Bỏ thi tốt nghiệp THPT được nhiều hơn mất

(Dân trí) - Sau khi Diễn đàn Dân trí đăng bài “Được và mất khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT”, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Dưới đây xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu:

Bạn đọc Nguyễn Văn Thọ:

Trong bài viết trên Diến đàn Dân trí, tác giả Hoàng Việt cho rằng bỏ thi tốt nghiệp THPT mất nhiều hơn được. Tác giả viết rút kinh nghiệm từ việc “bỏ thi tốt nghiệp THCS có nhiều cái mất. Cái mất lớn nhất là học sinh không chịu học hành dù đã làm mọi biện pháp…và các em mất ý thức học tập, thờ ơ với chuyện học hành…”. Nhưng giả sử chúng ta tiếp tục tổ chức kì thi tốt nghiệp THCS liệu rằng có hết tiêu cực? Và tỉ lệ đậu tốt nghiệp có khác gì xét tốt nghiệp không? Chắc chắn nếu tổ chức thi tốt nghiệp THCS thì tiêu cực cũng sẽ xẩy ra như thi tốt nghiệp THPT. Và tỉ lệ đậu vẫn cao chót vót.

Bỏ thi tốt nghiệp THCS mà “thầy cô, nhà trường ít có động lực để đánh giá, ai cũng ngang bằng như nhau. Vì không có cái chuẩn khách quan để đánh giá, phân loại” như tác giả Hoàng Việt nói thì thật là vô lí vì không thi tốt nghiệp nhưng lại còn bao nhiêu kì thi khác do nhà trường và Phòng giáo dục tổ chức nữa cơ mà, tại sao lại nói “không có chuẩn khách quan để đánh giá”?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trước đây chúng ta cũng đã tổ chức thi tốt nghiệp THCS nhưng sau một môn thi thì thế nào? Từ sân trường đến phòng học đâu đâu cũng trắng xóa phao thi, tài liệu các em vứt lại, có ông bảo vệ gom được hơn hai tạ phao thi, tài liệu. Còn các em thờ ơ với việc học hành, mất ý thức học tập là do cách quản lí, cách thi cử và cách xét tốt nghiệp ở địa phương đó. Học sinh địa bàn chúng tôi (Yên Thành, Nghệ An) hoàn toàn không thờ ơ với việc học tập, không hề mất ý thức học tập chút nào.

Chúng ta đang tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhưng học sinh cũng chẳng lấy đó làm lo lắng.. Em Nguyễn Văn Tuấn, học sinh Trường THPT Bắc Yên Thành, Yên Thành, Nghệ An bộc bạch: “Vào lớp 12 là em tập trung ôn tập ba môn thi đại học còn những môn khác em cũng không quan tâm lắm vì em nghe các anh chị khoá trước mách nước rằng thi tốt nghiệp dễ hơn cả làm một bài kiểm tra ở lớp. Nhiều bạn chưa giải nổi một bài toán phương trình bậc 2 dạng đơn giản nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp với số điểm cao chót vót”.

Nếu chúng ta biết trước kết quả thi tốt nghiệp cao trên 95% thì tại sao chúng ta không xét tốt nghiệp cho đỡ tốn kém hàng trăm tỉ đồng của nhà nước và nhân dân? Tổ chức một kì thi mang tầm cỡ quốc gia mà tiêu cực tràn lan, không đánh giá đúng thực chất thì sẽ phản tác dụng và thực sự làm cho học sinh mất ý thức học tập, thờ ơ với việc học hành. Nếu chúng ta so sánh kì thi lên lớp 10 (của tỉnh) và kì thi Đại học (Quốc gia) với kì thi tốt nghiệp THPT như hiện nay thì tính nghiêm túc, sự công bằng là một khoảng cách xa đến khó hiểu? Nếu nói rằng thế giới chưa có nước nào bỏ thi tốt nghiệp THPT là chưa hoàn toàn đúng nhưng tai sao ta không thử hỏi họ tổ chức thi cử như thế nào, có như ỏ Việt Nam không?
 
