ty CP Vật liệu xây dựng Bắc Hải Hưng.

Theo điều tra của PV Dân trí, vụ việc trở nên kỳ quặc khi lộ diện một Quyết định hoãn thi hành án với Công ty Hải Hà do bà Nguyễn Thị Thuỷ Khơi - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng ký ngày 4/3/2016 với thời hạn 3 tháng đến ngày 4/6/2016.

Quyết định này ghi rõ các khoản hoãn thi hành: Bản án số 01/2014/TCTM-ST ngày 12/2/2014. Căn cứ để Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng này hoãn thi hành án là Công văn số 03/TANDCC-KDTM ngay 2/3/2016 của TAND Cấp cao yêu cầu hoãn thi hành án.

Như vậy, vụ cưỡng chế đã được tiến hành rầm rộ vào ngày 3/3 (sau khi TAND Cấp cao yêu cầu dừng thi hành án 1 ngày và trước khi Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng ra Quyết định hoãn thi hành án 1 ngày).

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế