TP.HCM:
Bệnh viện Pháp Việt chối bỏ trách nhiệm vụ bệnh nhân chết tức tưởi
(Dân trí) - Nhận được đơn tố cáo của gia đình bệnh nhân Mai Trung Kiên tử vong tại bệnh viện Pháp Việt (FV) ngày 12/8/2012, Sở Y tế TP.HCM đã kết luận ông Kiên chết do xuất huyết nội. Tuy nhiên, TGĐ Jean Marcel Guillon lại phủ nhận kết luận vừa được Sở Y tế đưa ra.
Tiếp theo, ngày 23/8/2012, bệnh viện FV lại tiếp tục đến gặp gia đình và có sự tham dự của Ông Jean Marcel Guillon- TGĐ BV FV. Ông TGĐ đã nói: "Chúng tôi đã tìm hiểu nguyên nhân và thừa nhận đây là lỗi sai sót của bệnh viện, sai về chuyên môn, của cả êkip 6 bác sỹ điều trị. Sự việc này là 1 bài học rất lớn và FV cam kết là sẽ yêu cầu tất cả các bác sỹ của bệnh viện sẽ phải được đào tạo và chia sẻ về bài học này để rút kinh nghiệm".
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Dựa vào các nội dung nêu trên và căn cứ theo: Điều 99 Bộ luật hình sự (Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính); Điều 102 Bộ luật hình sự (Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng); Điều 242 Bộ luật hình sự (Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác); Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự (Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại).
Như thông tin đã đưa, tối 7/8/2012, ông Mai Trung Kiên bị đau bụng nên gia đình đã đưa vào Khoa cấp cứu của bệnh viện FV. Sau khi khám, bác sỹ kết luận ông Mai Trung Kiên bị viêm ruột thừa nên phải mổ. Gia đình đã thông báo với bệnh viện là ông Kiên có tiền sử bệnh tim và đang điều trị bằng thuốc PLAVIX (chống đông máu). Sau khi kiểm tra toàn diện, bác sỹ Đức Tuấn- Khoa Ngoại đã quyết định mổ vào lúc 15 giờ ngày 8/8/2012. Sau ca mổ kéo dài 2 tiếng bác sĩ Tuấn đã báo cho gia đình chị Thu Trang là ca mổ đã thành công tốt đẹp.
Lúc đó ông Kiên đã nói với bác sĩ rằng ông không giống bị đau tim, mà là đau ở ngực và bụng và yêu cầu được kiểm tra. Tuy nhiên, nguyện vọng của ông Kiên đã không được chấp nhận, mà bác sĩ trực tại bệnh viện FV còn yêu cầu chuyển ông sang bệnh viện Tim Tâm Đức vì FV không có khả năng xử lý nhồi máu cơ tim.
Gia đình đã yêu cầu bệnh viện FV mời bác sĩ bệnh viện Tâm Đức sang để cấp cứu cho ông Kiên ngay tại FV, nhưng họ đã không thực hiện và vẫn yêu cầu phải chuyểnông Kiênsang bệnh Tâm Đức. Khi gia đình đồng ý chuyểnông Kiênsang bệnh viện Tâm Đức và yêu cầu được đi viện cấp cứu ngay thì FV yêu cầu phải làm thủ tục chuyển viện và nộp tiền, nên mất rất nhiều thời gian, khiến tình trạng bệnh củaông Kiêntrầm trọng thêm.
Đến 20 giờ cùng ngày, ông Kiên mới được chuyển sang bệnh viện tim Tâm Đức và làm các xét nghiệm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Giáo sư- Tiến sỹ- Bác sỹ Phạm Nguyễn Vinh- Phó Giám đốc Bệnh viện tim Tâm Đức. Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm, bệnh viện Tâm Đức đã kết luận nguyên nhân đau của ông Kiên không phải từ tim vì các chỉ số tim đều bình thường. Quan trọng nữa là bệnh viện Tâm Đức đã siêu âm và phát hiệnông Kiênbị chảy máu trong do vết mổ ruột thừa tại bệnh viện FV và đang nguy kịch do thiếu máu trầm trọng.
Sau khi ông Kiên được chuyển ngược về viện FV vào lúc 23 giờ,chị Trangcó đi tìm bác sĩ Tuấn để yêu cầu choông Kiênđược mổ mở để xử lý triệt để (theo tư vấn của bác sĩ Vinh) thì không tìm thấy bác sĩ Tuấn trong vòng 30 phút. Đến 23 giờ 30 bác sĩ Tuấn lững thững đi vào, gọichị Trangvà người nhà là bác sĩ Trương Thị Xinh- Nguyên giảng viên của Bệnh viện Đại học Y dược vào phòng riêng để trao đổi về tình trạng của ông Kiên. Bác sĩ Tuấn vẫn thản nhiên nói là ông Kiên vẫn đang được truyền máu và chờ được xử lý. Khi chị Trang và bác sĩ Xinh vừa bước ra khỏi phòng bác sĩ Tuấn thì bàng hoàng phát hiện là tim ông Kiên đã ngừng đập. Ngay khi đó chị Trang và bác sĩ Xinh bị yêu cầu ra ngoài, rất đông nhân viên bảo vệ được triệu tập lên và bác sĩ Tuấn lập tức bỏ đi.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến