Vụ án “cố ý gây thương tích” ở Kiên Giang:

Bị hại đề nghị tái thẩm vụ án vì có tình tiết mới

(Dân trí)- Bị hại trong vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra tại huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là ông Phạm Văn Sỹ vừa có đơn đề nghị tái thẩm vụ án vì có tình tiết mới.

Ông Phạm Văn Sỹ (SN 1977, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) là bị hại trong vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 7/6/2011 do Nguyễn Trọng Đạt, Trần Tuấn Kiệt, Đoàn Minh Đông, Phạm Văn Công, Phạm Văn Lưu gây ra.

Trong đơn gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Báo Dân trí, ông Sỹ cho biết, qua 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Phú Quốc và TAND Kiên Giang, ông không đồng tình với phán quyết của tòa. Ông Sỹ một mực khẳng định, những người đánh ông là có tổ chức vì có sự mâu thuẫn trong làm ăn. Ngoài ra, hung khí dùng để đánh ông đã được các đối tượng này chuẩn bị, trong đó có một số vật nguy hiểm, có tính sát thương cao.

Do đó, ông Sỹ cho rằng, trong quá trình điều tra, Công an huyện Phú Quốc đã cố tình “bóp méo sự thật”, cố tình “giấu ém đi những tài liệu liên quan đến tiền án tiền sự, làm sai lệch hồ sơ của vụ án” để Đạt và Kiệt được hưởng mức án chưa thật sự nghiêm khắc; còn Đông, Lưu, Công thoát tội.

Ông Phạm Văn Sỹ
Ông Phạm Văn Sỹ khẳng định, các đối tượng đánh ông là có tổ chức nên vụ án đã bị bỏ lọt tội phạm.

Sau khi xảy ra vụ án, qua việc làm tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc và qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, ông Sỹ cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng có dấu hiệu “bao che, bỏ lọt người lọt tội”.

Như việc ông bị chặn đánh là “có tổ chức”, buộc ông phải tự vệ nhưng ông lại bị xử phạt vi phạm hành chính là 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, các đối tượng đánh ông chỉ bị phạt 700. 000 đồng (!?).

Các đối tượng dùng gậy gỗ vuông, vỏ chai bia, đá 4x6 là những hung khí nguy hiểm đánh và gây thương tích cho ông Sỹ tỷ lệ 12% nhưng chỉ bị đề nghị truy tố ở khoản 1 Điều 104 BLHS là không hợp lý. Lẽ ra phải truy tố các bị cáo ở khoản 2 Điều 104 BLHS với tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS.

Những đối tượng đánh ông Sỹ đã có sự bàn bạc, thống nhất với nhau về hành vi phạm tội nhưng Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc cố tình bỏ qua tình tiết này để chứng minh hành vi phạm tội của Kiệt và Đạt là hoàn toàn độc lập và không áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức. “Tôi khẳng định việc Kiệt chạy từ trong khách sạn ra để cùng đồng bọn hành hung tôi không phải là sự tình cờ theo nhận định của bản án. Tình tiết này đã bị bóp méo sự thật, dẫn đến vụ án bị bỏ lọt người lọt tội”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Đối với bị cáo Nguyễn Trọng Đạt khi phạm tội đang được tạm hoãn chấp hành Quyết định số 249/QĐ-UBND “V/v tập trung cải tạo giáo dục lao động xã Kiên Hảo, tỉnh Kiên Giang” nhưng Cơ quan Công an huyện Phú Quốc cố tình bỏ qua yếu tố này về nhân thân bị cáo, dẫn đến bản kết luận điều tra, cáo trạng, các bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều ghi bị cáo Đạt có… nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.

Do đó, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trọng Đạt 6 tháng tù là quá nhẹ so với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Mặt khác, bị cáo Nguyễn Trọng Đạt đang trong quá trình tạm hoãn chấp hành quyết định tập trung cải tạo nhưng vẫn được phép chuyển hộ khẩu từ TP Rạch Giá ra huyện Phú Quốc (Nguyễn Trọng Đạt bị bắt tạm giam ngày 11/8/2011 thì ngày 16/8/2011 được chuyển hộ khẩu ra Phú Quốc, tức chỉ sau 5 ngày bị bắt giam). “Việc này là bất thường nhằm giảm nhẹ tội cho Đạt và việc làm này khác nào huyện Phú Quốc nhập khẩu tội phạm”, ông Sỹ đánh giá.

Hộ khẩu thể hiện việc chuyển hộ khẩu đối với Nguyễn Trọng Đạt.
Hộ khẩu thể hiện việc chuyển hộ khẩu đối với Nguyễn Trọng Đạt.

Ông Sỹ cho biết, nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết “bất thường” nên ông có gửi đơn khiếu nại đến một số cơ quan có thẩm quyền và báo chí để được làm rõ. Trong quá tình trình gửi đơn, ông bị Cơ quan Công an huyện Phú Quốc mời lên làm việc nhiều lần với mục đích “làm khó dễ” ông.

Theo ông Sỹ, ông chỉ muốn làm rõ việc “vì sao Nguyễn Trọng Đạt được nhập hộ khẩu vào huyện Phú Quốc” dù bị cáo này đang có liên quan đến một vụ án. Tuy nhiên, Cơ quan Công an huyện Phú Quốc đã không trả lời rõ ràng cho ông.

Do đó, ông Sỹ tiếp tục có đơn gửi đề nghị Ủy Ban Tư pháp Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét kháng nghị vụ án theo thủ tục tái thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 103/2011/HSST ngày 23/12/2011 của TAND huyện Phú Quốc và bản án hình sự phúc thẩm sô 126/2012/HSTP ngày 4/7/2013 của TAND tỉnh Kiên Giang theo hướng hủy 2 bản án nêu trên để trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Với những thông tin trên và việc bị hại Phạm Văn Sỹ chưa đồng tình với kết quả vụ án, đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét lại vụ án để xử đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm.

                                                                                                Huỳnh Hải   

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm