Bình Định: Doanh nghiệp "móc ruột" lòng hồ, ẩn hoạ khôn lường mùa mưa bão
(Dân trí) - Dù chưa có sự đồng ý của ngành chức năng cấp huyện lẫn tỉnh nhưng HTX Nông nghiệp xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) - đơn vị được giao quyền quản lý, vận hành hồ Phú Thạnh đã tự ý cho doanh nghiệp khai thác đất sét trong lòng hồ.
“Móc ruột” lòng hồ lấy đất bán
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, hồ chứa nước Phú Thạnh (ở thôn Hội Phú, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) có diện tích mặt hồ khoảng 1 ha, dung tích chứa khoảng 1 triệu m3 nước làm nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 150 ha đất sản xuất nông nghiệp cho 4 thôn của xã Hoài Hảo, gồm: Hội Phú, Cự Lễ, Tấn Thạnh 1 và Phụng Du 1.
Công trình đầu mối gồm đập đất, tràn xả lũ nằm ở vai hữu đập đất, cống lấy nước đặt ở phía tả trong thân đập đất, lưu vực hồ là rừng phòng hộ làm nhiệm vụ chống xói mòn lưu vực gây bồi lắng lòng hồ, kéo dài thời gian tập trung dòng lũ, giảm lưu lượng đỉnh lũ… Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng cơ hội hồ thủy lợi Phú Thạnh cạn trơ đáy, đơn vị được giao quản lý hồ là HTX Nông nghiệp Hoài Hảo đã cho 2 doanh nghiệp đưa máy móc vào băm nát lòng hồ để khai thác đất sét, tạo thành các hố sâu cục bộ, khai thác đất sát bên rừng phòng hộ trong lòng hồ tạo vách đứng, nguy cơ sập đất khi nước trong hồ dân cao.
Qua tìm hiểu, từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8/2016, HTX Nông nghiệp xã Hoài Hảo đã đồng ý cho 2 doanh DNTN Thành Nhuận và DNTN Sỹ Phương (trụ sở ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn) đã đưa máy móc vào lòng hồ đào, múc đất và huy động xe ben vào chở đất đi tiêu thụ. Sự việc trên dẫn đến mất an toàn hồ chưa, nhất là khi mùa mưa lũ sắp đến.
Ghi nhận tại khu vực lòng hồ Phú Thạnh, việc khai thác đất khiến lòng hồ bị băm nát, xuất hiện nhiều hố sâu nham nhở, nhiều hố sâu hoắm như lòng chảo. Đặc biệt, phía rừng trồng, máy múc móc đất thành những vách dựng đứng nguy hiểm. Theo người dân thôn Phú Hội, có thời điểm mỗi ngày có hàng chục lượt xe ben ra vào chở đất đi nơi khác. “Máy múc móc đất trong lòng hồ tạo thành những hố sâu hoắm, còn xe tải chạy ầm ầm hư hỏng đường đi lại của người dân lên rẫy. Trong khi đó, không thấy bất cứ cơ quan chức nào xử lý, nếu tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến công trình, nhất là mùa mưa lũ sắp đến”, một người dân lo lắng.
Mất an toàn lòng hồ chứa
Theo ông Nguyễn Đắc Cường, cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi xã Hoài Hảo, cho biết khi phát hiện ra doanh nghiệp nạo vét lòng hồ, UBND xã đã thành lập tổ công tác kiểm tra, lập biên bản đình chỉ khai thác đất thì mới hay HTX Nông nghiệp Hoài Hảo đã tự ý đứng ra thỏa thuận và cho phép 2 doanh nghiệp trên vào khai thác đất trong lòng hồ. “Việc làm của HTX Nông nghiệp Hoài Hảo tự ý để doanh nghiệp lấy đất trong lòng hồ mà không báo cho UBND xã là trái với quy định. Họ cứ làm như công trình và tài nguyên là của riêng họ”- ông Cường bức xúc.
Nói về sự việc này, ông Nguyễn Ảnh, Giám đốc HTXNN Hoài Hảo, thừa nhận sai là chưa hoàn thành đầy đủ hồ sơ, thủ tục liên quan và chưa được sự đồng ý của lãnh đạo huyện Hoài Nhơn. “Do lòng hồ Phú Thạnh bị đất, đá bồi lấp nên không đảm bảo khả năng tích nước vào mùa mưa năm nay. Vì vậy, HTX mới đồng ý cho 2 doanh nghiệp nạo vét lòng hồ lấy đất”- ông Ảnh giải thích.
Trao đổi về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho rằng: “Nếu HTX Nông nghiệp Hoài Hảo làm theo đúng trình tự và đúng theo chủ trương của cấp trên thì việc nạo vét lòng hồ Phú Thạnh để tích nước là tích cực. Tuy nhiên, đơn vị lại tự ý để doanh nghiệp vào khai thác đất trong lòng hồ là việc làm coi thường pháp luật; vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Luật Khoáng sản. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với cơ quan chức năng của huyện rà soát, kiểm tra cụ thể để có hướng chỉ đạo, xử lý và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan”.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết: “Qua kiểm tra, các doanh nghiệp đã khai thác vô tội vạ, lấn vào sát biên rừng phòng hộ, tạo ra những vách đứng trong lòng hồ. Các vách đất này có nguy cơ bị sập khi hồ ngập nước, gây sóng uy hiếp sự an toàn của tuyến đập. Sở cũng đã yêu cầu đơn vị chủ hồ là HTX Nông nghiệp Hoài Hảo phải san lấp, tạo lại mặt bằng cho lòng hồ và đầm kỹ tại những hố sâu; tạo độ dốc về phía cống lấy nước; đắp, tạo lại mái lòng hồ phía ven biên rừng phòng hộ bảo đảm có hệ số mái tối thiểu bằng 2,5 và kè đá bảo vệ mái”.
Doãn Công