Biện pháp giảm tai nạn giao thông

Muốn khắc phục tai nạn giao thông vẫn ở mức cao ở nước ta, cần xác định đúng những nguyên nhân.

Tôi muốn đóng góp một số ý kiến về những nguyên nhân đó cùng các biện pháp khắc phục. Thật ra đây không phải là những phát hiện mới mẻ. Những điều này đã từng được các chuyên gia trong nước và nước ngoài nêu lên và nhấn mạnh, nhưng chưa được các nhà quản lý hữu trách quan tâm đúng mức.

 

1. Điều hành giao thông chưa hợp lý

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Có quá nhiều chỗ giao cắt nhau, các ngã tư đèn xanh đèn đỏ chỉ nên cho đi từng làn một, vì nếu để 2 làn đối diện cùng đi một lúc, thì sẽ có một phần người tham gia giao thông muốn rẽ, họ sẽ cắt mặt làn đi thẳng, dễ gây ách tắc, tai nạn, lưu lượng thoát người chẳng những không tăng mà còn bị ùn lại, vì ai cũng muốn vượt cắt mặt nhanh, điều này ta tổ chức được, đâu cần phải mở rộng đường, xây đường vượt này nọ. Một số nút giao thông điều hành theo điều hành theo cách này đã giảm được ách tắc đáng kể.

 

Trên các trục đường, nếu bố trí được giải phân cách thì tốt, vì nó sẽ hạn chế được người tham gia giao thông tuỳ tiện sang đường, họ phải đến những vị trí quy định thì mới được sang hay rẽ.

 

2. Tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập

 

Muốn nhanh chóng tăng cường hệ thống đường sá mà đầu tư ít tốn kém hơn, cần khuyến khích việc sản xuất các trang thiết bị điều khiển trong nước (đèn xanh đỏ mà vẫn phải nhập ngoại, bao nhiêu tiến sỹ, kỹ sư điện tử để đâu?).

 

Sử dụng các vật liệu trong nước để làm đường giống như nhiều nước trên thế giới (làm đường bằng xi măng, kích thích các doanh nghiệp trong nước phát triển), hạn chế nhập vật tư ngoại để làm đường ( nhựa đường, atphan...). Cái nào làm được không tốn kém thì làm truớc.

 

3. Thực hiện chính sách giải tỏa công bằng và hợp lý

 

Muốn mở rộng đường sá, giải phóng mặt bằng được nhanh chóng và ít tốn kém ở các thành phố cần thực hiện chính sách công bằng, không nên đẩy người đang có nhà mặt đường lên nhà cao tầng, còn người ở trong hẻm thì tự nhiên được chui ra mặt đường lớn, gây ra khiếu kiện, dẫn đến đền bù nhiều, mất thời gian.

 

Vậy khi đề bù, chúng ta nên đền bù cho cả những hộ ở sâu 2 bên làn đường, sau đó, xây nhà cao tầng tại chỗ cho họ ở, tránh tình trạng phải xây nhà tái định cư ở nơi khác cho ngưòi bị giải toả ở. Khi đó, tầng 1 hoặc tầng 2 sẽ dành cho những người vốn ở mặt đường trước đây, còn tầng cao hơn sẽ dành cho người ở sâu trong ngõ... Như vậy, những hộ bị giải tỏa vẫn được sống trên trục đường cũ, còn người nông dân không bị mất đất cho tái định cư, sẽ có nhiều đất để trồng cây xanh, làm công trình phúc lợi. 

 

Việc giải toả như trên cũng sẽ đỡ tốn tiền đền bù hơn, tạo ra một khu phố hiện đại, không còn bị lem nhem, xây dựng vô lối như nhiều con đường mới mở trước đây.

 

4. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện tham gia giao thông

 

5. Không ngừng nâng cao dân trí và thường xuyên giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông

 

Đã vi phạm là phải phạt ở múc cần thiết đủ sức răn đe, và thực hiện chủ yếu vói người lớn, trẻ em nhìn thấy sẽ học theo. Nếu chỉ quan tâm giáo dục trẻ em, mà ngưòi lớn cứ làm sai, trẻ em nhìn tấm gương phản diện của người lớn mà bắt chước, cho nên giáo dục đến mấy cũng không có hiệu quả.

 

Đỗ Mai Thanh

 

LTS Dân trí - Xác định đúng những nguyên nhân sâu xa gây ra tai nạn giao thông và từ đấy kiên quyết thực hiện tập trung các biện pháp đồng bộ để khắc phục các nguyên nhân đó. Đấy là cách làm có hiệu quả nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng ách tắc cũng như tai nạn giao thông vẫn thường xảy ra trên nhiều địa bàn ở nước ta, nhất là ở những thành phố lớn, có lưu lượng giao thông cao.

 

Bài viết trên đây nêu lên những nguyên nhân và một số giải pháp hữu ích nhằm khắc phục tai nạn giao thông cũng như nhanh chóng cải thiện tình hình giao thông ở nước ta. Những ý kiến đóng góp thiết thực đó đáng được các cơ quan có trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực này xem xét và sớm cho thực hiện những ý kiến đóng góp  chuẩn xác.