Vụ khó thi hành bản án có giá trị hơn 13 triệu đồng:

Bị người dân “tố” can thiệp vào việc thi hành án, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nói gì?

(Dân trí) - Trước sự việc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật liên tục bị tạm hoãn, gia đình bà Nguyễn Thị Sảnh cho rằng do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy can thiệp vào. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Thủy cho biết, bà làm đúng chức năng, nhiệm vụ của một Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang trong việc xử lí đơn thư khiếu nại của công dân.

Cố gắng hàn gắn tình thân tộc?

Theo đơn của gia đình bà Nguyễn Thị Sảnh gửi đến báo Dân trí, bà cho rằng bản án số 87/2018/DS-PT ngày 30/7/2018 liên tục bị tạm hoãn thi hành án là do có sự can thiệp của bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Kèm theo đơn phản ánh, gia đình bà Sảnh cung cấp hình ảnh bà Thanh Thủy đến gia đình ông Nguyễn Văn Đức - người phải thi hành bản án phúc thẩm số 87.

Theo gia đình bà Sảnh, sau khi bà Thanh Thủy đến nhà ông Đức (không qua nhà bà Sảnh), liền sau đó, TAND cấp cao có văn bản yêu cầu Chi cục thi hành án thị xã Long Mỹ tạm hoãn thi hành bản án số 87 trong 90 ngày. Trong văn bản này, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nêu rõ là nhận được đơn kiến nghị của ông Đức do Đoàn đại biểu QH tỉnh Hậu Giang chuyển đơn.

Bị người dân “tố” can thiệp vào việc thi hành án, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nói gì? - 1

Đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Sảnh gửi đến báo Dân trí về việc bà cho rằng Phó Trưởng đoàn đại biểu chuyên trách QH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy can thiệp vào việc thi hành án

Nhưng qua tìm hiểu của PV Dân trí, ngoài việc chuyển đơn ông Đức đến tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (như tòa nêu), Đoàn đại biểu QH tỉnh Hậu Giang còn có văn bản kiến nghị gửi đến tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh) xung quanh khiếu nại của ông Nguyễn Văn Đức về bản án phúc thẩm số 87.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thanh Thủy cho biết, lí do bà đến nhà ông Đức là do trước đó, ông Đức 02 lần gửi đơn kiến nghị đến Đoàn đại biểu QH tỉnh Hậu Giang về việc xem xét lại bản án phúc thẩm số 87.

Ngoài ra, bà đến để kiểm tra hiện trạng thực tế phần đất tranh chấp, đặc biệt là xem xét việc thi hành án, hoãn thi hành án sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi gia đình ông Đức và bà Sảnh như thế nào, trước khi Đoàn có kiến nghị gửi đến tòa cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

Bà Thanh Thủy khẳng định: “Việc tạm hoãn thi hành án không ảnh hưởng gì đến hai bên nên không phải gấp thi hành án. Theo tôi giữ nguyên hiện trạng là tốt nhất, vì giữ được mối tình thân tộc hai gia đình”.

Tuy nhiên về mục đích hàn gắn mối thân tộc, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Long Mỹ đã nêu trong báo cáo số 07, ngày 16/4: “Xét thấy việc tổ chức vận động, thuyết phục nghĩa vụ thi hành án nhằm mục đích hàn gắn tình thân tộc của hai đương sự không hiệu quả. Do đó, chấp hành viên lập thủ tục, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế…”

Dân gửi đơn thì đến tìm hiểu...

Trước thắc mắc của gia đình bà Sảnh về việc bà Thanh Thủy đi với tư cách một đại biểu QH nhưng chỉ đến nhà ông Đức, không sang nhà bà Sảnh để nắm rõ sự việc là thiếu khách quan. Bà Thanh Thủy cho biết: “Do tôi nhận đơn từ gia đình ông Nguyễn Văn Đức nên chỉ đến nhà ông Đức tìm hiểu thực tế và gia đình bà Sảnh cũng liền kề nên tìm hiểu ranh bên này cũng biết ranh bên kia. Hơn nữa hôm đó, những người biết chuyện (ông Thái Văn Khải) thì không có ở nhà, còn bà Sảnh già yếu nằm một chỗ nên tôi không qua nhà bà Sảnh”.

