Ngân hàng HDBank Tây Đô:
Bị “tố” câu kết lừa khách hàng
(Dân trí) - Thiếu vốn kinh doanh nhưng không có quan hệ với ngân hàng, nên nhiều người dân đành phải thông qua một công ty môi giới để làm thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, nhiều chuyện rắc rối xảy ra khi cả người dân và phía ngân hàng không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ...
Vay 1 phải trả... 3
Trong đơn gửi Báo Dân trí, anh Nguyễn Duy Thái ở số nhà 02, ngõ 604/98 đường Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy (Long Biên - Hà Nội) phản ánh: Do thiếu vốn kinh doanh lại không có quen biết với ngân hàng, nên anh đã thỏa thuận với Công ty Cổ phần Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) “vay vốn hộ” với số tiền 2 tỷ đồng từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần phát triển nhà TP.HCM (Phòng giao dịch Tây Đô-Chi nhánh Thăng Long). Tài sản bảo lãnh cho khoản vay này là “sổ đỏ” nhà anh Thái. Công ty Hồng Phát có địa chỉ tại phòng 205, C4 Khu đô thị mới Mỹ Đình 1, xã Mỹ Đình (Từ Liêm - Hà Nội).
Tháng 8/2010, anh Thái được bà Nguyễn Thị Hồng Mai, Giám đốc Công ty Hồng Phát đứng ra làm thủ tục vay vốn tại HDBank Tây Đô. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là Giấy CNQSDĐ số AM 555305 do UBND quận Long Biên cấp mang tên Nguyễn Thanh Bình (bố đẻ anh Thái). Tiếp đến, ngày 11/10/2010, Công ty Hồng Phát đã vay Ngân hàng HDBank theo Hợp đồng tín dụng hạn mức số 106/HĐTD-027 thời hạn vay là 12 tháng. Số tiền vay được, anh Thái sử dụng 1 tỷ đồng, chị Mai sử dụng 1 tỷ đồng.
Cũng theo anh Thái, sau khi hết thời hạn vay tại Ngân hàng, anh và Công ty Hồng Phát đều chưa có khả năng thanh toán món nợ trên nên chị Mai có nhờ chị Vũ Thị Phương Lan (trú tại phòng 701, Tập thể Nhạc viện, 45 Hào Nam, Hà Nội) cho vay số tiền 2,05 tỷ đồng để trả vào Ngân hàng làm thủ tục đáo hạn. Sau khi làm xong các thủ tục, số tiền 2,05 tỷ đồng được chuyển vào số tài khoản 027.704.070.000061 của Công ty Hồng Phát tại HDBank Tây Đô.
Tuy nhiên, 6 ngày sau ông Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng phòng giao dịch HDBank Tây Đô gọi điện thông báo cho anh Thái là Ngân hàng không cho Công ty Hồng Phát vay tiếp nữa. Riêng khoản tiền 2,05 tỷ đồng, HDBank Tây Đô đã chuyển 1,3 tỷ đồng cho người khác mà Công ty Hồng Phát đang nợ, số tiền còn lại là 700 triệu đồng được bảo đảm bằng tài sản của gia đình anh Thái.
Trên bảo dưới không nghe
Anh Thái cho rằng: “Trước khi trả 2 tỷ đồng, Ngân hàng, Công ty Hồng Phát và tôi đã có gặp, thỏa thuận với nhau về việc được tiếp tục vay thêm vốn. Sau cuộc gặp, ông Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng phòng giao dịch HDBank Tây Đô đã đưa các hợp đồng cầm cố tài sản, biên bản kiểm kê, phụ lục hợp đồng đã ký tên đóng dấu của cả hai đơn vị là Ngân hàng và Công ty Hồng Phát nhưng chưa điền ngày tháng, số hợp đồng để bên vay “xoay” tiền đáo hạn. Nhưng sau đó phía Ngân hàng lại thông báo không cho Công ty vay nữa. Tôi thấy sự việc trên có sự câu kết giữa Ngân hàng và Công ty để gây thiệt hại cho phía gia đình tôi”.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tích, Trưởng ban đại diện khu vực phía Bắc Ngân hàng HDBank cho biết: “Sự việc giải quyết hết sức đơn giản thế này, bà Mai chuyển số tài sản vào Ngân hàng nhằm thay thế tài sản của anh Thái, nghĩa vụ của Công ty là vẫn nợ 1,3 tỷ đồng, anh Thái sẽ được lấy sổ đỏ ra. Bà Mai vừa mới đưa một tài sản vào nhưng nó chưa đủ 1,3 tỷ đồng nên phía Ngân hàng chưa xử lý được. Nguyên nhân dẫn đến sự việc này chủ yếu là do lỗi của Công ty Hồng Phát, bởi khi nộp tiền vào, bà Mai phải ghi rõ là trả nợ cho khoản A, khoản B, khoản C... nhưng đằng này, bà ấy chỉ ghi chung chung là “nộp tiền vào tài khoản”. Phía Ngân hàng thì thấy khoản nào cần thu thì thu. Bà Mai nói chữ ghi trên ủy nhiệm chi bà ấy không viết vào nhưng chữ ký và dấu là của Công ty. Bà Mai nói là do tin tưởng nên cứ đưa ủy nhiệm chi cho phía Ngân hàng điền vào nhưng về mặt lý thuyết mà nói, khi anh ký và đóng dấu vào đó là anh chịu hoàn toàn trước pháp luật”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng phòng giao dịch HDBank Tây Đô cho biết: “Đối với khoản nợ của Công ty Hồng Phát đã hết hạn vay và phía Ngân hàng đã làm các thủ tục phát mại. Bắt đầu từ ngày 22/9/2011, Công ty Hồng Phát có chuyển tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng (nhiều lần chuyển) vào Ngân hàng, tuy nhiên số tiền này được Công ty trả cho khoản vay ông Lê Đức Phương số tiền 1,3 tỷ đồng”. Cũng theo ông Hoàng, phía Công ty Hồng Phát mới đây có đưa một tài sản khác vào thay thế tài sản của anh Thái nhưng tài sản này chưa đúng theo quy định nên Ngân hàng chưa nhận.
Theo luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Trong trường hợp này, gia đình anh Thái bảo lãnh cho công ty vay vốn ngân hàng nên phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ của người bảo lãnh theo quy định của Bộ luật Dân sự. Khoản tiền 2,5 tỷ đồng được coi là nộp đáo hạn có nguồn gốc từ tiền vay của người thứ ba sẽ mang tên gia đình ông Thái với mục đích trả nợ cho khoản vay 2 tỷ tại ngân hàng, vì vậy ngân hàng không thể mang số tiền đó trừ nợ một khoản vay khác nếu có căn cứ là công ty nộp để tất toán khoản vay 2 tỷ mà gia đình ông Thái bảo lãnh. Ông Thái có thể khởi kiện ngân hàng đối với hành vi này. |
Vũ Văn Tiến - Duy Phong