Bỏ thi tốt nghiệp THPT được nhiều hơn mất - 1

(nguồn ảnh: gdtd.vn)

 

Tóm lại, tôi cho rằng khi nào chúng ta tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, khách quan công bằng và đúng quy chế như thi đại học hay thi tuyển sinh vào lớp 10 thì hãy nên giữ lại kỳ thi tốt nghiệp này,  còn như hiện nay thì nên bỏ là đúng đắn nhất. Và tuyệt đối không lấy tỉ lệ tốt nghiệp làm tiêu chi thi đua cho các trường, các địa phương

 

Bạn đọc Hoàng Huy:

Em là sinh viên năm thứ nhất, vừa trải qua kì thi tốt nghiêp năm 2010, hơn ai hết em biết rất rõ chuyện học của HS THPT hiện nay ở trường em, cũng như những trường xung quanh  và em nghĩ trên cả đất nước này hầu hết đều như vậy, đặc biệt là các trường chuyên có lẽ việc học lệch còn kinh khủng hơn rất nhiều.
 
Việc chúng em học lệch, đầu tiên đó là do hoàn cảnh xã hội, và sau đó là do chính thầy cô, nhà trường định hướng cho chúng em như vậy. Thử hỏi bây giờ có ai quan tâm xem chúng em học THPT, kết quả các năm học giỏi như thế nào, học đều các môn như thế nào không, nếu như chúng em trượt ĐH. Các trường cấp 3 thi đua với nhau có ai thi đua số lượng HS giỏi, khá không (bởi cái này các trường có thể điều khiển 1 cách dễ dàng), và người dân đánh giá chất lượng 1 trường THPT  cũng chỉ căn cứ vào số lượng HS đỗ ĐH, và có nhiều điểm cao thi ĐH hay không.

 

EM NGHĨ KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT LÀ KHÔNG CẦN THIẾT, và không có ý nghĩa gì cả bởi như trường em và những trường khác cạnh trường em như em được biết, dù biết môn này, môn kia phải thi Tốt nghiệp THPT, nhưng chúng em vẫn duy nhất chỉ học 3 môn thi ĐH, có lẽ đó đã trở thành "lối mòn" từ bao nhiêu năm qua của cả thầy và trò rồi. Thi tốt nghiệp, chỉ cần "ngoan" một chút, "tinh" một chút, "khéo" một chút, thì có thể tốt nghiệp loại giỏi, còn không thì chỉ cần BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT ->BIẾT CHÉP là sẽ qua.
 
Bất cứ thầy cô hay bạn bè chúng em đều gần như không quan tâm 1 chút nào tới kì thi tốt nghiệp, em thấy việc tổ chức thi như vậy là quá lãng phí, tốn kém mà không có hiệu quả, và trong một số trường hợp em cảm thấy còn không công bằng, bởi có trường hợp HỌC SINH CỰC KỲ CÁ BIỆT của trường, nếu như xét tốt nghiệp thì sẽ trượt, nhưng nếu thi vẫn qua như thường.

 

Hơn nữa em lấy ví dụ những người bạn quanh em, thi tốt nghiệp chỉ đạt loại TRUNG BÌNH, nhưng thi ĐH vẫn có bạn thủ khoa đạt 29 điểm, rất nhiều bạn 25-28 điểm, trong khi có cả bạn tốt nghiệp loại giỏi, nhưng trượt ĐH.

 

Vì những lý do đó, theo em nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quá cồng kềnh, lãng phí như vậy. Và em nghĩ, việc điều chỉnh để học sinh không học lệch, hay để nhà trường không đào tạo "gà chọi" là vô cùng khó, và có vẻ không thiết thực với cuộc sống hiện nay, xã hội hiện nay đã làm cho học sinh quen học một cách thực dụng rồi.!

 
Bỏ thi tốt nghiệp THPT được nhiều hơn mất - 2

(Ảnh: Hồng Hạnh)
 

Bạn đọc Đặng Vũ:

Năm học vừa qua, tôi có chứng kiến con mình đi thi tốt nghiệp THPT thì mới hiểu được chất lượng giáo dục  của nước ta đang ở mức báo động .Khi đứng chờ con ở cổng trường tôi nghe các cháu nói chuyện với nhau :Chỉ cần một người trong phòng làm được bài thì cả phòng chép thoải mái , giám thị cố ý làm ngơ cho các thí sinh chép bài.Ôi vậy thì chất lượng học ở đâu? và nhà nước tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT sẽ thu được lợi gì? Theo tôi nên xóa bỏ kỳ thi này vừa đỡ tốn tiền của nhà nước của nhân dân lại tránh được tiêu cực ; cổ vũ cho bệnh nói dối và tham nhũng ; tránh bệnh thành tích trong nhà trường...Xin Bộ GD-ĐT nghiên cứu  và cân nhắc.

