Bộ GTVT phá cam kết, Nhà nước có bảo hộ chủ đầu tư?

(Dân trí) - Liên quan đến việc Bộ GTVT lại đề xuất phương án “xóa sổ” trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài khiến Vietracimex 8 choáng váng, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư dưới góc nhìn pháp lý về vấn đề này.

Ngày 6/5, trao đổi với PV

Ngày 6/5, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Đăng Việt, Văn phòng luật sư Bizconsult cho hay: Câu hỏi đầu tiên thường gặp khi các luật sư và chuyên gia tư vấn đầu tư của Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp lần đầu bước chân vào tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam là “Chính phủ Việt Nam có bảo hộ cho các nhà đầu tư khi đầu tư tại Việt Nam không?”. Việc trả lời cho câu hỏi này có ảnh hưởng quan trọng đầu tiên tới quyết định của các nhà đầu tư về việc liệu có bỏ vốn ra thực hiện một dự án đầu tư tại Việt Nam hay không.

Tháng 11/2005, Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 8 đã có một bước tiến lớn trong việc xây dựng một khung pháp lý chung cho các hoạt động đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước bằng việc ban hành Luật đầu tư, thay thế cho Luật đầu tư nước ngoài và Luật khuyến khích đầu tư trong nước trước đây.

Tại Khoản 3, Điều 4 của Luật Đầu tư có quy định: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư; thừa nhận sự tồn tại và phát triển lâu dài của các hoạt động đầu tư.”. Đây là Điều luật quan trọng để khẳng định rằng Nhà nước Việt Nam không chỉ khuyến khích các hoạt động đầu tư, mà còn đảm bảo sự ổn định và an toàn cho hoạt động của nhà đầu tư và rằng Nhà nước Việt Nam cam kết sẽ không đơn phương thực hiện các hành động làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, để các nhà đầu tư tin tưởng rằng quyền lợi của mình sẽ được bảo vệ, không bị Nhà nước xâm phạm hay quốc hữu hóa.

Thế nhưng, vụ việc xảy ra gần đây khi mà Bộ GTVT làm ngược chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đơn phương thực hiện “xóa sổ” trạm thu phí phụ Vĩnh Thanh thuộc trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài do một doanh nghiệp đang quản lý và khai thác, và đang thực hiện các công việc “đề xuất” để Chính phủ xóa bỏ trạm chính Bắc Thăng Long – Nội Bài, đẩy nhà đầu tư lâm vào nguy cơ phá sản, đang là một trong những vụ việc điển hình để nhìn nhận và đánh giá lại cam kết của Chính phủ về bảo hộ đầu tư.
 
Luật sư Nguyễn Đăng Việt
Luật sư Nguyễn Đăng Việt

Vụ việc giữa Công ty CP BOT Vietracimex 8 và Bộ GTVT liên quan đến lĩnh vực đầu tư theo hình thức Xây dựng – Kinh doanhh – Chuyển giao (BOT), cụ thể là đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cầu đường. Công ty CP BOT Vietracimex 8 đã tự bỏ vốn ra đầu tư xây dựng Quốc lộ 2 - đoạn tránh TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, và đổi lại Công ty được Chính phủ và các bộ đồng ý bàn giao trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài để khai thác thu hồi vốn căn cứ theo Văn bản số 37/TB-VPCP ngày 23/02/2006 của Văn phòng Chính phủ, Văn bản số 5324/VPCP-KTN ngày 05/08/2009 của Văn phòng Chính phủ, Văn bản số 783/BTC-HCSN ngày 17/01/2011 của Bộ Tài chính và Hợp đồng BOT số 37/CĐBVN-HĐ.BOT ký ngày 14/08/2007 và Phụ lục số 1/37-CĐBVN-HĐ.BOT ngày 15/01/2009.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhà đâu tư, ngày 29/01/2013, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 269/QĐ-BGTVT về việc dừng thu phí và xóa bỏ trạm thu phí phụ Vĩnh Thanh thuộc trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, trái và vượt quá thẩm quyền theo Văn bản số 2250/TTg-KTN ngày 28/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/11/2009 thì đầu tư theo hình thức BOT trong lĩnh vực xây dựng đường bộ, cầu đường bộ là lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích đầu tư. Nghị định này cũng có hẳn một Chương VII quy định về “ưu đãi và đảm bảo đầu tư đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án”. Điều 45 của Nghị định này quy định về “bảo đảm về vốn và tài sản” như sau:

Vốn đầu tư và tài sản hợp pháp của Nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp cần thiết phải trưng mua, trưng dụng tài sản của Nhà đầu tư, Nhà nước bảo đảm thanh toán hoặc bồi thường tài sản và vốn của Nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư hoặc theo các điều kiện khác thỏa thuận tại Hợp đồng dự án”.  

Nguyên tắc của việc thực hiện các dự án BOT là theo các hợp đồng ký với cơ quan nhà nước liên quan và được các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn dự án. Cơ quan nhà nước (trong vụ việc này là Tổng Cục đường bộ Việt Nam, thuộc Bộ GTVT) trong mối quan hệ với nhà đầu tư dự án là các bên trong hợp đồng, và vì vậy phải tôn trọng cam kết tại hợp đồng đã ký, và không có quyền đơn phương điều chỉnh nội dung hợp đồng trừ các trường hợp bất khả kháng hoặc các trường hợp khác đã có thỏa thuận. Ngay cả khi Nhà nước quyết định mua lại tài sản của Nhà đầu tư thì cũng phải đảm bảo thanh toán hoặc bồi thường theo đúng thỏa thuận. Hợp đồng dự án giữa Công ty CP Vietracimex 8 và Tổng Cục đường bộ Việt Nam cũng không nằm ngoài nguyên tắc này.

Như vậy, pháp luật Việt Nam không cho phép cơ quan nhà nước đơn phương sử dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt một phần hoặc toàn bộ các hoạt động mà nhà đầu tư đang thực hiện một cách hợp pháp và tuân thủ theo Hợp đồng dự án đã ký kết. Trên quan điểm pháp lý, việc Bộ GTVT ban hành Quyết định số 269/QĐ-BGTVT ngày 29/01/2013 về việc dừng thu phí và xóa bỏ trạm thu phí phụ Vĩnh Thanh thuộc trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài không chỉ là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm cam kết như dư luận đã phản ánh, mà còn là trái với quy định của pháp luật về bảo hộ đầu tư như trích dẫn ở trên.

Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước và tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực giao thông vận tải, nên nếu ban hành các quyết định và chính sách đi ngược lại với các nguyên tắc và quy định của pháp luật về bảo hộ đầu tư trong vụ việc này có thể dẫn tới cách hiểu rằng Nhà nước không thực hiện đúng chính sách bảo hộ đầu tư. Hy vọng rằng Chính phủ sẽ có biện pháp đúng đắn để làm sáng tỏ băn khoăn và khẳng định cam kết của Nhà nước đối với chính sách bảo hộ đầu tư, làm an tâm các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp tục bỏ vốn ra đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.  

Vũ Văn Tiến – Ngọc Cương (ghi)