Hải Dương:
Bát nháo hàng loạt chiêu trò moi tiền du khách tại lễ hội đền Kiếp Bạc
(Dân trí) - Từ phản ánh của nhiều bạn đọc bức xúc về tình trạng bát nháo tại hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), PV Dân trí đã mục sở thị ghi nhận nhiều chiêu trò tại đây, thậm chí nhân viên ban quản lý câu kết với "cò" thả phanh cho ô tô vào khu vực cấm.
Là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa bàn thị xã Chí Linh (Hải Dương) đang thu hút hàng vạn du khách thập phương mỗi năm, đặc biệt trong những ngày diễn ra lễ hộị từ ngày 13-22/2 (tức ngày 14-23 tháng Giêng âm lịch).
Theo Ban quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách diễn ra tốt đẹp, Ban quản lý đã tổ chức cho các hộ dân trong khu vực di tích ký cam kết không tăng giá dịch vụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau những ngày diễn ra Lễ hội; không để hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, khu vực lễ hội, không cài, giắt, đặt rải tiền một cách tùy tiện, gây phản cảm, bố trí bàn công đức hợp lý để phục vụ nhân dân công đức tu bổ di tích…
Ban quản lý còn khẳng định phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp hành nghề mê tín, dị đoan, bát chẹt, nâng giá chèo kéo du khách thập phương.
Tuy nhiên, trên thực tế, lễ hội tại đền Kiếp Bạc lại diễn ra vô cùng lộn xộn với hàng loạt chiêu trò bát nháo moi tiền du khách.
Vé vào khu di tích có giá 15.000đ/người. Vé gửi xe ô tô có giá 10.000đ/xe. Cả 2 loại vé này đều được bán tại quầy vé cách trung tâm lễ hội khoảng gần 1km. Xe ô tô của khách mua vé xong buộc phải vào dừng đỗ tại khu vực bến xe để du khách đi bộ vào khuôn viên lễ hội. Bãi gửi xe vào đường hành hương được ngăn bởi một barie có nhân viên ban quản lý trông giữ cùng tấm biển lớn "Cấm ô tô".
Thế nhưng, cứ mỗi khi có xe ô tô đến khu vực bến bãi thì lập tức một đội "cò" đông đúc xuất hiện. Nghe những người này giới thiệu mới biết họ là người của các gian hàng viết sớ, bán đồ lễ vào đền. Các "cò" chào mời nếu khách đồng ý vào quầy của họ viết sớ mua lễ, họ sẽ "làm luật" để xe ô tô được đi thẳng qua đường cấm vào đến tận cổng đền có người giữ xe giúp.
Khi khách hàng đồng ý, lập tức nhân viên ban quản lý đền trông giữ barie cấm ô tô vào đường hàng hương thản nhiên mở barie cho xe đi qua. Cảnh tượng đoàn xe xuôi ngựa đua nhau chạy vù vù vào đường hành hương bấm còi inh ỏi gây ra cảnh hỗn loạn khiến nhiều du khách hãi hùng. Sự việc ngang nhiên nhưng không hề có người của ban tổ chức lễ hội kiểm tra, ngăn chặn.
Những khách hàng nhận lời chào mời của "cò" được vào để xe dọc các gian hàng bán đồ lễ. Ban đầu nghe chào mời chỉ mất 10.000đ viết sớ nhưng khi đã vào "vòng vây" của các "thầy" thì khách khó thoát việc sắm lễ, khấn thuê và hóa vàng giúp với mức giá từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Cùng với đó, hàng loạt hoạt động chướng tai gai mắt vẫn ngang nhiên hoành hoành nơi đây. Không chỉ dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra sôi động với mức chênh lệch từ 15- 40% mà nhiều dịch vụ cò mồi mời gọi xem tướng, xem tử vi, viết sớ - cấp sắc khoán, lệnh cũng khá nhộn nhịp.
Ở cổng đền Kiếp Bạc túc trực sẵn cả đội quân lên tới chục người chuyên đổi tiền lẻ, chèo kéo khách xem quẻ, các hoạt động bói toán. Nhóm người này hoạt động khá công khai, mời chào khách từ cổng đền đến vào trong đền với nhiều dịch vụ như khấn thuê với giá từ 10 nghìn đồng đến tùy tâm khách hoặc làm lễ hộ với các mức khác nhau khoảng 300 - 400.000đ.
Ngoài ra, ngay trước trạm Công an bảo vệ thường trực ở cổng Đền, đội quân xe ôm, chụp ảnh vây kín mỗi khi có du khách vào Đền, họ bám theo níu kéo, nài nỉ khách từ đây vào đến tận đền chính…
Có thể nói, hoạt động “kiếm ăn” mùa lễ hội, chặt chém, moi tiền du khách đang hoành hoành tại đền Kiếp Bạc. Mặc dù theo các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương thì vẫn thường xuyên quán triệt nhưng dường như thông báo, quyết định vẫn chỉ nằm trên giấy và được đọc trên hệ thống loa phát thanh tại đền.
Anh Thế