Bình Định: Ngang nhiên phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ
(Dân trí) - Lợi dụng chủ trương trồng rừng nhằm chống xói mòn và bồi lấp lòng hồ Núi Một thuộc khu vực giáp ranh thị xã An Nhơn và huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định), một số hộ dân ngang nhiên vào chặt phá, lấn chiếm đất trồng rừng sản xuất.
Lợi dụng chủ trương để … phá rừng
Được sự chấp thuận của Sở NN-PTNT, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định (Cty KTCTTL Bình Định) tiến hành trồng rừng phòng hộ trên vùng bán ngập nước trong lòng hồ Núi Một (tính từ đường biên cao trình 42 đến đường biên cao trình 46). Với diện tích khoảng 70ha nhằm mục đích chống xói mòn và bồi lấp lòng hồ. Sau đó, Cty KTCTTL Bình Định hợp đồng với một số người dân thực hiện việc trồng rừng và hiện đã trồng được gần 30ha với phương thức trồng hỗn giao, gồm cây bản địa (sao đen hoặc dầu rái) và cây keo lai. Thế nhưng thực tế, hiện có một số hộ dân trong vùng lợi dụng chủ trương này, lén lút phá rừng tự nhiên ngoài phạm vi cho phép để trồng keo lai.
Qua ghi nhận, tại các khu vực Cà Bông, Hóc Vừng, suối Cây Trâm thuộc hồ Núi Một, nhiều cây rừng có đường kính từ 30- 40cm bị triệt hạ tận gốc. Điều đáng nói, sau khi xâm lấn, những đối tượng phá rừng còn vô tư dùng kẽm gai làm hàng rào phân định ranh giới và thực hiện việc trồng keo.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty TNHH KTCTTL Bình Định, cho biết công ty hợp đồng với 11 hộ dân trong vùng đã trồng được gần 30 ha. Quy cách trồng rừng đảm bảo kỹ thuật của Sở NN-PTNT đưa ra. Tuy nhiên, một số hộ lấn chiếm, phá rừng phòng hộ để trồng rừng sản xuất nằm ngoài nhóm hộ trồng rừng của công ty.
“Hồ Núi Một chỉ cần tích 90 triệu/110 triệu m3 nước là đủ cung ứng nước tưới cho trên 7.000 ha đất sản xuất nông nghiệp các huyện Tây Sơn, thị xã An Nhơn… Nếu như trước đây, hồ Núi Một cần tích nước đến cao trình 46 thì nay chỉ cần tích nước đến cao trình 42. Do đó bị trống từ đường biên cao trình 42 đến đường biên cao trình 46 nên cần trồng rừng để tránh xói lở lòng hồ, nhằm kéo dài tuổi thọ công trình”, ông Phú giải thích.
Quyết liệt phá bỏ rừng trồng trái phép
Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm thị xã An Nhơn và Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh phối hợp tiến hành kiểm tra những vùng rừng đã bị phá thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một.
Ngay sau đó, UBND huyện Vân Canh (Bình Định) thành lập đoàn công tác liên ngành vào cuộc xác định đối tượng, diện tích và địa điểm vi phạm. Đồng thời tiến hành tổ chức phá bỏ những diện tích đất lâm nghiệp phòng hộ bị lấn chiếm trái phép tại địa bàn xã Canh Liên.
Cụ thể, tại khoảnh 4 thuộc tiểu khu 321 rừng phòng hộ hồ Núi 1, lực lượng liên ngành đã phát hiện, đồng thời phá bỏ diện tích rừng trồng trái phép do ông Lâm Văn Mai, trú tại xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) lấn chiếm 1,4 ha đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh quản lý rồi làm hàng rào thép gai bảo vệ và đã trồng 0,3 ha keo lai.
Tại khoảnh 5 thuộc tiểu khu 321, bà Đinh Thị Liên (trú tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh) đã lấn chiếm đất lâm nghiệp quy hoạch phòng hộ do BQLRPH huyện Vân Canh quản lý với diện tích là 0,3ha. Bà Liên cũng làm hàng rào thép gai bảo vệ và đã trồng keo lai trên diện tích 0,1ha… Ngoài ra, tại khu vực này diện tích trồng thuần loài cây keo lai trên diện tích đất trống thuộc cao trình Hồ Núi Một khoảng 1,2ha.
Liên quan đến vấn đề nan giải trên, ông Đoàn Văn Tây - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, đề nghị: “Sở NN-PTNT Bình Định cần chỉ đạo các đơn vị quản lý diện tích đất nằm trong cao trình hồ Núi 1, không cho các hộ dân tự ý trồng lấn chiếm, hay chiếm đất sử dụng vào mục đích khác nhằm tránh tình trạng lấn chiếm đất lòng hồ tiếp diễn và lấn chiếm đất, rừng quy hoạch phòng hộ tại lưu vực hồ Núi 1. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng xử lý các đối tượng vi phạm nói trên và giao trả lại diện tích đất cho Ban quản lý rừng quản lý”.
Doãn Công