Bệnh thành tích - Bệnh của những người quản lý giáo dục
Là một người trong nghề giáo, tôi rất đau buồn vì cái nghề được tiếng là cao quý này đang mắc một bệnh dịch nguy hiểm: dịch thành tích. Đây là “bệnh dịch” đã được nói tới nhiều như dịch tai xanh ở lợn, dịch cúm ở gia cẩm, dịch tả ở người…
Điều tai hại của “dịch thành tích” là đối tượng mắc bệnh (chủ yếu là các nhà quản lí giáo dục từ cấp cơ sở đến huyện, tỉnh…) thì không chết mà người không mắc bệnh tức là học sinh (HS) thì lại... chết! Nói chính xác thì HS bị chết về tâm hồn, trí tuệ. Còn kẻ có bệnh thường vô can và còn được hưởng lợi lộc cho nên chả vội gì mà chữa chạy cho tốn sức. Kết quả là bệnh này ngày càng trầm trọng. Tác giả Trọng Nghĩa viết bài trên Diễn đàn Dân trí đã phân tích rất rõ căn nguyên và biểu hiện của dịch này. Tôi xin tham gia thêm một vài biểu hiện của dịch thành tích và đề xuất giải pháp
Dịch thành tích không chỉ biểu hiện trong hoạt động chính khóa mà còn trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp: văn nghệ chào mừng các ngày lễ, hội khỏe Phù Đổng, ủng hộ từ thiện...
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Các HS đi thi hội khỏe Phù Đổng cũng hầu như làm theo nghĩa vụ và cũng không được lợi lộc gì; tiếng thơm thành tích thể thao hầu như chỉ dành cho lãnh đạo nhà trường. Phong trào ủng hộ quỹ nọ, quỹ kia ngày càng nhiều nhưng các em không bao giờ được biết kết quả của sự ủng hộ đó là đã giúp được bao nhiêu người tàn tật, người mù thoát nghèo. Ban giám hiệu và ban chấp hành chi đoàn chỉ cần có thành tích để báo cáo lên trên. Còn tiền và vật phẩm được ủng hộ sẽ đi đâu và làm gì thì... không quan trọng. Một cuộc thi văn nghệ hoặc nghi thức đội cấp huyện có thể tiêu tốn kinh phí bằng cả năm ủng hộ đồng bào nghèo của HS cả trường. Không sao! Chỉ cần có thành tích.
Hoạt động thể dục giữa giờ của HS được tiến hành “nhát gừng” hôm có hôm không. Khi nào trường nghe tin có "trên về" kiểm tra thì HS bắt buộc phải mặc đồng phục, tập trung thể dục giữa giờ nghiêm túc để trường được tiếng có nền nếp, kỷ cương. Sau đó, trường lại buông lỏng cho HS lười nhác và khinh nhờn giờ thể dục giữa giờ. Thậm chí, thầy tổng phụ trách gọi xuống tập mà HS không thèm xuống. Hôm tập hôm không thêm mệt người. Thầy còn chả nghiêm túc nữa là trò. Nhưng không sao! Làm cho có thành tích thôi mà!
Đã có lúc học trò tiểu học phải thi viết về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam với những cụm từ mà các em không thể hiểu như cách mạng dân tộc dân chủ, liên minh công nông... Thật quá là hình thức chủ nghĩa ! Nhưng người ta vẫn “nghiêm túc” thực hiện chủ trương đó bằng cách chép bài mẫu làm sẵn. Kết quả là người người chép, trường trường chép muôn bài gần như một. Nếu có khác nhau giữa các bài thì là do HS có sự khác nhau về nét chữ và sự chịu khó chép hết bài mẫu hay chép vắn tắt mà thôi. Các “xếp” chỉ cần có nhiều bài nộp là được. Hoc sinh viết chữ to để có nhiều trang càng tốt. Miễn là có thành tích!
Theo tôi, cần cải tổ mạnh không những hoạt động chính khóa mà cả những hoạt động ngoài giờ lên lớp để nó mang tính thiết thực và giáo dục. Cần xóa bỏ những hoạt động mang tính hình thức, giả dối, vừa mất thời gian, sức lực của cả thầy và trò, vừa gây ra những phản cảm đối với tuổi trẻ.
Dù là hoạt động ngoại khóa cũng phảiquan tâm hàng đầu đến tính hiệu quả giáo dục toàn diện vì chỉ như vậy mới đáng làm và nên làm. Còn nếu chỉ để lập thành tích một cách hình thức thì nên chấm dứt.
Nhưng điều ấy lại không dễ vì lãnh đạo nhà trường quen “sống chung” với “thành tích” bởi quyền lợi của họ hình như đã gắn với căn bệnh mạn tính của ngành giáo dục!
lelaohac@yahoo.com
LTS Dân trí - Lại một tiếng nói của “người trong cuộc” làm ta phải nao lòng bởi tình cảnh đáng buồn của ngành giáo dục. Chắc rằng sẽ không có người thích lập thành tích rởm nếu cấp trên của họ không buông lỏng quản lý, sâu sát với tình hình thực tế ở cơ sở và có một quy trình chặt chẽ đánh giá nghiêm túc và khách quan kết quả hoạt động của nhà trường, cả chính khóa và ngoại khóa, thì chắc chắn “căn bệnh thành tích” phải bị đẩy lùi.
Mọi nhà trường, cả lãnh đạo và giáo viên đều phải thi đua thật sự để lập thành tích thật sự và cũng là người xứng đáng được hưởng những thành tích chính đáng đó.
Tựu trung nguyên nhân sâu xa của “căn bệnh thành tích” là do sự mất nền nếp, kỷ cương của hệ thống quản lý giáo dục. Lập lại được nền nếp, kỷ cương đó chính là “rào cản” để ngăn chặn từ xa “căn bệnh thành tích” trong giáo dục.