"Biển người" đổ ra đường vui trung thu: Đừng để ngày vui ươm mầm hiểm họa!

Hải Hà

(Dân trí) - Trên các trang báo, mạng xã hội từ sáng sớm nay 22/9 ngập tràn thông tin, hình ảnh về cảnh tượng người dân đổ ra chật kín phố phường vui chơi trung thu, ngay khi Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách.

Tết Trung thu, cũng là ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng phương án phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ sau 2 tháng giãn cách xã hội. Việc nới lỏng giãn cách là để người dân được kinh doanh, làm việc, các dịch vụ cần thiết nhất được mở lại trong tầm kiểm soát chứ chưa thể trở lại cuộc sống bình thường như trước.

Khi F0 vẫn đang "lẩn khuất" trong cộng đồng, cảnh tượng đông nghịt người ùa ra đường, vào các siêu thị lớn vui chơi đêm trung thu khiến nhiều người lo sợ.

Biển người đổ ra đường vui trung thu: Đừng để ngày vui ươm mầm hiểm họa! - 1

Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng mình ý thức được việc tập trung đông người là vi phạm các quy định phòng dịch của TP Hà Nội nhưng vẫn muốn ra đường vui chơi sau quá nhiều ngày bị "cùm chân" ở nhà (Ảnh minh họa: Nguyễn Bắc).

Một bạn đọc khi nhìn thấy hình ảnh này đã phải thốt lên rằng: "Vô tâm, vô cảm với đồng loại và vô ơn với sự hy sinh thầm lặng của các y bác sỹ, những người tuyến đầu chống dịch!".

"Đừng thấy Xanh mà lầm, coi chừng Xanh vỏ Đỏ lòng"

"Nhìn bệnh nhân ra đi ngay trước mắt mình mà không làm gì được, vợ chồng mất nhau con cái mất bố mẹ. Mong mọi người hãy vì lợi ích chung mà gác lại niềm vui riêng để chúng ta cùng nhau đánh bay dịch bệnh. Lúc đó chúng ta sẽ được vui chơi trong bình an để ngành y chúng tôi được nghỉ ngơi trong hạnh phúc", bạn đọc Hải An viết.

"Tôi là người sống ở Hà Nội, quá lo lắng khi nhìn cảnh này. Tại sao họ có thể đổ ra đường khi dịch bệnh chưa hết hoàn toàn? Hay họ nghĩ đã tiêm vắc xin là không còn nhiễm? Lại nín thở chờ, hi vọng không có F0 nào trong số này. Biết bao bài học mà vẫn đổ ra đường để đón trung thu như vậy", bạn đọc Thùy Trang chia sẻ.

Biển người đổ ra đường vui trung thu: Đừng để ngày vui ươm mầm hiểm họa! - 2

Dòng người tấp nập đổ ra đường đêm trung thu ở Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Trong dòng người đổ ra đường hay vào các trung tâm thương mại có rất nhiều trẻ nhỏ. Nhiều bạn đọc cảm thấy thực sự bức xúc trước sự chủ quan của người lớn, như ý kiến của bạn đọc Thu Hiền: "Hãy nhớ rằng chưa trẻ em nào dưới 18 tuổi được tiêm vắc xin. Tôi đặt dấu hỏi về việc mọi người có lo nghĩ cho sức khỏe của con cái mình và những trẻ em khác?".

Cho rằng qua vụ việc này, các cấp chính quyền cần rút kinh nghiệm cho việc tuyên truyền trước ngày nới lỏng trước ngày giãn cách, bạn đọc Minh Hải nêu suy nghĩ: "Hãy nghĩ đến 5.000 - 6.000 ca nhiễm mỗi ngày, hơn chục nghìn người đã chết, cả nghìn đứa trẻ mồ côi. Mỗi khi định ra đường hay gặp gỡ người khác, mỗi chúng ta đều tự hỏi lại mình một lần nữa rằng việc này có thực sự cần thiết không, có đáng không. Đừng để những ngày lễ, ngày vui trở thành ngày ươm mầm cho hiểm họa.

