Phúc thẩm vụ “Cố ý gây thương tích” tại Phú Quốc:

Bị hại khiếu nại bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang

(Dân trí)- Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” của TAND tỉnh Kiên Giang xét xử vừa qua, HĐXX đã tuyên sửa bản án sơ thẩm xử phạt một bị cáo từ tù treo thành tù giam.

Ngày 4/7/2012, TAND tỉnh Kiên Giang đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy tại huyện Phú Quốc. Vụ án có bị hại là ông Phạm Văn Sỹ (SN 1977); hai bị cáo là Nguyễn Trọng Đạt (SN 1979) và Trần Tuấn Kiệt (SN 1992).

Trước đó, vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 7/6/2011 đã được TAND huyện Phú Quốc đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 23/12/2011. Tại phiên tòa này, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Trọng Đạt và Trần Tuấn Kiệt mỗi bị cáo 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho người bị hại số tiền trên 12,7 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngày 5/1/2012, người bị hại là ông Phạm Văn Sỹ có đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm; đề nghị truy tố Đoàn Minh Đông và Phạm Văn Lưu cùng đồng phạm và tăng tiền bồi thường; không cho bị cáo Đạt và Kiệt được hưởng án treo.

Sửa một phần bản án sơ thẩm nhưng có chăng đã thuyết phục ?
Ông Phạm Văn Sỹ (người bị hại trong vụ án) vẫn chưa thỏa đáng với các bản án của tòa án các cấp. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Tại phiên tòa phúc thẩm, phía luật sư của ông Phạm Văn Sỹ cho rằng các bị cáo gây thương tích cho người bị hại là có tổ chức của Đoàn Minh Đông, Lưu và Đạt thì có tính chất côn đồ. Luật sư đã đề nghị xử các bị cáo theo khoản 2 Điều 104 BLHS.

Phía đại diện VKS cùng đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Kiệt và chuyển hình phạt tù cho hưởng án treo thành tù giam đối với bị cáo Đạt.

Trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan, nhân chứng và người bào chữa, HĐXX phiên phúc thẩm cho rằng: Hành vi của bị cáo Đạt và Kiệt đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác, gây khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bị hại và còn làm mất trật tự trị an ở địa phương.

Về phía bị cáo Trần Tuấn Kiệt, HĐXX nhận định, mức hình phạt mà tòa cấp sơ thẩm quyết định là đã có xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên mức hưởng án treo là thỏa đáng.

Tuy nhiên, đối với bị cáo Nguyễn Trọng Đạt đã từng bị UBND TP Rạch Giá (Kiên Giang) ra quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh (là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy) nên không đủ điều kiện cho bị cáo Đạt được hưởng án treo.

HĐXX cũng cho rằng, Đoàn Minh Đông, Phạm Văn Lưu chỉ dùng tay tiếp sức Đạt đánh trả ông Sỹ nhưng không gây thương tích. Thương tích của người bị hại do bị cáo Đạt và Kiệt gây nên là độc lập với hành vi của Đông và Lưu nên CQĐT đã xử lý vi phạm hành chính đối với Đông, Lưu.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cũng cho rằng tổng các khoản hơn 12,7 triệu đồng mà tòa sơ thẩm quyết định buộc các bị cáo Đạt và Kiệt bồi thường cho ông Sỹ là phù hợp với pháp luật.

Qua các lẽ trên, HĐXX phiên phúc thẩm quyết định chấp nhận một phần đơn kháng cáo của ông Phạm Văn Sỹ. HĐXX tuyên xử bị cáo Nguyễn Trọng Đạt 6 tháng tù giam và xử bị cáo Trần Tuấn Kiệt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Cố ý gây thương tích”.

Sau phiên tòa phúc thẩm ngày 4/7/2012, người bị hại là ông Phạm Văn Sỹ tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng và Báo điện tử Dân trí tỏ ra không đồng tình với bản án.

Theo ông Sỹ, vụ án này đã bị bỏ lọt tội phạm bởi sự việc xảy là có tổ chức, bàn bạc, tính toán giữa các đối tượng đánh ông. Trong đó, đối tượng Đoàn Minh Đông là chủ mưu. Trước khi vụ đánh nhau xảy ra, Đông từng hẹn Sỹ gặp mặt tại bãi biển Sao Biển để giải quyết mâu thuẫn nhưng ông Sỹ không đến (thông tin này được người làm chứng là ông Đinh Văn Nguyên xác nhận).

Ông Sỹ cho rằng, các đối tượng tham gia đánh có sự chuẩn bị nên khi không hẹn gặp được ở Sao Biển đã đón ông trên đường đi làm hàng ngày để thực hiện sự vụ. Các đối tượng này chủ động bố trí hung khí (khúc gỗ vuông, đá…) để thực hiện hành đồng của mình bằng việc gây ra thương tích cho ông Sỹ là 12%.

Việc có tổ chức trong vụ đánh nhau hay không vẫn không được CQĐT làm rõ và trong bảng cáo trạng cũng như ở hai phiên tòa cũng không nói đến, nên có chăng cả hai bản án chỉ tuyên Đạt và Kiệt chịu án vẫn chưa thuyết phục ?.

Ngoài ra, theo các nhân chứng đã có viết lời khai như ông Đinh Văn Nguyên, ông Ông Minh Phụng thì vẫn còn ít nhiều mâu thuẫn với các kết luận của cơ quan tố tụng nhưng vẫn không được làm rõ ?

Vì thế, tòa án cấp phúc thẩm dù đã tuyên sửa một phần án sơ thẩm nhưng có chăng đã thuyết phục ?

                                                                                                Huỳnh Hải