Vụ “Khuất tất tại Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bạc Liêu:

Bị tố mập mờ tài chính, hiệu trưởng vẫn “hạ cánh” an toàn !

(Dân trí) - Bị giáo viên của trường “tố” không rõ ràng trong việc thu chi tài chính, sau khi bị thanh tra, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bạc Liêu lại được "cho" về hưu một cách khó hiểu.

"Mập mờ" thu chi tài chính

Theo đơn tố cáo của giáo viên Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật (TCVHNT) Bạc Liêu gửi báo Dân trí, từ năm 2007, Trường TCVHNT Bạc Liêu mở liên kết đào tạo liên thông với các trường: ĐH Văn hóa TPHCM, ĐH Đồng Tháp với khoảng 16 lớp ĐH, CĐ các ngành. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu như giáo viên của trường không ai biết được số tiền thu được từ nguồn liên kết đào tạo này là bao nhiêu và chi vào khoản gì, tất cả chỉ có ban giám hiệu và bộ phận kế toán tài chính của trường biết.

Theo đơn tố cáo, giáo viên của trường này có thắc mắc về việc thu chi tiền liên kết đào tạo nhưng ông hiệu trưởng trường là ông Trịnh Việt Xô lại thông báo là việc liên kết bị lỗ. “Nếu liên kết bị lỗ thì tại sao năm nào trường cũng tổ chức liên kết đào tạo làm gì”, một giáo viên đặt câu hỏi.

Đơn tố cáo của giáo viên gửi báo Dân trí.
Đơn tố cáo của giáo viên gửi báo Dân trí.

Cũng theo tố cáo, Trường TCVHNT Bạc Liêu được cấp kinh phí để nâng cấp, sửa chữa trường lớp đảm bảo điều kiện học tập cho các học viên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thay vì sửa chữa phòng lớp học, lãnh đạo trường lại cho làm con đường và thông một cửa sau ra khu dân cư ở phía sau trường. Giáo viên tố cáo đặt nghi vấn: “Việc cho mở cửa sau ra khu dân cư có phải vì có nhà của ông Trần Trung Trực là Trưởng phòng Hành chính- Tổng hợp của trường đang ở và số tiền thực hiện là bao nhiêu cũng không được rõ”.

Trong đơn tố cáo nêu rõ, trong một thời gian dài, lãnh đạo trường tự giải quyết cho các hộ dân ở phía sau khu vực trường kéo điện để sử dụng, tự mắc điện kế rồi thu tiền. Điều này vi phạm quy định của ngành điện lực về quản lý, sử dụng điện. Trong khi đó, số tiền điện thu được lãnh đạo trường cũng không công khai.

Ngân sách Nhà nước mỗi năm phải chi vài tỷ đồng cho trường đào tạo nguồn nhân lực nhưng nhiều năm qua, mỗi năm trường tuyển sinh hệ Trung cấp chỉ vài chục học viên, chia ra nhiều ngành học, có khi mỗi lớp chỉ 1- 2 học viên khiến tình trạng thầy nhiều hơn trò của trường diễn ra từ nhiều năm, gây lãng phí ngân sách nhà nước rất lớn. Tuy nhiên, khi báo cáo thì lãnh đạo trường lại cho cộng dồn các lớp lại, trong đó có cả lượng sinh viên CĐ, ĐH liên kết với các trường ĐH để báo cáo nhằm nâng số lượng học viên lên để hưởng tiền của ngân sách Nhà nước cấp.

Theo giáo viên tố cáo, thời điểm xảy ra những mập mờ tài chính nêu trên từ khoảng năm 2007- 2013 đều do ông hiệu trưởng Trịnh Việt Xô là người đứng đầu chịu trách nhiệm.

Trường TCVHNT Bạc Liêu, nơi lãnh đạo trường bị tố có nhiều sai phạm về tài chính, bổ nhiệm cán bộ.
Trường TCVHNT Bạc Liêu, nơi lãnh đạo trường bị tố có nhiều sai phạm về tài chính, bổ nhiệm cán bộ.

2,5 tỷ hay 7 tỷ đồng ?

Sau khi có đơn tố cáo của giáo viên, Sở VH-TT&DL Bạc Liêu đã có thành lập đoàn thanh tra những vấn đề mà lãnh đạo Trường TCVHNT Bạc Liêu bị tố cáo vào khoảng tháng 3/2014.

Tiếp xúc với PV, giáo viên tố cáo tỏ ra bức xúc: “Khoảng tháng 4/2014, sau khi thanh tra, Thanh tra Sở có mời tôi để thông báo kết quả. Tuy nhiên họ lại không cho tôi biết chi tiết toàn bộ những vấn đề mà tôi tố cáo nên tôi cũng không rõ đoàn thanh tra đã thanh tra những gì. Trong đó vấn đề quan trọng nhất mà tôi yêu cầu là cần cho biết kết luận thanh tra có đúng với số học viên và số lớp liên kết hay không vì nó liên quan đến việc thu chi tài chính nhưng đoàn thanh tra và nhà trường cũng không cho biết”.

Theo tìm hiểu của PV, qua kết quả thanh tra sau khi có đơn tố cáo, số tiền mà Trường TCVHNT Bạc Liêu thu được qua các lớp đào tạo là hơn 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo người tố cáo, con số này là quá ít so với số học viên các lớp liên kết mà chưa được làm rõ ràng cụ thể.

Theo tài liệu mà PV có được, qua tổng hợp từ năm 2007 đến 2014, có 16 lớp liên kết với khoảng 550 học viên tại Trường TCVHNT Bạc Liêu. Với mức học phí mỗi học viên từ khoảng 4- 6 triệu đồng (lấy trung bình 5 triệu đồng) thì có 14 lớp học (2,5 năm) với 497 học viên là hơn 6,2 tỷ đồng; 2 lớp học (4 năm) với 53 học viên là hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng 16 lớp học với tổng số tiền thu được là hơn 7 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo thanh tra chỉ có khoảng 2,5 tỷ đồng, vậy còn khoảng hơn 4,5 tỷ đồng đang ở đâu ?

Người tố cáo cũng cho rằng, nếu số tiền báo cáo là 2,5 tỷ đồng này chỉ có thanh tra 5 lớp, vậy còn lại 11 lớp không thanh tra là vì sao? Những việc này vẫn chưa được cơ quan quản lý làm rõ.

Ông Phùng Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng điều hành đá quả bóng trả lời báo chí qua Sở.
Ông Phùng Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng điều hành "đá quả bóng" trả lời báo chí qua Sở.

Sở và trường cùng “đá quả bóng” trách nhiệm

Được biết, sau khi Sở VH-TT&DL Bạc Liêu có kết luận thanh tra, cán bộ bị tố là ông Trịnh Việt Xô - Hiệu trưởng và là người chịu trách nhiệm chính lại được Sở này “giải quyết” cho về hưu (tháng 8/2014) một cách nhẹ nhàng mà không có bất cứ hình thức kỷ luật nào.

Trong khi đó, đối với 2 cán bộ kế toán và thủ quỹ, kết luận thanh tra là có sai phạm trong chuyên môn, quản lý tài chính nên Sở yêu cầu không cho làm công việc cũ mà chuyển sang làm công việc khác. Tuy nhiên, cho đến nay 2 cán bộ này vẫn “ung dung” ngồi tại vị trí cũ. Đáng chú ý, kế toán là ông Nguyễn Trường Thuận cũng bị tố trước đây từng là kế toán của một đơn vị thuộc Sở VH-TT&DL Bạc Liêu. Ông này từng có sai phạm về tài chính, đã bị kỷ luật nhưng sau đó được nhận vào làm ở Trường TCVHNT Bạc Liêu và lại được phân công làm kế toán và nay tiếp tục có sai phạm.

PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trường TCVHNT Bạc Liêu về đơn tố cáo của giáo viên trường. Lãnh đạo trường này cho rằng, có một số vụ việc đã được Sở thanh tra nên đề nghị PV gặp lãnh đạo Sở VH-TT&DL Bạc Liêu. Tuy nhiên, khi PV gặp trực tiếp ông Nguyễn Chí Thiện - Giám đốc Sở VH-TT&DL Bạc Liêu thì ông này lại đề nghị PV gặp lãnh đạo trường.

Sau đó, PV tiếp tục gặp lãnh đạo trường đề nghị cung cấp một số tài liệu có liên quan theo đề nghị của Giám đốc Sở nhưng ông Phùng Quốc Hưng - Phó hiệu trưởng điều hành cho rằng, do ông mới được phân công phụ trách trường nên ông không rõ và lại đề nghị PV gặp lãnh đạo Sở. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, thời điểm Trường TCVHNT Bạc Liêu liên kết với các trường ĐH khác, ông Phùng Quốc Hưng là Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo. Vì thế, ông này cho rằng mình không nắm rõ vấn đề là rất khó hiểu ?.

Ông Phùng Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng điều hành đá quả bóng trả lời báo chí qua Sở.
Tờ trình đề nghị thay cán bộ của trường gửi cho Sở được cho là quá chậm trễ trong việc xử lý cán bộ sai phạm.

Còn việc xử lý 2 cán bộ kế toán và thủ quỹ của trường theo chỉ đạo của Sở, ông Phùng Quốc Hưng cho biết, trường đã có tờ trình đề nghị Sở chấp nhận phương án thay thế cán bộ nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định gì từ lãnh đạo Sở. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, thời điểm Thanh tra Sở có kết luận Thanh tra là khoảng tháng 4/2014, nhưng 8 tháng sau đó (12/2014) lãnh đạo trường này mới có tờ trình gửi Sở. 

Vấn đề mà dư luận và người tố cáo đặt ra ở đây có phải việc cố tình chậm trễ là để xử lý qua loa cán bộ sai phạm. Và để làm rõ hơn những khuất tất trên, thiết nghĩ, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu và các ngành chức năng của tỉnh cần có câu trả lời thỏa đáng. 

                                                                                                            H.H