Hồi âm:
Bộ TNMT chỉ đạo xử lý nhà máy gây ô nhiễm ở thị trấn Phú Thứ
(Dân trí) - Liên quan đến vụ nhà máy tái chế chất thải độc hại ngành luyện kim gây ô nhiễm ở thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương đề nghị xử lý theo quy định pháp luật.
Ngày 31/12/2013, ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ký văn bản số 381/TTr -TDXLĐT gửi UBND tỉnh Hải Dương nêu rõ: “Bộ TN&MT nhận được Văn bản số 154/BBĐ - 2013 ngày 15/11/2013 của báo điện tử Dân trí chuyển nội dung đơn của ông Nguyễn Văn Hanh (thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn), đại diện cho các hộ xã Duy Tân và thị trấn Phú Thứ, phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của Nhà máy xử lý chất thái luyện kim - Công ty TNHH chế biến Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam tại thị trấn Phú Thứ, gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của các hộ dân trong khu vực.
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thanh tra Bộ TN&MT chuyển nội dung phản ánh trên đến UBND tỉnh Hải Dương để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trả lời công dân và thông báo kết quả về Bộ TN&MT”.
Cho rằng việc xử phạt tiền của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đưa ra chưa thỏa đáng, ông Nguyễn Văn Hanh và đông đảo người dân sinh sống xung quanh khu vực Nhà máy tái chế chất thải tiếp tục có đơn kêu cứu gửi đến Bộ TN&MT, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu cho đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm.
Trong đơn kiến nghị gửi báo Dân trí ngày 8/11/2013, ông Nguyễn Văn Hánh, đại diện cho hàng nghìn công dân xã Duy Tân và thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho rằng, việc chỉ tiến hành xử phạt tiền 270 triệu đồng đối với Nhà máy tái chế - Công ty TNHH chế biến Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam của Cục Cảnh sát Môi trường là chưa phù hợp, chưa tương xứng với những hậu quả mà Nhà máy tái chế gây ra thời gian qua.
Ông Nguyễn Xuân Lục (Khu 7, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cho biết: “Đêm hôm qua tôi tháo ao, nên tôi thức suốt đêm, khét không thể tưởng tượng được, khét như mùi người bị la ban cháy. Nếu cứ để như thế này, chúng tôi chết đã đành, nhưng còn con cháu. Đêm qua vẫn thậm thụt đốt”.
Ông Trương Văn Hiên (Khu 5, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) - người có ruộng gần nhà máy phản ánh: “Ruộng của doanh nghiệp này được quây từ năm 2009, đã khó khăn vì không sản xuất được. Đến thời kỳ này, nhà máy làm từ đầu năm đã xả trực tiếp ra lại càng độc hại hơn khiến ruộng của tôi vĩnh viễn không bao giờ sản xuất được.Từ hôm xử phạt đến giờ, nhà máy này lén lún sản xuất ban đêm chứ không dám sản xuất ban ngày nữa”.
Bên cạnh yêu cầu đóng cửa Nhà máy tái chế chất thải gây ô nhiễm, ông Nguyễn Văn Hanh và đông đảo người dân sinh sống trong khu vực đề nghị UBND tỉnh Hải Dương sớm chỉ đạo xử lý, di chuyển hàng vạn tấn chất thải luyện kim độc hại mà Nhà máy tái chế - Công ty TNHH chế biến Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam thu gom về cảng Phú Thái nhiều tháng qua mà không được bảo quản đúng quy cách, đe dọa trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của hàng ngàn người.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ngọc Cương - Vũ Thúy