Quảng Ninh:

Bị "treo lương" ròng rã hơn 3 năm, hàng chục nhân viên lâm vào cảnh khốn cùng

(Dân trí) - "Hơn 3 năm bị "treo" lương, nhiều người ốm đau không có tiền chạy chữa, nhiều gia đình ban lãnh đạo đã phải thế chấp hoặc gán nhà để trả nợ, duy trì hoạt động của công ty, có nhân viên do quẫn bách dẫn đến vi phạm pháp luật và đã phải đi tù”

Nhân viên sống không lương hơn 3 năm
Suốt nhiều ngày nay, trong khi người người đang chuẩn bị kết thúc công việc để lo đón Tết thì hàng chục nhân viên của Công Ty Cổ phần Đầu Tư Phát Triển Khu kinh tế Hải Hà (Công ty Hải Hà) tại Quảng Ninh đang rơi vào cảnh khốn khổ vì bị nợ lương.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, nhân viên của Công ty Hải Hà, người đại diện viết đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, có 28 nhân viên của công ty bị nợ lương. “Tính đến thời điểm hiện tại, 28 người chúng tôi đã bị nợ lương hơn 40 tháng. Tất cả đều đang rất khó khăn và sắp rơi vào tình trạng khánh kiệt”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho hay, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà được thành lập tháng 3 năm 2007, với cam kết góp vốn của các Tập đoàn, Ngân hàng, Tổng công ty nhà nước, thực hiện nhiệm vụ “Đầu tư xây dựng và kinh, doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà” thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
 
Đơn kêu cứu của 28 nhân viên Công ty Hải Hà bị treo lương hơn 3 năm gửi tới báo Dân trí.
Đơn kêu cứu của 28 nhân viên Công ty Hải Hà bị "treo" lương hơn 3 năm gửi tới báo Dân trí.

Sau 7 năm hoạt động,hiện nay còn 3 cổ đông là 3 Doanh nghiệp nhà nước gồm: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và  Tổng Công ty Sông Đà, trong đó Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam giữ vai trò là cổ đông chi phối và là đầu mối để báo cáo với chính phủ.

Với đặc điểm là Doanh nghiệp được thành lập theo Dự án và là Công ty cổ phần 100% vốn nhà nước (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Sông Đà đã góp vốn 5,1 triệu USD (khoảng 81 tỷ đồng) để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án, nhưng số tiền này đang bị một Công ty TNHH một thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam chiếm dụng).

Sau khi vụ việc ở Vinashin bị khởi tố và nhiều lãnh đạo của Vinashin phải hầu tòa và lãnh án. Tháng 7/2010, thực hiện Quyết định 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Công ty được chuyển giao sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline) nhưng một thời gian sau Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã báo cáo Chính phủ về việc không có khả năng thực hiện tiếp nhận Dự án và công ty lại trở về với chủ cũ.

Trong thời gian này, người lao động của công ty bị nợ tiền lương, không được tiền đóng bảo hiểm và các chế độ có liên quan khác.

Sau nhiều lần người lao động kiến nghị, ngày 11/7/2011, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý đã ký thông báo “Thông báo số 165/TB/VPCP của Văn phòng Chính phủ để triển khai thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Chính Phủ về việc thực hiện Quyết định 926/QĐ - TTg”, trong đó có nêu trách nhiệm của Tập đoàn Công nghiêp tàu thủy Việt Nam: Là đơn vị có trách nhiệm giải quyết các vấn đề tồn tại của Công ty Cổ  phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà.

Tới ngày  4/1/2012, Đại hội Cổ đông và Hội đồng quản trị Công ty mới tổ chức họp phiên bất thường và ra Nghị quyết số 01/-ĐHCĐ ngày 5/1/ 2012, trong đó có nội dung “ Kiện toàn tổ chức, bộ máy, giải quyết các vấn đề tồn đọng, trả nợ lương , bảo hiểm , chế độ cho người lao động ...”. Nhưng tất cả hành động chỉ nằm trên mặt giấy và cán bộ công ty này đều “tiến thoái lưỡng nan”.
 
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam nay đã trở thành Tổng công ty công nghiệp tàu thủy.

Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam nay đã trở thành Tổng công ty công nghiệp tàu thủy.

Phải chờ đến bao giờ ?
Ông Đào Xuân Trường, chủ tịch Công Đoàn kiêm Bí thư chi bộ công ty bày tỏ: “ Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà, hình thức tên có chữ  “cổ phần” nhưng lại là 100% vốn nhà nước, thuộc đối tượng tái cơ cấu theo sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Người lao động Công ty thuộc các đối tượng được áp dụng giải quyết các chế độ theo quy định như các Doanh nghiêp nhà nước khác. Nhưng Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Cổ đông chi phối và là Đơn vị chủ quản trực tiếp để đưa Công ty vào diện giải quyết, là Cổ đông có đơn vị trực thuộc đang chiếm dụng toàn bộ vốn góp ban đầu của Công ty) lại chưa có ý kiến, chủ trương điều hành cụ thể rõ ràng để thu xếp tài chính, chỉ đạo vận dụng chính sách hay đề nghị xin ý kiến chỉ đạo cụ thể của Chính phủ nhằm có cơ chế tháo gỡ để giải quyết các bức xúc đối với các khoản nợ đọng kéo dài về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ có liên quan cho người lao động.
 
Vấn đề nợ lương, nợ bảo hiểm đã tồn tại trong suốt 4 năm nay (từ khi Công  ty thực hiện Quyết định 926/QĐ-TTg, của Thủ  Chính phủ cho đến nay) mà không hề được giải quyết tích cực mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị HĐQT Công ty và Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam”.

Theo ông Trường cho biết thêm sự trì trệ này đã đẩy người lao động đến bước cùng cực, các chế độ không có nên họ cũng không thể xin việc sang công ty mới làm việc được. “Nhiều người ốm đau không có tiền chạy chữa lại không có bảo hiểm y tế, nhiều gia đình ban lãnh đạo đã phải thế chấp hoặc gán nhà để trả nợ, duy trì hoạt động của công ty, có nhân viên do quẫn bách dẫn đến vi phạm pháp luật và đã phải đi tù”, ông Trường cho biết.
 
Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty công nghiệp tàu thủy xem xét giải quyết sự việc.
Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty công nghiệp tàu thủy xem xét giải quyết sự việc.

Mới đây  Bộ GTVT có công văn số 14060/BGTVT-QLDN gửi Tổng công ty công nghiệp tàu thủy về việc phản ánh, kiến nghị của công đoàn và tập thể người lao động Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà sau khi Văn phòng chính phủ có công văn 10532/VPCP-VI chỉ đạo Bộ GTVT xử lý kiến nghị của người lao động.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, đại diện những nhân viên bị nợ lương, đến bây giờ họ vẫn chưa nhận được động thái nào tích cực từ  Tổng công ty công nghiệp tàu thủy.

“Công ty không có văn phòng làm việc vì không có tiền để trả tiền nhà. Bây giờ Tết gần đến rồi mà anh em không có tiền lương, tiền thưởng, mà phải đến 4 cái Tết rồi không có gì”. Ông Thắng buồn rầu nói.

Chiều ngày 21/1, Ban lãnh đạo của Công ty Hải Hà đã có cuộc họp với HĐQT của Tổng công ty công nghiệp Tàu Thủy để tiếp tục kiến nghị về việc giải quyết nợ lương và các chế độ cho cán bộ nhân viên.

Phía ban lãnh đạo của Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy cho hay sẽ yêu cầu các cổ đông báo cáo, khi nào có kinh phí mới giải quyết được vấn đề nợ lương của 28 nhân viên.

Trong cuộc họp, phía Công ty Hải Hà đưa ra kiến nghị nếu không có tiền trả thì cho các nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên cũng chưa thể cho cán bộ, nhân viên nghỉ việc vì không có tiền để thanh toán lương nợ và chế độ bảo hiểm.

Trong khi chờ đợi phía Ban giám đốc của Tổng Công ty Công Nghiệp Tàu Thủy có phương hướng giải quyết những cán bộ nhân viên của Công ty Hải Hà vẫn phải sống leo lắt trong khi Tết nguyên đán đã cận kề.

Anh Thế - Hoành Sơn