Bị khởi tố thêm tội danh, ông Trịnh Văn Quyết đối diện mức án nào?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, với việc bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hơn 6.412 tỷ đồng, mức án kịch khung mà Chủ tịch FLC cùng đồng phạm có thể đối mặt là tù chung thân.

Ngày 25/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã thi hành các quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) và các cá nhân có liên quan về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Sự việc xảy ra tại Công ty CP Xây dụng FLC Faros và các công ty có liên quan.

Trước đó, ngày 29/3, CQ CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Dư luận đang băn khoăn, với vi phạm nêu trên, ông chủ tập đoàn FLC cùng các đồng phạm sẽ bị xử lý ra sao trước pháp luật?

Bị khởi tố thêm tội danh, ông Trịnh Văn Quyết đối diện mức án nào? - 1

Trịnh Văn Quyết, Hương Trần Kiều Dung (Ảnh: CAND).

Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tội danh mà Chủ tịch FLC cùng các đồng phạm vừa bị khởi tố được quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015.

Trích dẫn khoản 4, Điều 174 Bộ luật này, luật sư Xuyến cho biết người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác mà tổng giá trị tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên sẽ đối mặt với mức án 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.

"Do đây là vụ án có đồng phạm, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò cụ thể, mức độ đóng góp của từng bị can trong việc cùng ông Quyết chiếm đoạt số tiền hơn 6.412 tỷ đồng. Nếu có căn cứ xác định các bị can còn lại đã giúp sức tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để bị can Quyết lừa chiếm số tiền lớn, họ sẽ bị xử lý về tội danh và tình tiết định khung tương tự với Chủ tịch FLC", luật sư phân tích.

Theo thông tin cơ quan điều tra cung cấp, các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung thực hiện hành vi thông qua việc, từ năm 2014 đến năm 2016 làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 24/02/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Luật sư Xuyến cho rằng, quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục chứng minh mục đích chiếm đoạt tài sản của các bị can để thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

"Theo quy định pháp luật, tội danh này chỉ cấu thành khi chủ thể của tội phạm đã thực hiện thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên. Mục đích chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không có ý định trả lại tài sản cho các nạn nhân", luật sư phân tích.

Để kết tội được các bị can trong vụ án, luật sư Xuyến cho rằng, cơ quan điều tra phải chứng minh họ đã chiếm đoạt bao nhiêu trong số tiền đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư. Nếu có căn cứ cho thấy, số tiền chiếm đoạt 500 triệu đồng trở lên, ông Quyết cùng các đồng phạm của mình có thể đối mặt khung phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân. Mức phạt này quy định tại Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư, quá trình điều tra, cơ quan chức năng cần làm rõ số tiền chiếm đoạt trái phép được các bị can sử dụng vào mục đích gì, số tiền hiện đang ở đâu, được chuyển hóa thành các loại tài sản nào, để tiến hành niêm phong nhằm bảo đảm công tác thi hành án, trả cho bị hại; có thể kê biên thêm tài sản của các bị can, thậm chí cần áp dụng hình phạt tịch thu.