Bình Định: Nhiều hộ dân bất an vì sạt lở nghiêm trọng

(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều hộ dân sống dọc bờ suối Ngô La trên sông Hà Thanh (thuộc thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định), sống trong bất an, lo lắng vì tình trạng sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào khu dân cư.

Bình Định: Nhiều hộ dân bất an vì sạt lở nghiêm trọng
Nước lũ lớn do ảnh hưởng đợt bão số 4 và 5 đã cuốn phăng nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất vườn của người dân.

Theo người dân phản ánh, chỉ sau đợt mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 4 và 5, kết hợp nước trên thượng nguồn đổ về đổ về đã cuống phăng hàng chục ha đất canh tác của nhân dân dọc suối Ngô La, đe dọa tài sản và tính mạng của người dân.

Theo ghi nhận, tại các điểm bị sạt lở, nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp, đất sản xuất, cây trồng bị ngã đổ xuống sông, bờ sông lấn sát vào nhà dân.

Dẫn chúng tôi thực địa khu đất vườn bị trận lũ vừa qua cuốn trôi, ông Ngô Kim Chung, ở xóm 3, thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh), lo lắng: “Chỉ đợt mưa lớn vừa qua, gần 5.000 m2 đất vườn, đất sản xuất, hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo, cây ăn quả của gia đình tôi bị cuốn hết xuống suối. Ngày trước, để ra tới con suối Ngô La, gia đình tôi phải đi bộ cả trăm mét, nhưng suối đã kề sát vườn nhà. Trước đây tình trạng sạt lở cũng có nhưng ít, không nghiêm trọng, nhưng vài năm trở lại đây không biết dòng chảy thay đổ sao mà sạt lở ngày càng dữ dội. Hiện tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục. Chỉ thêm lần nước lũ lớn về chắc gia đình tôi nằm gọn dưới lòng sông”.

Bình Định: Nhiều hộ dân bất an vì sạt lở nghiêm trọng
Sạt lở nghiêm trọng còn ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân sống mép suối Ngô La (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh).

Đáng lo ngại, không chỉ mất đất sản xuất, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, thì tình trạng sạt lở còn đe dọa đến sự an nguy của cầu Ngô La, nằm trên QL 19C có thể bị nước lũ xô sập bất cứ lúc nào.

Theo quan sát, do đổ về về xoáy thẳng, nhất là khi có lũ nước trên thượng nguồn đổ vệ với cường độ càng mạnh, đã khiến 2 chân cầu bị xói lở, hai bên bờ nối các mố cầu cũng bị sạt lở theo sông. Để bảo vệ cầu, trước sau mùa mưa bão, chính quyền địa phương đã tiến hành gia cố bằng rọ đá, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Theo người dân ở đây cho rằng, nguyên nhân gây ra nạn sạt lở nghiêm trọng là tình trạng phá rừng bừa bãi tại khu vực đầu nguồn, sản xuất kinh doanh, khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy.

Dòng chảy thay đổi, cường độ dòng chảy mạnh còn đe dọa đến sự an nguy của cầu Ngô La.
Dòng chảy thay đổi, cường độ dòng chảy mạnh còn đe dọa đến sự an nguy của cầu Ngô La.
Huyện Vân Cạnh cho kè rọ đá dưới trụ chân cầu, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế.
Huyện Vân Cạnh cho kè rọ đá dưới trụ chân cầu, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế.

Hiện nay, tình trạng sạt lở dọc bị sạt lở dọc bờ suối Ngô La trên sông Hà Thanh đoạn qua xã Canh Vinh đang đang trở thành nỗi lo của người dân và chính quyền địa phương.

Nói về vấn đề trên, ông Trần Văn Bài - Phó Chủ tịch xã Canh Vinh, bày tỏ sự lo lắng: “Hiện nay, để hạn chế bờ suối sạt lở và tự bảo vệ tài sản của gia đình người dân ở đây phải trồng keo, bạch đàn để giữ đất, song mỗi mùa lũ về hoặc có mưa lớn, nước chảy mạnh không nhằm nhò gì. Để bảo vệ đất sản xuất, nhà dân thì phải xây dựng bờ kè kiên cố, nhưng kinh phí lớn nên địa phương chỉ biết trông chờ vào cấp trên…”

Hà Thanh - Doãn Công