 

Bạn đọc Nguyễn Đức Vinh:

Chết thật, cứ cái gì khó làm hoặc làm không tốt thì bỏ chứ không chịu nghĩ là phải làm thế nào thì mới tốt, làm giáo dục mà cứ tư duy kiểu này thì hỏng đến cả mấy thế hệ chứ không phải chuyện nhỏ. Thi là để so tài cao thấp còn sát hạch là để đánh giá chất lượng sản phẩm của giáo dục, vậy không gọi là thi nữa mà nên gọi là sát hạch mới đúng. Sau 12 năm đèn sách cũng cần phải biết tiếp theo mình nên chọn cho mình một vị trí nào trong nấc thang tri thức của nhân loại, các nhà tuyển chọn cũng phải biết đầu vào của mình phải đạt được phẩm cấp thế nào để đảm bảo cho chất lượng của đầu ra, cho dù chỉ là cơ sở đào tạo nghề. Cuối cùng là kết quả hoạt động của cả một hệ thống giáo dục Quốc gia chỉ được đánh giá bằng một tờ giấy xác nhận đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông thì tủi cho ngành quá. Trong trường hợp cấp tờ giấy chứng nhận này có tiêu cực hay giả mạo thì cho dù có đi lao động phổ thông cũng khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

 

Bạn đọc Nguyễn Thị Thoa:

Là giáo viên THPT , tôi đã từng tham gia giảng dạy 8 năm qua. Nhưng tôi cũng rất buồn mỗi khi chính sách của ngành đưa ra mà không thực hiện một cách hiệu quả. Việc thi TNTHPT sẽ có ý nghĩa lớn nếu chúng ta làm tốt cống tác tổ chức thi, vậy lỗi thuộc về ai, theo tôi nghĩ đó là các nhà quản lý, họ không dám chấp nhận sự thật khi năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động “hai không” cho một kết quả tốt nghiệp thấp. Các trường THPT lại bị Sở GD & ĐT lấy kết quả đó làm tiêu chí thi đua. Thế là hiệu trưởng các Trường THPT cũng như Hội đồng thi lại tìm mọi cách  để có kết quả tốt hơn, không có cách nào dễ hơn bằng việc nới lỏng công tác coi thi, cho các em trao đổi bài,v.v...Tôi dám khẳng định nếu các chủ tịch Hội đồng thi bảo phải coi thi nghiêm thì giám thị nào cũng làm được. Vậy vấn đề ở đây là Bộ , Sở,.. có dám làm thật không?

 

Bạn đọc Nguyễn Hồng Loan:

Tôi nghĩ hiện tại chưa nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cần có thời gian tuyên truyền để nâng cao ý thức dạy và học, định hướng cho giáo viên và học sinh đi dần vào việc sẽ bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay thế bằng xét tốt nghiệp THPT theo một số tiêu chí cụ thể mà tiêu chí tiên quyết là xét cả quá trình học của bậc THPT. Nếu cho rằng xét tốt nghiệp mà không thi tốt nghiệp sẽ làm cho học sinh lười, giáo viên thiếu nhiệt tâm là sai. Bởi vì, việc xét tốt nghiệp là xét cho cả quá trình học, chỉ cần lơ là trong dạy và học trong một học kỳ thôi là đã ảnh hưởng đến kết quả xét tốt nghiệp ngay. Không tạo áp lực bằng kỳ thi mà tạo ý thức dạy và học trong một quá trình thì được sẽ nhiều hơn mất :

1. Ý thức dạy và học được nâng cao trong tinh thần thoải mái.
2. Không tạo áp lực nặng nề vào năm cuối cấp và kỳ thi tốt nghiệp mà trải đều trong 3 năm học.
3. Không còn phân hóa trong học tập (học những môn thi, bỏ những môn không thi).
4. Tốt nghiệp THPT là chứng nhận học sinh đã hoàn thành kiến thức phổ thông cơ bản để vào đời., chỉ loại trừ những học sinh quá yếu kém. Đường vào đời sẽ được phân hóa trong kỳ thi tuyển sinh Đại Học : Giỏi vào Đại Học, Khá vào Cao Đẳng, trung bình vào Đào Tạo Nghề. Tạo nguồn nhân lực theo đúng năng lực và sở trường có thật. Trong vài năm gần đây đã báo động tình trạng "Thầy nhiều hơn Thợ", "Thầy" thì bị lệch kiến thức : giỏi toán, lý hóa... dốt sử, địa... Hơn nữa, các môn thi tốt nghiệp THPT (bao giờ cũng có môn toán, môn lý hoặc hóa) chính là tiền đề gây nên hệ quả tỉ lệ khối A ngày càng tăng các khối còn lại thì giảm dần, nguy cơ sẽ mai một (như tình hình của khối C). Không thi tốt nghiệp mà xét kết quả học tập liên tục 3 năm (lớp 10,11 và 12) sẽ tạo điều kiẹn cho kiến thức phổ thông được trang bị ngang như nhau. Đồng thời, tùy theo chí hướng của mỗi HS mà có sự lựa chọn đi sâu vào ngành học nào.

 

Bạn đọc Nguyễn Hùng:

Tôi đồng ý với ý kiến bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi xét tốt nghiệp sẽ thực chất hơn nhiều. Là một giáo vên qua 6 năm bỏ thi TNTHCS thì tôi nhận thấy việc xét thực chất hơn là việc thi nhiều. Ở trường tôi mỗi năm có khoảng 200 học sinh được xét TNTHCS nhưng phải có ít nhất 6 em không đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp, có năm nhiều lên tới 20 em. Nhưng trước đây tổ chức thi thì đỗ gần như 100%. Tôi nghĩ việc xét TN THPT sẽ đánh giá được mọi mặt của học sinh từ hạnh kiểm đến học lực tất cả các môn học... Còn có những ý kiến cho rằng bỏ thi TN thì học sinh lười học là chưa đúng  thực tế. Em nào có chí hướng học tập thì vẫn học vì mục tiêu là thi vào đại học, em nào lang bang không có mục tiêu phấn đấu thì vẫn lười học. Thực tế hiện nay hs THCS mặc dù bỏ thi TN nhưng các em còn chịu khó học hơn nhiều bởi các em còn thi lên THPT; áp lực việc thi vào cấp 3 cũng không khác gì thi đại học. Em nào đỗ vào những trường có tiếng thì cơ hội đỗ đại học cao hơn nhiều. Cuối cùng theo ý kiến riêng của tôi và những giáo viên tôi quen biết thì bỏ kỳ thi TN THPT là hợp lý; chỉ cần duy trì  kỳ thi lên lớp 10 và thi đại học, cao đẳng cho nghiêm túc.

......

 

LTS Dân trí - Qua hàng trăm ý kiến tham gia thảo luận về chủ đề này trên Diễn đàn Dân trí, có thể thấy rõ phần lớn ý kiến tán thành bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà nên thay bằng việc xét tốt nghiệp căn cứ vào kết quả của tất cả các môn học trong ba năm học THPT và cả tiêu chuẩn về tư cách, đạo đức. Như vậy sự đánh giá học sinh sẽ toàn diện hơn và khách quan hơn vì căn cứ vào cả quá trình học tập, chứ không phải chỉ một kỳ thi tốt nghiệp.

 

Chỉ cần duy trì một kỳ thi ở bậc THCS là thi lên lớp 10 và một kỳ thi ở bậc THPT là  thi đại học, cao đẳng. Hai kỳ thi này đã đủ để phân loại học sinh về trình độ học vấn để cho học tiếp lên  bậc học cao hơn và theo học những trường, những ngành nghề phù hợp với năng lực và sở trường của các em.

 

Đấy là những ý kiến đóng góp có căn cứ thực tế của hầu hết những “người trong cuộc” là giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Chúng tôi nghĩ rằng Bộ GD-ĐT nên lắng nghe những ý kiến đóng góp đó để có quyết sách đúng đắn nhằm lập lại nền nếp, kỷ cương trong việc đánh giá kết quả thực chất của việc dạy và học cũng như ngăn chặn sự tái phát của “căn bệnh thành tích” vốn là nguy cơ làm suy giảm chất lượng và hiệu quả giáo dục.