Bất chấp lệnh cấm, nhiều người lập chợ cóc bán hàng trên đường phố Hà Nội
(Dân trí) - Trên trục đường Nguyễn Văn Trác (phường Dương Nội, quận Hà Đông) chiều đến, hàng trăm người dân lại tụ tập lập chợ cóc, ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mua bán hàng hóa bất chấp lệnh cấm.
Hà Nội đang trong thời gian cao điểm phòng chống đại dịch Covid- 19, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ngày 11-5, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký ban hành Công văn số 1408/UBND-KGVX yêu cầu các quận, huyện, thị xã tạm dừng hoạt động các nhà hàng bia, quán bia, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm tránh nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trên trục đường Nguyễn Văn Trác đoạn đi qua bùng binh Lê Trọng Tấn (phường Dương Nội, quận Hà Đông) khi chiều đến, hàng trăm người dân lại tụ tập mua bán hàng hóa.
Việc tụ tập thành chợ cóc, thản nhiên buôn bán hàng hóa dưới lòng lề đường trong giờ cao điểm không những gây mất an toàn giao thông, tắc đường và đặc biệt vi phạm nghiêm trọng về quy định phòng chống dịch Covid- 19 của thành phố.
Nhiều ngày ghi nhận thực tế, cứ chiều đến công an phường sở tại đều đặn mang loa đi kêu gọi người dân không được tụ tập bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường nhưng chỉ được chốc lát rồi đâu lại vào đó. Khi có lực lượng chức năng đi qua, những người bán hàng rong nhanh chóng tẩu tán hàng hóa, người thì bê hàng bỏ chạy, người lên xe gạt chân chống chuồn mất.
Để đối phó với lực lương chức năng, tiện cho việc bỏ chạy mà vẫn mang theo được hàng hóa, những người bán hàng rong thường chuẩn bị rất kỹ để đối phó với tình huống này. Hàng hóa để trong sọt, làm kệ để trên yên xe, chỉ cần nghe tiếng loa của công an phường là nhanh chóng lẩn trốn vào con đường bên trong nghĩa trang gần đó, hoặc đi sâu vào đường nội khu của khu đô thị Dương Nội.
Chỉ vài phút sau khi lực lượng chức năng đi qua, chợ cóc đâu lại vào đấy. Có cung ắt có cầu, hàng trăm người dân đi làm về đã thản nhiên dừng lại để mua bán hàng hóa tại đây, dẫn đến cảnh tượng lộn xộn, tắc đường.
Giữa thời điểm mỗi ngày Hà Nội có thêm nhiều ca được xác nhận dương tính với Covid- 19, những ca mắc mới này đều có những lịch trình đi lại phức tạp. Cả thành phố đang căng mình chống dịch thì những người bán hàng rong ở đây chỉ vì cái lợi bán được hàng trước mắt mà lơ là, vi phạm quy tắc phòng chống dịch. Người tham gia giao thông thản nhiên dừng lại mua hàng cũng chỉ vì chữ "tiện" mà bỏ ngoài tai lệnh giải tỏa chợ cóc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
"Tôi đề nghị Công an phường Dương Nội, xử lý tình trạng chợ cóc như hiện nay. Giữa mùa dịch, loa đài kêu gọi người dân không tụ tập nhưng lại để chợ cóc đông như trẩy hội thế này. 1 là dịch bệnh có thể lây lan, 2 là ảnh hưởng giao thông đi lại của người dân", một người dân sinh sống trong khu đô thị Dương Nội bức xúc.
"Đi qua đoạn này rất nguy hiểm, ý thức kém từ người bán đến người mua , có khi thì gặp cả xe ô tô vắt chéo đường xuống mua đồ như sân nhà mình luôn", một người dân khác nói.
"Tôi sợ cái chợ cóc này vô cùng, nhiều hôm đi về, đường đã tối mưa trơn gặp các thể loại xe máy thậm chí cả ô tô đang đi dừng xịch giữa đường mua đồ cứ như đường của riêng nhà mình ấy. Có lần cả xe container đỗ giữa lối ra để với xuống mua hoa quả, sau đó 1 đoạn xe công an phường vẫn hô hào, đuổi trước chạy sau".
"Thật lạ, nhà tôi ở gần đó, chiều nào cũng thấy có một lần lực lượng công an phường đi qua đọc loa cảnh báo yêu cầu mọi người không được phép họp chợ. Mỗi lần nhìn cảnh tượng người bán hàng bê đồ chạy công an mà thấy buồn cười, có người bỏ chạy mất cả dép, bỏ lại hàng hóa luôn. Điều kỳ lạ nữa tôi thấy trên đoạn đường này luôn có cả chục xe ô tô đứng bán hoa quả, dưa hấu, vải, cam các kiểu, có đợt họ còn dựng cả cái nhà bạt ăn ngủ nghỉ để bán hàng. Không hiểu sao những người này không bị dẹp bỏ, chính họ là tiền đề để những người bán hàng rong phía bên trong này tiếp tục bán hàng".
Không chỉ việc bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, vi phạm quy tắc phòng chống dịch Covid- 19, những người bán hàng rong còn vô tư xả rác thải ra đường, ra con mương gần đó gây ô nhiễm, mất mỹ quan đường phố.