Bị vu khống, làm nhục trên mạng xã hội, nạn nhân nên im lặng hay cần làm gì?

(Dân trí) - Mạng xã hội đã mang đến nhiều tiện ích cho toàn xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng rất nhiều điều phải nói như đang có quá nhiều thông tin không phù hợp với trẻ em, trái thuần phong mỹ tục như bạo lực, tình dục và nhiều người lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vu khống, làm nhục người khác. Vậy nếu trong trường hợp bị vu khống, làm nhục trên mạng, nạn nhân cần phải làm gì?

Trước tiên, cần phân biệt rõ khái niệm thế nào là vu khống và bị làm nhục. Theo Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), vu khống là: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Làm nhục là: Hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Hành vi xúc phạm rất đa dạng phổ biến là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện, được thực hiện khiến nạn nhận cảm thấy nhục nhã, tổn thương nặng nề về danh dự, nhân phẩm. Để đánh giá hậu quả người bị xúc phạm có cảm thấy nhục nhã hay không cần dựa trên các yếu tố loại hành vi, mức độ xúc phạm của hành vi; ý thức về việc bị xúc phạm của nạn nhân với hành vi; Dư luận xã hội về hành vi, tác động tâm lý của nạn nhân bị xúc phạm.

Bị vu khống, làm nhục trên mạng xã hội, nạn nhân nên im lặng hay cần làm gì? - 1

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi.

Có những cách sau để nạn nhân của sự vu khống, xúc phạm, làm nhục nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp

Cách thứ nhất: Đề nghị cơ quan công an cấp xã, cơ quan công an cấp huyện xem xét xử lý hành vi làm nhục, xúc phạm theo khoản 3 điều 66  Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điệnnhư sau:

"Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin

  1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  2. g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;".
Bị vu khống, làm nhục trên mạng xã hội, nạn nhân nên im lặng hay cần làm gì? - 2

Luật sư Quách Thành Lực- Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

 

Cách thứ hai: Đề nghị, thông báo cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện nơi người thực hiện hành vi xem xét xử lý hành vi làm nhục người khác hoặc vu khống.

Điều 155. Tội làm nhục người khác Có thể bị phạt tù đến 05 năm

Điều 156. Tội vu khống Có thể bị phạt tù lên đến 07 năm

Cách thứ ba: Khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự nhân phẩm do hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm gây ra cho mình.

Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

  1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường."

Bạn có thể lựa chọn các cách thức trên đây để bảo vệ mình trước hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, làm nhục, vu khống của người khác. Cả ba trường hợp trên nhất thiết bạn phải xuất trình bằng chứng gửi cho cơ quan có thẩm quyền để cơ quan này đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Ngọc Hân (thực hiện)