Bình Định: Bi hài chuyện gia đình có nhà mà không lối đi (!?)
(Dân trí) - Cho rằng việc để bò qua lại trên lối đi chung gây mất vệ sinh, hộ bà Đang và ông Tuy đã rào lối đi duy nhất vào nhà của gia đình bà Trần Thị Duôi (ở thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định).
Bình Định: Bi hài chuyện gia đình có nhà mà không lối đi (!?)
(Dân trí) - Cho rằng việc để bò qua lại trên lối đi chung gây mất vệ sinh, hộ bà Đang và ông Tuy đã rào lối đi duy nhất vào nhà của gia đình bà Trần Thị Duôi (ở thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định).
Bị bịt đường vào nhà vì bò “ị” bậy?
Theo bà Trần Thị Duôi (52 tuổi, thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, Bình Định), thì từ những năm 1980, gia đình bà xây nhà trên thửa đất số 294a, tờ bản đồ số 02, tọa lạc tại thôn Vĩnh Đức. Lối đi từ nhà bà Duôi ra đường giao thông liên xã dài khoảng 60 m, rộng khoảng 2 m và qua 2 thửa đất (cùng nằm trên tờ bản đồ số 02) của nhà ông Nguyễn Đình Tuy (thửa số 294b) và bà Võ Thị Đang (thửa số 294c). Nhà bà Duôi ở trong cùng, tiếp đến là nhà ông Tuy, ở ngoài cùng là nhà bà Đang. Năm 1994 - 1995, khi Nhà nước cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) cho 3 hộ này nhưng không thể hiện lối đi chung.
Tình làng nghĩa xóm bắt đầu rạn nứt, năm 2006, ông gia đình ông Tuy và nhà bà Đang cho rằng hộ bà Duôi nuôi bò, khi dắt bò đi ngang qua nhà đã phóng uế, gây dơ bẩn nên kiên quyết không cho nhà bà Duôi đi qua lối đi chung nữa. Sau khi chính quyền địa phương hòa giải, họ đồng ý cho bà Duôi tiếp tục đi với điều kiện bà Duôi không được dắt bò qua lại đường này nên bà Duôi đồng ý.
Đến năm 2012, cho rằng bà Duôi không giữ lời hứa tiếp tục dắt bò nên 2 gia đình này lại không cho bà Duôi tiếp tục đi lại lối đi này. Sau đó, nhà ông Tuy rào chắn, lấp hẳn lối đi; còn nhà bà Đang thì xây nhà ngay trên lối đi.
Không có lối vào nhà, từ đó đến nay gần 5 năm trời, gia đình bà Duôi đành bỏ nhà hoang và chuyển đến ở tạm nhà con gái. Lâu lâu, bà Duôi mới về lại nhà dọn dẹp bụi bẩn. Tuy nhiên, muốn vào nhà, bà Duôi phải đi tạm trên lối đi tự mở rất nhỏ, luồn lách qua bụi rậm rất khó khăn.
Bà Duôi bức xúc: “Ở nông thôn mà không nuôi heo, nuôi bò thì biết làm gì kiếm thêm thu nhập, lấy gì tôi nuôi các con tôi ăn học, khi chồng tôi mất sớm. Vậy mà họ ngăn cản, rào chắn lối đi, không cho tôi qua. Có nhà cũng như không, không có lối vào nhà nên phải ở nhờ nhà con gái xóm bên. Mấy năm qua, gia đình tôi liên tục nhờ chính quyền địa phương và tòa án xem xét, giải quyết để được đi lại trên lối cũ nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Trong khi đó, bà Võ Thị Đang cho rằng: “Trước đây, vì tình làng nghĩa xóm nên cho nhà ông Tuy và nhà bà Duôi đi nhờ trên đất của gia đình tôi. Tuy nhiên, bà Duôi không thực hiện cam kết không dắt bò nên tôi không cho đi. Đất của gia đình tôi được Nhà nước cấp sổ đỏ và không thể hiện lối đi chung. Bà Duôi kiện ra tòa thì không còn tình làng nghĩa xóm, bây giờ một bước chân tôi cũng không cho đi”.
Sơ suất “quên” vẽ lối đi chung?
Việc tranh chấp “quyền về lối đi qua bất động sản liền kề” giữa gia đình bà Duôi với 2 gia đình trên đã được TAND huyện Hoài Ân thụ lý, hòa giải vào năm 2013 bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là mở lại lối đi chung như trước. Tuy nhiên, năm 2014, Viện KSND tỉnh Bình Định đã kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm quyết định thỏa thuận giữa các đương sự vì thiếu những người có quyền lợi liên quan.
Tháng 2/2015, TAND huyện Hoài Ân mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ việc này (bản án số 03/2015/DS-ST). Thế nhưng, tháng 5/2015, TAND tỉnh Bình Định xét phúc thẩm và tuyên hủy bản án này vì đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (bỏ sót người tham gia tố tụng, thu thập chứng cứ không đầy đủ, áp dụng pháp luật không đúng). Đồng thời, trả hồ sơ để TAND huyện Hoài Ân giải quyết lại từ đầu. Đến nay, vụ án này vẫn chưa thể đưa ra xét xử.
Ông Trần Đình Bình, Chánh án TAND huyện Hoài Ân, cho biết: “Do khi xét cấp sổ đỏ cho 3 hộ trên, cơ quan thẩm quyền không thể hiện lối đi chung trong sổ đỏ. Sơ suất này là nguyên nhân dẫn đến vụ tranh chấp lối đi chung qua bất động sản liền kề như hiện nay. Theo kế hoạch, cuối tháng 9/2016, tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử nhưng bị hoãn vì một số lý do. Dự kiến, TAND huyện Hoài Ân sẽ mở lại phiên tòa vào tháng 10 này. Còn kết quả ra sao thì phải chờ tòa xét xử xong mới rõ, nhưng quan điểm của tôi thì có nhà thì phải có lối đi”.
Nhà ở thì phải có lối đi
Theo ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tín nêu quan điểm: “Người dân đã có nhà thì phải có lối đi, còn giải quyết như thế nào thuộc quyền về các cấp có thẩm quyền cấp trên. Địa phương chỉ vận động, hòa giải nhưng hòa giải nhiều lần vẫn không xong. Huyện, xã cũng rất đau đầu về vụ việc này. Tôi hy vọng, Tòa án sớm giải quyết cho gia đình bà Trần Thị Duôi được quyền mở lối đi theo đúng quy định của pháp luật”.
“Khi tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp “quyền về lối đi qua bất động sản liền kề” giữa bà Duôi và 2 gia đình bà Đang và ông Tuy, thì bà bà Đang còn cất ngôi nhà nhỏ chặn ngay lối đi chung trước đây. Khi phát hiện, địa phương đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu dừng lại nhưng bà Đang vẫn tiếp tục xây dựng”- ông Nguyễn Minh Vũ, cán bộ địa chính xã Ân Tín cho hay.
Doãn Công