Bị mất giấy khai sinh, làm căn cước công dân thế nào?

Hải Hà

(Dân trí) - Mẹ tôi năm nay 54 tuổi nhưng không có CMND/CCCD vì bị thất lạc giấy khai sinh, do gia đình ly tán. Tôi liên hệ công an cấp phường đến quận đều được trả lời không thể làm được CCCD hay Giấy khai sinh.

Vậy mẹ tôi cần làm những thủ tục gì để làm lại giấy khai sinh và để được cấp CCCD?

Trả lời:

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Theo Điều 18 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân (tình trạng còn hiệu lực), quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú được cấp Thẻ căn cước công dân.

Cơ sở để tính tuổi căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp thông tin về ngày, tháng, năm sinh của người đó chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì căn cứ vào Giấy khai sinh bản chính hoặc Sổ hộ khẩu để xác định ngày, tháng, năm sinh của người đó.

Bị mất giấy khai sinh, làm căn cước công dân thế nào? - 1

Trường hợp chưa đăng ký thường trú, mất Giấy khai sinh, chưa có thông tin về ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên không đủ điều kiện để cấp Căn cước công dân (Ảnh minh họa: Hải Hà).

Như vậy, điều kiện tiên quyết để được cấp Căn cước công dân là công dân đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú, đã đăng ký khai sinh, hoặc đã có thông tin về ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp của độc giả hỏi, do chưa đăng ký thường trú, mất Giấy khai sinh, chưa có thông tin về ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên không đủ điều kiện để cấp Căn cước công dân.

Theo luật sư, để được cấp Căn cước công dân, cần thực hiện trình tự, thủ tục sau đây:

- Bước 1: Đề nghị cấp bản sao Giấy khai sinh từ sổ gốc

Công dân đến UBND nơi đã đăng ký khai sinh trước đây đề nghị cấp bản sao Giấy khai sinh từ sổ gốc đăng ký khai sinh. Mẹ của bạn hiện nay 54 tuổi, việc đăng ký khai sinh từ những năm 1969, 1970 có thể được thực hiện tại UBND cấp huyện, hoặc UBND cấp xã nơi sinh.

Do đó phải tìm đúng nơi đã đăng ký khai sinh để yêu cầu cấp bản sao Giấy khai sinh từ sổ gốc (do mẹ của bạn không có bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký khai sinh lại theo quy định nên không thể thực hiện được thủ tục đăng ký lại khai sinh, cấp bản chính Giấy khai sinh đăng ký lại theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP).

- Bước 2: Trường hợp chưa đăng ký thường trú

Điều 4 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú (tình trạng còn hiệu lực), quy định người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo ngay thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại. Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện người thuộc trường hợp phải khai báo thông tin về cư trú thì có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu công dân đó thực hiện việc khai báo.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu công dân khai báo thông tin về cư trú, công dân phải có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú để thực hiện khai báo.

Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của công dân đã khai báo qua trao đổi, lấy thông tin từ cha, mẹ, anh, chị em ruột hoặc người thân thích khác của công dân; trường hợp cần thiết, có văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm tra, xác minh và cung cấp thông tin.

Trường hợp qua kiểm tra, xác minh mà xác định thông tin công dân đã khai báo là chưa chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú đề nghị công dân đó khai báo lại để kiểm tra, xác minh lại nếu thấy cần thiết. Thời hạn kiểm tra, xác minh lại được tính như thời hạn kiểm tra, xác minh lần đầu.

Sau khi kiểm tra, xác minh mà xác định được người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà công dân đã khai báo là chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú thực hiện thủ tục cần thiết để cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập, cấp số định danh cá nhân cho công dân nếu công dân đó chưa có số định danh cá nhân. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân vào cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo, cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân.

Nội dung giấy xác nhận thông tin về cư trú bao gồm các thông tin cơ bản về công dân: Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi ở hiện tại; ngày, tháng, năm khai báo cư trú.

Người đã được cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú có trách nhiệm đăng ký thường trú hoặc tạm trú ngay khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Cư trú; trường hợp vẫn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú nhưng có thay đổi về thông tin nhân thân thì phải khai báo lại với công an cấp xã nơi đã cấp giấy xác nhận để rà soát, cập nhật thông tin về nhân thân lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

UBND cấp xã căn cứ vào giấy xác nhận thông tin về cư trú của công dân và thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiến hành việc cập nhật thông tin về hộ tịch và cấp giấy tờ liên quan đến nhân thân cho công dân theo thẩm quyền.

Trường hợp đủ điều kiện đăng ký thường trú: Theo Khoản 1, Khoản 3, Điều 20 Luật Cư trú 2020, công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

- Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.

Sau khi đã đáp ứng được điều kiện trên, mẹ bà Huyền có thể nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

- Bước 3: Đề nghị cấp Thẻ căn cước công dân

Sau khi hoàn thành 2 bước trên. Được cấp bản sao Giấy khai sinh từ sổ gốc, được cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú, hoặc đã đăng ký thường trú, tạm trú, mẹ của bạn đủ điều kiện đề nghị cơ quan công an cấp Căn cước công dân gắn chip tại nơi thường trú hoặc tạm trú.

Theo quy định tại Điều 11 và Điều 13 Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an (tình trạng còn hiệu lực), công dân đến cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại Thẻ căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp Thẻ căn cước công dân; thực hiện trình tự, thủ tục cấp Thẻ căn cước công dân.

Nơi thu nhận và trực tiếp tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại Thẻ căn cước công dân cho những trường hợp cần thiết do thủ trưởng cơ quan quản lý Căn cước công dân Bộ Công an quyết định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm