Hồi âm:

Bộ GTVT vào cuộc vụ ồ ạt xây dựng không phép tại quận Cầu Giấy

(Dân trí) – Sau loạt bài phản ánh hàng chục hộ dân ngang nhiên tiến hành xây dựng ồ ạt các công trình không phép trên mặt đường Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy, Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị cơ quan này chỉ đạo giải quyết vụ việc.

Bộ GTVT vào cuộc vụ ồ ạt xây dựng không phép tại quận Cầu Giấy  - 1
Hàng chục hộ dân đang ồ ạt xây dựng không phép tại đường Trần Quốc Hoàn,
cán bộ thanh tra xây dựng phường Dịch Vọng Hậu "bó tay".
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Yêu cầu giải quyết khiếu nại của người dân
 
Ngày 9/11/2011, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký công văn số 7416/BGTVT-QLXD gửi UBND TP. Hà Nội nêu rõ: “Theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 và Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, công tác GPMB do UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
 
Dự án xây dựng đường Tô Hiệu kéo dài (nay đổi tên là đường Trần Quốc Hoàn) thuộc quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2666/QĐ-UB ngày 5/6/2000, trong đó giao Ban QLDA quận Cầu Giấy làm Chủ đầu tư Dự án. Công tác GPMB phục vụ thi công Dự án giao cho Hội đồng GPMB quận Cầu Giấy trực tiếp thực hiện tại Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 14/3/2008 của UBND quận Cầu Giấy.
 
Do dự án trên được UBND TP. Hà Nội quyết định đầu tư và giao các cơ quan của địa phương triển khai thực hiện; Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Chủ đầu tư dự án và Hội đồng GPMB quận Cầu Giấy xem xét các kiến nghị nêu trong đơn thư, có ý kiến trả lời và giải quyết theo quy định”.
 
Đường cong vì "lòng" không thẳng

Trong đơn kiến nghị gửi đến Báo Dân trí, hàng chục hộ dân trú tại tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội (thuộc tổ 23, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy) tố cáo tình trạng xây dựng nhà trái phép trên vỉa hè phía Nam đường Trần Quốc Hoàn. Mặt khác, cũng theo ý kiến phản ánh trong đơn, tuyến đường Trần Quốc Hoàn đang có nguy cơ bị “bẻ cong” để giải quyết “lợi ích” cho một số người.

Cụ thể, do các hộ dân tổ 20, phường Dịch Vọng Hậu đề nghị thu hẹp cục bộ mặt cắt tuyến đường. Đoạn đường đề nghị thu hẹp dài khoảng 200m, phía Nam giáp đường Trần Quốc Hoàn (đoạn từ đường Trần Quốc Hoàn - Phan Văn Trường đến cổng sau Trường Đại học Sư phạm). Đáp ứng đề nghị của các hộ dân, ngày 7/7/2008, UBND quận Cầu Giấy có Tờ trình số 33 đề nghị điều chỉnh cục bộ mặt cắt (nút cổ chai) đường Trần Quốc Hoàn. Trên toàn tuyến, diện tích lòng đường là 15m, vỉa hè 8m.

Đề xuất điều chỉnh này đưa ra phương án: Lòng đường rộng 15m không thay đổi trên toàn tuyến, nhưng vỉa hè hai bên, mỗi bên rộng 5m (thu hẹp 3m). Sau đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng có Văn bản số 193/QHTT-HTKT ngày 25/8/2008 đề xuất điều chỉnh cục bộ tuyến đường. Ngày 29/10/2008, UBND TP Hà Nội có Văn bản 2573/UBND-GT do Phó Chánh văn phòng UBND TP ký, chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND quận Cầu Giấy triển khai thực hiện theo quy định, phê duyệt theo thẩm quyền.

Vậy là, sau khi được thành phố chấp thuận, UBND quận Cầu Giấy tiến hành các bước thực hiện. Do có phương án điều chỉnh cục bộ tuyến đường, nên sau khi tiến hành giải phóng mặt bằng nút cổ chai đường Trần Quốc Hoàn, các hộ dân nằm trên phần diện tích đã điều chỉnh được giải tỏa, tiến hành xây dựng nhà trên phần diện tích đất còn lại. Nhìn trên toàn tuyến, cả con phố Trần Quốc Hoàn có vỉa hè rộng 8m đột ngột bị thu hẹp lại 3m như bị "thắt eo".

Ông Đào Phú Quyền, Phó Ban mặt trận cụm dân cư số 7 đặt câu hỏi: Trước đây dân cư khu vực này còn chưa đông, nhưng đến nay, diện tích lưu thông trên đầu người rất thấp, việc thu hẹp diện tích vỉa hè như thế là đúng hay sai? ông Quyền cũng nêu ý kiến, nếu cần thì các cơ quan chức năng có thể làm cuộc điều tra xã hội học để lấy ý kiến nhân dân về việc thực hiện tuyến đường Trần Quốc Hoàn để đưa ra phương án hợp lý, giải quyết nút giao thông cổ chai này.

Ông Nguyễn Tiến Huề, ông Nguyễn Xuân Hỡi ở tổ 23 cũng nêu ý kiến rằng nếu căn cứ các cột mốc chỉ giới cũ do Phòng địa chính cắm trước đây thì vỉa hè đường Trần Quốc Hoàn tiếp giáp tường nhà phía sau các hộ dân dãy B10. Nhiều hộ dân đã đào móng tái xây dựng nhà chồng lên chỉ giới đỏ. Vấn đề chỉ giới đỏ trong sổ đỏ của các hộ dân dãy B10 cũng ghi rõ phía Bắc giáp đường Trần Quốc Hoàn vỉa hè rộng 8m.

Ông Trần Đình Trọng ở tổ 23 phường Dịch Vọng đưa ra thắc mắc: "UBND quận đưa ra cái lợi khi "thắt eo" 3m vỉa hè là: "đảm bảo thông tuyến với mặt bằng tối thiểu mà thành phố yêu cầu, phần chỉ giới phía Bắc được điều chỉnh gọn và đẹp hơn phương án duyệt trước đây; giảm thiểu mức độ ảnh hưởng lớn đối với đời sống và sinh hoạt của trên 60 hộ dân; tiết kiệm được khoảng 50 căn hộ tái định cư tại khu 5,3ha phường Dịch Vọng và tiết kiệm được trên 50 tỷ đồng cho ngân sách thành phố". Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh cái lợi mà cơ quan chức năng đưa ra để đồng ý điều chỉnh. Các cơ quan chức năng cần minh bạch số tiền 50 tỷ đồng trên. Đối với các hộ dân đã nhận tiền đền bù thì còn phần diện tích thừa, ai sẽ được sở hữu?…".

Từ việc xây dựng trái phép bên cạnh diện tích đất giải tỏa, việc "thắt eo" vỉa hè lại một lần nữa gây nóng dư luận. Nhiều hộ dân thuộc phường Dịch Vọng Hậu không đồng tình với việc phê duyệt đề nghị điều chỉnh cục bộ tuyến đường Trần Quốc Hoàn và cho rằng nó không phù hợp với thực tế nhu cầu giao thông hiện nay, vừa làm mất mỹ quan đô thị. Đông đảo cử tri tại đây đặt câu hỏi phải chăng “đường cong vì “lòng” không thẳng ?”.

Vũ Văn Tiến

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm