Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng có nhiều điểm chưa đúng thực tế

(Dân trí) - Bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư tuyến đường tránh TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, khi việc thu hồi vốn thông qua thu phí trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài được 1/8 thời gian, Vietracimex 8 đã phải đối mặt nguy cơ phá sản vì đề xuất của Bộ GTVT.

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, năm 2007, Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 (gọi tắt là Vietracimex 8) ký hợp đồng BOT số 37/CĐBVN-HĐ.BOT ngày 14/8/2007. Công ty Vietracimex 8 được giao quản lý và khai thác trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (bao gồm cả trạm chính và trạm phụ) để thu hồi vốn đầu tư dự án xây dựng Quốc lộ 2 (QL2) - đoạn tránh TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của chủ đầu tư

Đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của chủ đầu tư

Ngày 5/8/2009, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 5324/VPCP-KTN gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính, Công ty Vietracimex 8, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc bàn giao trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cho Công ty Vietracimex 8 để hoàn vốn cho dự án xây dựng QL2 - đoạn tránh TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với thời gian quản lý và khai thác hơn 16 năm.

Thực hiện dự án, ngày 25/8/2009 Bộ GTVT có Quyết định 2465/QĐ-BGTVT, chuyển giao toàn bộ Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, bao gồm cả con người và cơ sở vật chất cho Công ty CP BOT Vietracimex 8 quản lý và thu phí.

Thời gian thu phí hoàn vốn, tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư dự án xây dựng QL2 - đoạn tránh TP. Vĩnh Yên là hơn 16 năm. Đến hết quý IV/2012, Công ty Vietracimxe 8 mới thực hiện thu phí được khoảng 2 năm, tương đương 1/8 thời gian dự kiến thu hồi vốn thì đã bị Bộ GTVT đề xuất phương án “xóa sổ” trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài khiến doanh nghiệp hoang mang lo lắng, đồng thời đối mặt nguy cơ phá sản.

Văn bản chỉ đạo số 2250/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ

Văn bản chỉ đạo số 2250/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 2250/TTg-KTN đồng ý với phương án sắp xếp lại các trạm thu phí do Bộ GTVT. Tại Điều b Văn bản số 2250, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT “Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý đối với các trạm thu phí khác (trừ các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT) trong tháng 1/2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền”.

Ngày 25/4/2013, Công ty Vietracimxe 8 nhận được văn bản số 3478/BGTVT- ĐTCT ngày 22/4/2013 của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, trạm thu phí thuộc diện hoàn vốn các dự án BOT được nêu trong văn bản 2250/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi phương án “xóa sổ” trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được công bố, thời gian qua đã có nhiều thông tin trái chiều nhau về tính pháp lý trong việc giao cho Vietracimex 8 quản lý và khai thác trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được quy định tại hợp đồng BOT số 37/CĐBVN-HĐ.BOT giữa Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng Bộ GTVT thực hiện đúng quy trình

Chính Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường là người ký nhiều văn bản liên quan đến việc giao trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cho Vietracimex 8.

Theo phản ứng của Vietracimex 8, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được thành lập theo Quyết định số 327/KHĐT ngày 21/2/1994 của Bộ GTVT để thu phí phục vụ việc duy tu bảo dưỡng cầu Thăng Long. Do nhu cầu mở tuyến đường tránh TP. Vĩnh Yên, theo đề nghị của tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép đầu tư dự án theo hình thức BOT trong nước và dùng nguồn thu phí trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài để hoàn vốn cho dự án BOT.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, Vietracimex 8 đã ký HĐ BOT số 37/CĐBVN-HĐ.BOT ngày 14/8/2007 với Cục Đường bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư sô 09/BKH-ĐTTN ngày 18/10/2007.

Tại văn bản số 5324/VPCP-KTN ngày 5/8/2009, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho phép chuyển giao nguyên trạng trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, bao gồm cả trạm chính và trạm phụ cho nhà đầu tư thu phí để hoàn vốn dự án BOT đường tránh TP. Vĩnh Yên.
 
