Bình Định: Bất lực nhìn “cát tặc” lộng hành?

(Dân trí) - Hoạt động khai thác cát trái phép tại suối Bà Lễ thuộc thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát, Bình Định) diễn ra công khai nhiều tháng qua. Thế nhưng, chính quyền địa phương dường như bất lực trong việc tìm biện pháp xử lý.

Bình Định: Bất lực nhìn “cát tặc” lộng hành?

Ngang nhiên khai thác cát trái phép

Theo phản ánh của người dân thôn Thuận Phong (xã Cát Lâm) thì tình trạng khai thác cát trái phép ở suối Bà Lễ diễn ra từ nhiều tháng qua bất kể ngày hay đêm. Mỗi ngày có nhiều lượt xe ben chở cát từ suối Bà Lễ đi tiêu thụ. Thế nhưng, chính quyền xã Cát Lâm không có biện pháp ngăn chặn, xử lý khiến người dân hoài nghi, phải chăng có ai đó đứng đằng sau “bảo kê” (!?) cho hoạt động khai thác cát trái phép này.

Hiện trường khai thác cát trái phép tại suối Bà Lễ (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, Bình Định).
Hiện trường khai thác cát trái phép tại suối Bà Lễ (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, Bình Định).

“Ngay tối hồi hôm (8/7) có 6 lượt xe ben vào chở cát đi bán, nhưng chẳng thấy chính quyền ở đâu?. Người dân chúng tôi thì không dám chặn xe vì sợ họ lái xe tông thẳng vào người”, người dân dẫn đường xin được giấu tên cho biết.

Theo dẫn đường của một người dân, PV Dân trí đã mục sở thị khu vực khai thác cát trái phép ở suối Bà Lễ thuộc thôn Thuận Phong. Để đến với khu vực khai thác cát, chúng tôi phải đi khoảng 2km đường đất gồ ghề, hun hút trong những rừng keo. Khi đi đến gần điểm khai thác cát khoảng 300 mét, chúng tôi bắt gặp một xe ben chở cát chạy từ phía suối Bà Lễ ra. Tiếp tục đi sâu vào trong suối, chúng tôi thấy một máy múc đang đậu dưới suối, vết máy múc cát vẫn còn mới. Tuy nhiên, có lẽ phát hiện sự có mặt của người lại nên người điều khiển máy múc này đã rời khỏi hiện trường.

Qua ghi nhận tại hiện trường suối Bà Lễ, đối tượng khai thác cát đã hình thành một con đường giữa lòng suối để tiến hành khai thác theo kiểu cuốn chiếu. Lòng suối bị khai thác với diện tích lớn. Hai bên bờ suối bắt đầu bị sạt lở sau thời gian bị “rút ruột”.

Đường khai thác cát giữa dòng suối.
Đường khai thác cát giữa dòng suối.

“Việc khai thác cát trái phép ở suối Bà Lễ, nếu chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ xói lở khi mưa lũ lớn, gây mất đất trồng keo của dân. Chưa kể nguồn nước ngầm bị cạn kiệt rồi các vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh”, một người dân cho hay.

Chính quyền xã… bó tay?

Về việc này, ông Trương Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) xác nhận đã nắm được thông tin người dân phản ánh về việc khai thác cát trái phép ở suối Bà Lễ, nhưng việc xử lý dứt điểm thì gặp rất nhiều khó khăn.

Xe chở cát ngang nhiên chạy từ hướng suối Bà Lễ ra
Xe chở cát ngang nhiên chạy từ hướng suối Bà Lễ ra

Theo ông Hạnh, sau khi nghe người dân phản ánh, xã cử tổ công tác xuống kiểm tra tại khu vực suối Bà Lễ thì có một trang trại heo của ông Đinh Văn Tịnh (ở thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm) sát bờ suối và chính ông Tịnh khai thác cát trái phép. Trước đây, ông Tịnh tận dụng cát ở suối để làm trang trại nuôi heo. Mới đây, ông Tịnh khai thác cát để bán cho bà con ở đây xây dựng nhà cửa, một phần lén lút chở đi nơi khác bán. Tháng 5/2018, xã đã mời làm việc trực tiếp, yêu cầu không được khai thác, san lấp trả lại mặt bằng, đồng thời xử phạt hành chính 3 triệu đồng. Ông Tịnh cũng viết cam kết không tái phạm.

Tuy nhiên, ông Hạnh cũng cho rằng thẩm quyền của địa phương chỉ có thể xử phạt hành chính. Để xử lý dứt điểm hành vi khai thác cát trái phép của ông Tịnh, cần có sự hỗ trợ của UBND huyện Phù Cát.

Chính quyền xã chỉ có thẩm quyền xử phạt hành chính không quá 5 triệu, thế nhưng một xe cát bán ra thị trường cũng đã hơn 2 triệu đồng tùy xe lớn nhỏ.
Chính quyền xã chỉ có thẩm quyền xử phạt hành chính không quá 5 triệu, thế nhưng một xe cát bán ra thị trường cũng đã hơn 2 triệu đồng tùy xe lớn nhỏ.

“Không biết có sự “hỗ trợ” nào không, chứ ông Tịnh rất cố chấp, địa phương bó tay không thể xử lý được ông này. Thực tế, có lần cán bộ tổ công tác của xã vào kiểm tra thì thấy xe tải chở cát nên yêu cầu tài xế xuống xe lập biên bản. Tuy nhiên, tài xế nói nắng quá để chạy xe vào chỗ mát, rồi đổ cát xuống, di chuyển đi nơi khác nên không xử lý được. Người dân cũng bức xúc lắm nhưng cũng đành chịu. Địa phương rất muốn cơ quan báo chí lên tiếng để huyện, có thể là tỉnh vào cuộc xử lý”, ông Hạnh nói.

Huyện… nói xã làm chưa hết trách nhiệm?

Làm việc với báo chí về vấn đề trên, ông Tạ Công Thượng, Trưởng phòng TN&MT huyện Phù Cát (Bình Định) cho rằng về nguyên tắc ông không đủ thẩm quyền để trả lời báo chí.

Máy múc cát ngay tại suối Bà Lễ nhưng chính quyền xã Cát Lâm nói khó xử lý.
Máy múc cát ngay tại suối Bà Lễ nhưng chính quyền xã Cát Lâm nói khó xử lý.

Tuy nhiên, ở góc độ quyền, nhiệm vụ của mình, ông Thượng cho hay: “Khu vực suối Bà Lễ có quy mô nhỏ, nếu có khai thác chỉ là xe máy cày. Về việc chính quyền xã Cát Lâm than khó xử lý hành vi khai thác cát trái phép của ông Tịnh với cơ quan báo chí là không đầy đủ trách nhiệm! Bởi, Nghị định 33 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản cũng quy định rất rõ, địa phương căn cứ vào đấy mà thực hiện thôi. Trường hợp xã gặp khó khăn trong xử lý thì phải có báo cáo gửi cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ lực lượng. Đến nay, xã cũng chưa báo cáo gì nên huyện cũng không nắm rõ để có hướng xử lý”.

Cũng theo ông Thương, theo Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 27/9/2017 của UBND tỉnh Bình Định về việc tăng cường quản lý và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, huyện cũng đã quán triệt cho các xã, thị trấn rồi.

Trong khi đó, ông Hạnh cho rằng qua tham khảo ý kiến của Công an huyện Phù Cát, muốn xử lý hành vi khai thác cát trái phép của ông này, xã phải bắt quả tang tận tay. Thế nhưng, mỗi khi tổ công tác của xã vào kiểm tra, tài xế đổ hết cát hết ra khỏi thùng nên xã không có sở để xử lý. Có khi địa phương điện thoại cho cơ quan chức năng của huyện nhờ chi viện, nhưng họ thông báo lực lượng đang đi công tác…nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn”.

Doãn Công