Nhưng các cấp chính quyền cũng nên xem đây là bài học đắt giá cho việc tuyên truyền trước ngày nới lỏng giãn cách, nhất là vào những dịp lễ hội. Cần phải chuẩn bị tâm thế dự đoán tình hình để có các biện pháp dự phòng. Chúng ta đã phải trả giá đắt rồi. Ngay trong thời gian tới, chắc chắn sẽ còn nhiều vụ tụ tập, chủ quan, không tuân thủ 5K nữa, thì chính quyền vẫn cần tiếp tục kiểm soát sâu sát, tiếp tục tuyên truyền và xử lý quyết liệt hơn nữa".

"Bản thân là người ở Đồng Nai bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội gần 3 tháng nay, tôi cũng hiểu, cũng có những bức bối ngột ngạt khi phải ở nhà nhiều tháng mà không được ra đường, nhưng tôi không đồng tình với cách đổ ra đường chơi trung thu trong giai đoạn này như vậy.

Mặc dù Hà Nội được nới lỏng nhưng chưa thật sự an toàn, trung thu thì năm nào cũng có, đừng vì nhu cầu và sở thích cá nhân rồi vô tình nhiễm bệnh lây lan cho gia đình, người thân và cộng đồng, khi đó chỉ có bản thân mình chịu khổ thôi. Đừng nên thấy "xanh" mà lầm, coi chừng "xanh vỏ nhưng đỏ lòng" đó!", bạn đọc Tuấn Trình ví von.

Biển người đổ ra đường vui trung thu: Đừng để ngày vui ươm mầm hiểm họa! - 3

Một bạn đọc khác ở Sơn La cho biết: "Tỉnh tôi từ đầu mùa dịch đến giờ chưa có ca nhiễm nào nhưng người dân rất có ý thức và chủ động phòng chống dịch. Năm nay trung thu nhưng mọi người đều tự bảo nhau không tập trung đông người, nhà nào nhà nấy tự phá cỗ trông trăng ở nhà".

Nguy cơ bùng phát dịch là rất rõ

"Nguy cơ bùng phát dịch là rất rõ từ tình trạng dòng người ken đặc ở các tuyến phố lớn tại Hà Nội tối qua. Vụ việc này cũng cho thấy người dân rất chủ quan trong phòng, chống dịch. Phía cơ quan chức năng cũng đã phần nào rơi vào thế bị động dẫn tới mất kiểm soát", đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, trong cuộc trao đổi với Dân trí vào sáng 22/9.

Theo PGS Hùng, mặc dù đã nới lỏng các biện pháp giãn cách và thực hiện chiến dịch xét nghiệm diện rộng nhưng không thể đảm bảo đã truy tìm được hết các ca nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng. Do đó nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn hiển hiện.

"Việc vi phạm giãn cách của người dân như tối 21/9 là rất nguy hiểm. Trong đoàn người tối qua, chỉ cần có một ca dương tính là đã có nguy cơ lây lan mạnh làm bùng dịch. Thành quả của Hà Nội sau 4 đợt giãn cách xã hội có thể bị xô đổ chỉ sau một dịp lễ trung thu", PGS Hùng cho hay.

"Muốn bình thường mới, nghĩa là quay lại cuộc sống trước khi chưa xảy ra dịch thì phải đợi tiêm hết 2 mũi vắc xin cho 70% dân số, tạo được miễn dịch cộng đồng thì hãy bình thường mới. Hà Nội mới tiêm được 1 mũi cho người dân trên 18 tuổi thôi mà người dân đã chủ quan tụ tập đông thế này thì thực sự đáng lo ngại. Đừng để phụ lòng bao nhiêu công sức, cố gắng của đội ngũ y tế Hà Nội và các tỉnh lân cận giúp đỡ thời gian vừa qua", bạn đọc Lê Dũng viết.

Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy chia sẻ tại khung bình luận bên dưới nhé!