Từ đơn đề nghị của gia đình ông Nguyễn Văn Đức và chuyến kiểm tra thực tế, ngày 7/01/2019, Đoàn đại biểu QH tỉnh Hậu Giang có công văn số 03/ĐĐBQH –PV gửi Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh về việc xem xét, giải quyết đơn của ông Nguyễn Văn Đức, do bà Nguyễn Thanh Thủy – Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu QH tỉnh Hậu Giang ký.

Bị người dân “tố” can thiệp vào việc thi hành án, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nói gì? - 2

Trước khi gửi đơn đề nghị đến Đoàn đại biểu QH tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Đức cũng đã gửi đơn kiến nghị đến tòa án cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm

Tại văn bản này, có đoạn nêu: “Bản án sở thẩm số 87/2017/DS –ST, ngày 28/9/2017 tuyên xử giữ nguyên hiện trạng, không chấp nhận nguyên đơn khởi kiện tranh chấp đất đai của bà Nguyễn Thị Sảnh là hoàn toàn hợp tình, hợp lí, đúng căn cứ pháp luật.

Còn bản án phúc thẩm số 87/2018/DS–PT, ngày 30/7/2018 của TAND tỉnh Hậu Giang tuyên không sát tình hình thực tế và nguồn gốc đất đai thừa kế của họ tộc, làm xáo trộn đoàn kết trong các gia đình, gây thiệt hại cho hộ ông Nguyễn Văn Đức (nếu thực hiện thi hành án như bản án phúc thẩm đã tuyên).

Từ các lẽ trên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh sớm xem xét, xử giám đốc thẩm để trả lại sự thật và vun đắp tình đoàn kết thân tộc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Hậu Giang theo quy định”.

Bị người dân “tố” can thiệp vào việc thi hành án, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nói gì? - 3

Văn bản kiến nghị của Đoàn đại biểu QH tỉnh Hậu Giang do bà Nguyễn Thanh Thủy ký gửi đến tòa cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xem xét lại đơn của ông Nguyễn Văn Đức

Ngày 12/4 vừa qua cán bộ tòa cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kết hợp với chính quyền phường Bình Thạnh (thị xã Long Mỹ) đến kiểm tra thực địa phần đất tranh chấp giữa ông Đức và bà Sảnh theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ông Nguyễn Hữu Nghị - Chánh văn phòng Đoàn đại biểu QH tỉnh Hậu Giang cùng tham gia buổi kiểm tra thực địa này, cho biết: “Qua tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Đức không đồng tình việc tòa phân chia phần đất tranh chấp từ cột mốc số “0” chạy dài ra phía sau, giáp thửa đất 195. Tại phần đất này có mương ranh hai bên sử dụng ổn định, nhưng khi tòa tuyên lại không lấy giữa mương làm cột ranh mà xéo qua phần đất của ông Đức khoảng 0,7m. Nếu ranh đất được cắm theo tòa phúc thẩm tuyên, ông Đức vừa mất đất và phải chặt một số cây trồng”.

Bị người dân “tố” can thiệp vào việc thi hành án, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nói gì? - 4

Phần trách chấp phía sau nhà (có mương ranh) ông Thái Văn Khải chấp nhận cắm ranh dưới mé mương... Riêng phần tranh chấp bên vách nhà, ông yêu cầu thực hiện theo lời tòa đã tuyên là 0,5m để ông mở cửa sổ được khi xây tường hàng ranh

Ông Thái Văn Khải - được bà Sảnh ủy quyền, cho biết: “Tôi tuân thủ theo phán quyết của tòa án, vì tôi thấy đây là bản án thấu tình đạt lý. Tuy nhiên để hai bên có hàng rào ranh ổn định, đối với phần diện tích đất tranh chấp ở cột số “0” kéo dài đến thửa đất 195, tôi chấp nhận cắm ranh dưới mé mương, thậm chí giữa mương. Như vậy, ông Đức không mất đất, không phải chặt một số cây trồng theo ranh mà tòa đã tuyên. Còn đối với phần đất cặp vách nhà, tòa tuyên cho tôi 0,5m là rất cần thiết, vì nếu không thực hiện điều này, gia đình tôi phải đập lam cửa sổ và không thể mở cửa sổ khi xây hàng rào ranh”.

Từ chuyện ông Khải lấy mương ranh chia đôi làm mốc  ranh cho hai nhà là điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án xem xét, vận động gia đình ông Đức tự nguyện thi hành bản án phúc thẩm số 87. Và đây cũng là cơ sở để gia đình ông Nguyễn Văn Đức và bà Nguyễn Thị Sảnh hàn gắn tình thân tộc.  

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm