Biến tướng của quán cóc học đường

(Dân trí) - Mặc dù địa điểm kinh doanh lý tưởng của những quán cóc ở TP Huế là cổng trường đã bị ngăn cấm, nhưng những người buôn bán theo hình thức này không vì thế mà “đầu hàng”, quán cóc dù là “chiêu” mới của họ.

Dạo quanh các trường học Tiểu học và THCS, chúng tôi rất ít bắt gặp những quán cóc cố định ngay trước cổng trường như trước đây. Thay vào đó là cách hoạt động tinh vi hơn của những quán cóc dù, những người này luôn tranh thủ 5 phút giờ ra chơi, thời gian trước khi vào học và khi tan học của học sinh để xuất hiện, đứng bán qua các khe sắt của tường rào. Hoặc có người đứng bán ở những mặt sau của trường, hay cách trường khoảng vài trăm mét.
Biến tướng của quán cóc học đường - 1

Các quán cóc dù xuất hiện, họ căn rất đúng giờ học sinh ra chơi
 
Các mặt hàng ở đây chủ yếu là kem, nước đá si rô, các loại nước giải khát rẻ tiền nguồn gốc không rõ ràng, bò bía, hoa quả gọt sẵn… nhưng không che đậy, bày bán ngay mặt đường, mặc cho bụi bẩn bay vào và không đảm bảo vệ sinh, rất dễ cho vi khuẩn xâm nhập. Mặt khác, do “thượng đế” hầu hết là những em học sinh nhỏ tuổi, còn thiếu hiểu biết nên giá cả thì đắt hơn còn “chất lượng” thì giảm sút.

Đứng quan sát một quán cóc dù, tại phía bên phải của trường tiểu học Lê Lợi, trên đường Hoàng Hoa Thám, TP.Huế vào buổi sáng. “Chủ quán” là một người đàn ông chừng 40 tuổi, đi xe máy, trên xe là một thùng nước đá xay nhỏ, một thùng kem, 2 hộp sữa đặc, vỏ kem, một chai si rô và các chai nước giải khát… người đàn ông này dựng xe ngay bên vỉa hè “trao đổi hàng hóa” với các em học sinh qua những khe hở của tường rào.
 
 
Biến tướng của quán cóc học đường - 2

Các em học sinh đứng kín mít quanh bờ tường tay cầm tiền luồn qua khe, miệng thì luôn nháo nhác mua hàng.


Còn các em học sinh leo lên đứng kín mít phía bên trong bờ tường, cầm tiền trên tay luồn ra ngoài, em thì 2 nghìn nhiều nhất là 10 nghìn. Luôn nháo nhác, tranh nhau kêu gọi “chú ơi bán cho con cây kem, ly nước…”. Kem và nước si rô là 2 loại hàng được các bé mua nhiều nhất.

Quan sát chưa đầy nửa tiếng chúng tôi đã thấy người đàn ông này thu về chừng 50 nghìn đồng. Nhưng điều đáng nói ở đây là vấn đề đảm bảo vệ sinh, nếu không bị ngộ độc, thì nó cũng là nguồn gốc cho các loại vi khuẩn, giun sán xâm nhập vào cơ thể các bé.

Không chỉ các trường tiểu học, mà các trường trung học cơ sở cũng xuất hiện rất nhiều quán cóc dù, các mặt hàng thì nhiều hơn. Đi qua một trường THCS ở Thị trấn Tứ Hạ, Hương Trà, chúng tôi bắt gặp 4 người phụ nữ đi bằng xe máy, họ canh đúng giờ ra chơi của học sinh để đến bán qua các khe sắt của cổng trường. Khi đến nơi họ bỏ đồ xuống, các mặt hàng ở đây chủ yếu là các loại nước uống, đóng vào túi bán với giá 1 đến 2 nghìn, dưa hấu cắt thành miếng, và bán rất chạy.

Nhìn cảnh các em học sinh đứng kín mít trong trường, tay cầm tiền với ra còn miệng luôn kêu gọi ầm ĩ bán cho cái này, cái kia, rất tội nghiệp và mất thẫm mỹ. Còn những người đi qua thì đều lắc đầu…

Mong rằng nhà trường và các phụ huynh hãy quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, để đảm bảo cho các bé có một sức khỏe tốt để vui chơi, học tập.

 

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm