Bố câu cá, trồng rau giúp con gái mới ra trường tiết kiệm thời bão giá

Thế Hưng

(Dân trí) - Giá xăng tăng kéo theo nhiều chi phí sinh hoạt tăng theo. Để cân bằng cuộc sống, nhiều người trẻ mới ra trường phải nhờ tới sự trợ giúp từ gia đình, trong đó có việc viện trợ thực phẩm.

Sinh năm 1999, chị N.Q.Mai (Hưng Yên) vừa tốt nghiệp đại học và tìm được một công việc tại Hà Nội. Thử việc gần nửa năm chưa được ký chính thức, mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng khiến chị Mai sống rất chật vật tại thủ đô.

"Đua" theo xăng, các mặt hàng đồng loạt tăng giá!

Trước đây, để hòa đồng với môi trường công sở, chị Mai cũng gọi đồ ăn hoặc đi ăn trưa cùng đồng nghiệp. Thế nhưng, chi phí mỗi bữa ăn trưa lên tới 50.000-100.000 đồng/người. Ngoài ăn trưa, hội chị em công sở thường xuyên đi ăn vặt để "tám" chuyện, mỗi lần đi cùng nhóm đồng nghiệp chị Mai lại mất thêm một khoản. Chị Mai đã phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác để đi cùng đồng nghiệp.

"Tuy nhiên khi giá xăng leo thang, các mặt hàng cũng được đà tăng mạnh. Đồ ăn trưa giao tới văn phòng cũng tăng giá chóng mặt theo giá xăng. Trong khi đó, khoản tiền lương 5 triệu đồng của tôi phải trừ đi 1,7 triệu đồng/tháng tiền nhà và điện, nước. Nếu cố gắng hòa nhập với mọi người, mỗi tháng tôi mất thêm 2-2,4 triệu đồng tiền ăn trưa. Số tiền còn lại chi tiêu cho bản thân chỉ còn 900 nghìn đồng", chị Mai cho hay.

Bố câu cá, trồng rau giúp con gái mới ra trường tiết kiệm thời bão giá - 1

Thời bão giá, mỗi suất cơm như trên có giá 70.000 đồng chưa tính phí vận chuyển (Ảnh: Thế Hưng).

Không đi ăn cùng bạn bè, chị Mai cũng phải bỏ ra 30.000-50.000 đồng cho bữa trưa, tương đương 720.000-1.200.000 đồng/mỗi tháng. So với thời sinh viên, chị Mai đang có cuộc sống chật vật hơn rất nhiều. Vì hiện tại, chị không được bố mẹ chu cấp toàn bộ như trước.

Nhận thấy số tiền còn lại ít ỏi không đủ để chi cho ăn sáng, ăn tối, đổ xăng và các mua sắm cá nhân của phụ nữ. Chị Mai quyết định sẽ dừng việc đi ăn trưa hoặc gọi đồ về văn phòng mà tự nấu cơm mang đi.

Trước đây, chị Mai thường đi chợ đầu mối vào ngày chủ nhật để mua được thực phẩm rẻ cho cả tuần. Thế nhưng, thực phẩm ở Hà Nội hiện rất đắt đỏ. "Đi chợ với cùng ngân sách giống như trước khi giá xăng tăng, nhưng tôi có cảm giác thực phẩm đang co lại trở nên bé và ít hơn", chị Mai nói.

Giải pháp xin viện trợ thực phẩm từ gia đình

Để tiết kiệm trong thời điểm khó khăn, chị và người bạn cùng phòng đành phải xin viện trợ lương thực từ gia đình.

Theo đó, mỗi tuần bố mẹ sẽ gửi cho chị Mai 3 miếng cá và 6 lạng thịt. "Mỗi bữa, tôi sẽ ăn 1 miếng cá hoặc 2 lạng thịt. Nhà nuôi thêm gà nên thịt gà và trứng sẽ được gửi lên để thay đổi. Một con gà, tôi chia nhỏ ra và chế biến cho bữa trưa cả tuần", chị giải thích và cho biết thêm, ngoài thịt lợn, bố mẹ chị không phải bỏ tiền ra mua rau, củ, trứng và thịt gà vì nhà tự nuôi trồng được. Bố chị Mai tự câu cá rồi mổ sẵn gửi lên cho con gái.

Bố câu cá, trồng rau giúp con gái mới ra trường tiết kiệm thời bão giá - 2

Nhiều gia đình phải viện trợ thực phẩm cho con trong lúc khó khăn (Ảnh: Thế Hưng).

Khi nhận được thực phẩm từ gia đình, chị Mai sẽ sơ chế sẵn, chia nhỏ thành các túi cất trong tủ lạnh. Ngoài ra, để cải thiện bữa ăn chị cũng làm thêm ruốc, lạc rang hoặc muối vừng để ăn kèm với cơm.

Các món ăn sáng thông thường như bún cá, phở bò hay bún chả nướng đã nằm ngoài danh sách của chị Mai. Mỗi sáng, chị đều dậy từ 6h sáng để nấu cơm và ăn sáng với bánh mì và sữa hoặc xôi, bánh bao. Ngân sách mỗi bữa ăn chỉ dao động từ 10.000-20.000 đồng.

Bố câu cá, trồng rau giúp con gái mới ra trường tiết kiệm thời bão giá - 3

Sinh viên mới ra trường tự nấu cơm mang đi làm (Ảnh: Thế Hưng).

"Hôm nào lười hoặc dậy muộn, tôi chỉ hâm nóng lại một số món ăn đã chế biến sẵn trong tủ lạnh và cắm thêm cơm. Bữa tối tôi và bạn cùng phòng nấu ăn chung nên cũng tiết kiệm được nhiều chi phí với nguồn thực phẩm có sẵn của cả hai", chị Mai kể.

Tiết kiệm được chi phí ăn uống, nhưng giá xăng tăng khiến chị Mai phải đổi chiếc xe tay ga Suzuki đời cũ cho bố. Thay vào đó, chị sử dụng lại chiếc xe Wave đời 2005. "Chiếc xe Suzuki đời cũ không có công nghệ phun xăng điện tử nên với quãng đường đi làm mỗi ngày 14km (2 chiều đi và về), chỉ 2 ngày tôi lại phải đổ 50.000 đồng. Trong khi đó, xe Wave có thể sử dụng thêm 1-2 ngày", chị nhẩm tính với PV.

Bố câu cá, trồng rau giúp con gái mới ra trường tiết kiệm thời bão giá - 4

Chuyển đổi phương tiện đi lại để tiết kiệm chi phí (Ảnh: Thế Hưng).

Cố gắng tiết kiệm nhất có thể, cô sinh viên mới ra trường mới dám nghĩ tới bản thân. Mỗi tháng chị Mai dự định sẽ tiết kiệm 200.000 đồng, sau 3-4 tháng khi mỹ phẩm và đồ chăm sóc da cùng hết thì chị sẽ có một khoản nhỏ để mua sắm. "Phụ nữ có rất nhiều khoản chi tiêu, nhưng để tiết kiệm tôi chỉ dám săn khuyến mại trên các sàn thương mại điện tử", chị Mai chia sẻ.

Nhiều người trẻ khác cũng đang phải gồng gánh các khoản chi phí trong thời điểm hiện tại. Thậm chí, nhiều người chuyển hẳn sang phương tiện công cộng hoặc đạp xe đi làm để tiết kiệm.