Từ những văn bản hướng dẫn và chỉ đạo trên, Bộ GTVT ký Quyết định số 2465/QĐ-BGTVT ngày 25/8/2009 về việc chuyển giao Bắc Thăng Long - Nội Bài cho nhà đầu tư. Như vậy, việc Vietracimex 8 tổ chức thu phí trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài đã được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chỉ thu phí ở trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài chứ không thu phí ở tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên, nên không thể nói là thu phí chồng phí.

Phát biểu trước báo giới ngày 6/5/2013, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu ra phương án sẽ điều chỉnh mức phí áp dụng tại trạm thu phí QL 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, đảm bảo cho quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu tăng giá vé thu lên 20.000đ từ ngày 01/7/2013, và 30.000đ vào ngày 01/01/2015 cho một xe tiêu chuẩn, gánh nặng phí sẽ đổ dồn lên người dân Vĩnh Phúc và các nhà xe chạy tuyến QL 2, như vậy cách tính này là không công bằng.
 
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự cho hay: "Quốc lộ 2 là đường quốc gia, việc đầu tư xây dựng tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là để cải thiện hạ tầng giao thông chung toàn quốc, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ toàn thể nhân dân đi lại chứ không phục vụ riêng việc đi lại của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Chẳng lẽ với lập luận của bộ GTVT xoá trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài là để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân TP. Hà Nội nhưng lại đẩy gánh nặng cho nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc? Khi đề xuất chuyển trạm thu phí trên về Quốc lộ 2 để thu phí, đồng thời tăng giá vé thu lên 20.000đ từ ngày 01/7/2013, và 30.000đ vào ngày 01/01/2015 cho một xe tiêu chuẩn; trong khi đó trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đang thu mức 10.000đ cho một xe tiêu chuẩn? Mặt khác, nếu có thu tại Quốc lộ 2 thì khoảng cách giữa 2 trạm cách nhau có 14km? Vậy nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ lưu thông trong khoảng cách 14km phải trả 40.000đ từ 01/7 tới và 60.000đ từ 01/01/2015 cho một xe tiêu chuẩn? như vậy phải chăng phân biệt đối xử tệ với nhân dân tỉnh lẻ Vĩnh Phúc".

Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ GTVT tại văn bản số 3478, Bộ GTVT có viện dẫn thông số tăng trưởng kinh tế bình quân là 9,7%/năm để khẳng định việc thu hồi vốn của Vietracimex 8 vẫn hoàn thành trong 16 năm 10 tháng. Tuy nhiên, đây là con số rất khó, bởi nước ta chỉ đang phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 5,2 đến 5,5%/năm.

Báo cáo của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ có nhiều điểm chưa đúng với thực tế

Báo cáo của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ có nhiều điểm chưa đúng với thực tế

Những ngày này người lao động thuộc Vietracimex 8 đang vô cùng hoang mang, bức xúc trước đề xuất của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị việc xoá bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Việc làm của Bộ GTVT không có đầy đủ căn cứ pháp lý, gạt bỏ tất cả những đề xuất trước đây của chính Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đề nghị Thủ tướng Chính Phủ cho phép đầu tư dự án.

Việc này làm cho người lao động từ có công ăn việc làm nay trở thành thất nghiệp, đẩy nhà đầu tư vốn đang khó khăn phải đối mặt nguy cơ phá sản do còn nợ tiền vay đầu tư dự án chưa trả nợ xong vì mới thu hồi vốn được 1/8 thời gian.

Để đảm bảo quyền lợi và tránh khỏi nguy cơ phá sản, Công ty Vietracimex 8 khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan luật pháp xem xét, bảo vệ nhà đầu tư thu hồi khoản kinh phí đã đầu tư cho dự án xây dựng QL2 - đoạn tránh TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm