Bị CSGT tuýt còi, làm thế nào để chứng minh lỗi quên bằng lái xe?
(Dân trí) - Khi đang lưu thông trên đường, bị CSGT “tuýt” lại và kiểm tra giấy tờ, tôi lại quên giấy phép lái xe thì làm sao để chứng minh rằng mình có nhưng quên không mang?
Bằng lái xe là một loại giấy tờ cần phải mang theo bên mình khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường, bị CSGT “tuýt” lại và kiểm tra, nếu bạn không mang theo bằng lái xe thì sẽ có thể bị xử phạt với lỗi: Không có giấy phép lái xe hoặc quên bằng lái xe. Vậy làm thế nào để chứng minh rằng có giấy phép lái xe nhưng quên không mang?
Luật gia Nguyễn Văn Nghĩa (Công ty Luật LSX) khẳng định: Giấy phép lái xe là “vật bất ly thân” khi tham gia giao thông.
Để được phép điều khiển phương tiện giao thông thì công dân phải trải qua 1 kỳ thi sát hạch lái xe để được cấp giấy phép lái xe. Sau đã có giấy phép lái xe, mang bên mình là điều bắt buộc khi tham gia giao thông. Quy định này được cụ thể hóa tại Điều 58 Luật giao thông 2008:
Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
3. a) Đăng ký xe;
4. b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
5. c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
6. d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Việc đi đường không mang giấy phép lái xe sẽ bị xử phạt và tùy từng phương tiện mà mức xử phạt khác nhau.
Lập lờ giữa quên bằng lái xe và không có giấy phép lái xe?
Theo Luật sư Nghĩa, trước đây, tại nghị định 46/2016/NĐ-CP thì chưa có những quy định cụ thể về hướng dẫn xử phạt lỗi quên mang bằng lái xe và không có giấy phép lái xe gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi phát hiện và xử lý. So với Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì Nghị định 100/2019/NĐ-CP có những cải tiến rõ rệt hơn khi thay đổi một chút về mức xử phạt và quy định trình tự với lỗi quên giấy tờ này:
Phương tiện | Lỗi | Nghị định 46/2016/NĐ-CP | Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Xe máy | Quên GPLX | 80 – 120.000 | 100- 200.000 |
Không có GPLX | 800 – 1.200.000 | 800– 1.200.000 | |
Ô tô | Quên GPLX | 200 – 400.000 | 200 – 400.000 |
Không có GPLX | 4 – 6.000.000 | 4 – 6.000.000 |
Tại nghị định 100/2019/NĐ-CP hướng dẫn rằng:
Điều 82. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm
Đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) theo quy định, xử lý như sau:
1. a) Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được), đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện về những hành vi vi phạm tương ứng quy định tại Điều 30 Nghị định này và tạm giữ phương tiện theo quy định;
2. b) Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện (không xử phạt đối với chủ phương tiện);
3. c) Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thi phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.
Khi phương tiện bị tạm giữ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí (nếu có) cho việc sử dụng phương tiện khác thay thế để vận chuyển người, hàng hóa được chở trên phương tiện bị tạm giữ.
Trong trường hợp phát hiện người điều khiển phương tiện chưa có bằng lái xe sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt lỗi không có bằng lái, tạm giữ phương tiện. Trong thời gian hạn định trong biên bản xử phạt, sẽ có 3 trường hợp xảy ra:
Nếu trong thời gian ghi trong biên bản, công dân trình diện và mang giấy phép lái xe đến thì sẽ chuyển sang lỗi không mang GPLX (lỗi quên bằng lái xe);
Nếu công dân không có giấy phép lái xe thì xử phạt theo lỗi ghi trong biên bản và phạt chủ phương tiện khi giao xe cho người không có đủ năng lực;
Nếu quá thời gian công dân chưa đến trụ sở công an thì sẽ coi là không có GPLX và xử phạt như trường hợp 2.
Ngọc Hân (thực hiện)