Bảo vệ quyền tác nghiệp chính đáng của nhà báo
(Dân trí) - Sáng ngày 20/6 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận viện trợ với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về dự án “Nghiên cứu truyền thông các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí”.
Phát biểu tại buổi lễ ông Trần Minh, giám đốc RED Communication nhấn mạnh: “Trên thực tế, hiếm có hoạt động nào lại được sự đồng thuận cao như việc bảo vệ quyền tác nghiệp bình đẳng của nhà báo. Từ mục đích ban đầu chỉ là phản ứng khắc chế tình trạng hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp. Nhưng đi sâu vào, chúng tôi thấy rằng, vấn đề cản trở nhà báo rất phức tạp và việc giải quyết vấn đề này mang tính “Lợi ích công” rất cao.
Qua một khảo sát mới đây cho thấy, khi trả lời câu hỏi: “Hậu quả của việc cản trở nhà báo” với các sự lựa chọn: Thứ nhất: Nhà báo bị thiệt thòi; Thứ 2: Cơ quan báo chí bị thiệt thòi; Thứ 3: Nhà nước bị thiệt thòi; Thứ 4: Xã hội bị thiệt thòi. Kết quả có trên 75% ý kiến chọn phương án thứ 4 với nhận thức rất tốt là “Xã hội bị thiệt thòi”.
Thực hiện dự án này, RED Communication mong muốn nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm cho báo chí trong lĩnh vực Nghiên cứu truyền thông các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí, đóng góp thông tin cho việc hướng dẫn Nghị định 02/2011/NĐ-CP về xử phạm hành chính trong hoạt động báo chí, cũng như nâng cao nhận thức của xã hội về quyền thu thập thông tin của nhà báo khi tác nghiệp.
Cũng trong lễ ký kết này, Đại diện RED Comunication đã trao danh hiệu “Trách nhiệm” cho 2 nhà báo Ngô Mai Phong (Báo Lao động) và Bùi Thanh (nguyên Phó TBT báo Tuổi Trẻ) vì những đóng góp to lớn của họ vào lợi ích chung của cộng đồng.