Bạo lực học đường vẫn tái diễn vì kiểu phạt “giơ cao đánh khẽ”?

(Dân trí) - Vấn đề này đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, thậm chí đã được xử lý. Nhưng có vẻ mức độ xử lý chưa nghiêm, chưa đủ độ răn đe nên mới đây trên internet lại xuất hiện thêm clip đau lòng ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh đánh bạn dã man...

Rất nhiều bậc phụ huynh, thầy cô giáo đã rất bất an và bất lực trước vấn nạn bạo lực trong giới học đường, vì họ không thể quản lý sát sao con em, học sinh 24/24 giờ. Vì vậy, qua Dân trí họ nói lên suy nghĩ cũng như mong muốn ngành giáo dục, cơ quan công an, bộ Thông tin truyền thông nhanh chóng tìm ra giải pháp ngăn chặn triệt để hiện tượng côn đồ này. 

 

Bạo lực học đường vẫn tái diễn vì kiểu phạt “giơ cao đánh khẽ”? - 1

Bạo lực học đường tiếp tục là vấn đề đau đầu trong năm 2011?

Xin trích đăng một số ý kiến điển hình của bạn đọc gửi về Dân trí:

 

“Nghe lâu lắm rồi mà sao đến giờ ngành giáo dục vẫn không có biện pháp giải quyết triệt để. Pháp luật phải nhúng tay vào để dẹp bớt những hành vi trên vốn ngày càng lan tràn. Tại sao không có các biện pháp trừng phạt như bắt lao động công ích trong một thời gian, hay cho đi cải tạo nhân phẩm đối với những dạng học sinh như vậy?” - Trieu Vuong: bangnhan2@gmail.com

 

“Cũng đã nhiều lần báo chí đưa tin, phản ánh, nỗ lực của ngành giáo dục cũng đã có. Nhưng chế tải xử lý, giáo dục hiện nay chúng ta cần quan tâm hơn. Đối với ngành giáo dục chỉ là đuổi học, cảnh cáo, nên chăng chúng ta cần có những biện pháp giáo mạnh hơn và xử lý răn đe nặng hơn, chứ không phải chỉ là cảnh cáo, đuổi học. Thử đặt câu hỏi nếu những nữ sinh vẫn bị đánh như thế này và còn nhiều những trường hợp như thế vẫn tiếp diễn, thì liệu tương lai thế hệ trẻ sau này sẽ ra sao. Đối với những em bị đánh hội đồng, trong ký ức sẽ hằn một nỗi uất ức. Chúng ta cần có biện pháp mạnh hơn. Ngày xưa người phụ nữ Việt Nam lúc nào cũng được tôn vinh là hiền hậu, đảm đang... liệu những hình ảnh này bây giờ có cần cho chúng ta đặt câu hỏi về tương lai thế hệ trẻ?” - Nguyên Trong: chapidream_81@yahoo.com.

 

“Lại là bạo lực học đường! Đây là vấn đề nhức nhối không chỉ của gia đình mà của toàn xã hội. Không còn đâu là những nữ sinh ngây thơ đáng yêu, cái tuổi học trò tràn đầy niềm vui bên bạn bè nữa, thay vào đó là những "nữ tặc" hành xử như những tay anh chị trong chốn giang hồ. Phải làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường, phải làm sao để các bạn nữ sinh nói không với bạo lực? Ôi yêu biết bao dáng yêu kiều thướt tha đầy nữ tính của  những nữ sinh. Nhưng không biết khi nào chúng ta có thể thấy lại được điều đó” - Ngọc Anh: gautruchungyen@gmail.com.

 

“Trào lưu học sinh đánh nhau hội đồng rồi quay phim, đăng tải lên mạng ngày càng có vẻ là một xu hướng của tuổi teen. Tất nhiên việc này từ xưa đã có nhưng giờ lại nổi lên và công khai. Việc truy tìm và xử lý những người đánh bạn rồi những người tải đoạn phim lên trên mạng dường như không có tính răn đe, nên hành động này càng ngày càng phổ biến khắp các tỉnh thành trong cả nước. Thiết nghĩ Bộ Giáo dục ĐT, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông nên phải có phương án giải quyết triệt vấn nạn này" - Phải xử thật nặng và có những quy định nghiêm túc:  hopet640@yahoo.com.

 

“Tại sao những Clip bạo lực như thế chỉ được đưa lên rồi dùng những lời lẽ nào là đau xót, hay phẫn nộ, tức giận của dư luận? Phải thật mạnh tay xử lý nặng những hành vi trên, vì vấn đề bạo lực học đường đã như là một vết chém quá lớn vào nền đạo đức, giáo dục, văn hóa của chúng ta. Đây là những hành vi xúc phạm đến quyền thân thể cũng như nhân phẩm con người một cách nghiêm trọng. Các cơ quan pháp luật không thể cứ để cho những hình ảnh bạo lực thế này ngày một nhiều trên mạng ? Tại sao xử lý hình sự đối với những kẻ cướp bóc hoặc giết người mà lại không có những chế tài đối với những hành vi mất đạo đức trên? Những kẻ có những hành vi bạo lực như vậy thật không xứng đáng ngồi trên ghế nhà trường, chỗ dành cho họ phải là những trại giam hay trường giáo huấn kìa? Thật không thể hiểu các bạn trẻ bây giờ và cũng thật ngạc nhiên trước sự vào cuộc còn chưa thực sự mạnh  mẽ của các bên chức năng” - Trần Ngọc:  tranngoc010388@gmail.com.

 

“Trong 2 năm vừa qua, tình trạng học sinh đánh nhau và quay clip để tung lên mạng ngày càng nhiều đã gây nhức nhối trong xã hội.  Cũng có xử lý nhưng chưa thỏa đáng đối với các em, vì vậy tôi có đề xuất là chụp hình các em vi phạm tung lên các trang thông tin trên toàn quốc. Buộc phải lao động công ích 1 năm, bất kể con gái hay con trai, nhà giàu hay nghèo cũng đừng bao che. Cha mẹ có xin để dạy dỗ lại cũng không chấp nhận, có vậy mới chấm dứt tình trạng này” - Trần Ngọc: nuongchieu@yahoo.com.vn.

 

Bạo lực học đường ngày càng diễn biến phức tạp. Một số ít quay clip tung lên mạng chúng ta thấy được mà thôi. Tôi là phụ huynh có con mới học lớp 7 thôi nhưng rất lo sợ việc này, chính vì vậy tôi phải chở đi hằng ngày (tốn công và mất việc làm) cho dù nhà cách trường chưa đầy 1km, không cho dùng đi động tránh tụ tập lúc rảnh. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Theo tôi nghĩ Bộ GDĐT nên đưa vào chương trình cho học sinh học thêm môn Kỹ năng sống (có chứng nhận) vào những năm đầu cấp 2 - Đông: dongdtc@gmail.com.

 

“Theo tôi nghĩ đã xảy ra rất nhiều vụ bạo lực dã man của học sinh tương tự như clip trên, mà hình ảnh rất rõ nét. Biết được thông tin và nơi xảy ra vụ việc sao không thấy pháp luật can thiệp? Chúng ta nên xem đây là những vụ trọng án, là vô đạo đức, là vô giáo dục của một số học sinh gần như không có tính con người. Thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan chức năng nên vào cuộc  truy bắt và xử thật nghiêm khắc đối với những mầm mống làm đau lòng bao người và làm gương cho nhiều thế hệ học sinh sau này!” - Manh Hiep: manhhiephp@gmail.com.

 

"Việc nữ sinh đánh nhau rồi đưa lên mạng tôi đã nghe hơn cả 100 lần rồi, nhưng kể cả các cơ quan pháp luật mà cũng không có biện pháp gì hiệu quả với những đứa trẻ có thú tính côn đồ như vậy, thì những người dân như tôi có thể làm gì..?

 

Giả sử bạn vô tình gặp hoàn cảnh như vậy bạn sẽ làm gì? Nếu bạn không đủ sức thì nhóm côn đồ này sẽ đánh bạn luôn...còn nếu bạn đủ sức chống trả thì theo bản năng đôi khi gây ra án mạng… kết quả là bạn cũng vô tù. Vậy đừng bao giờ trách người dân vô cảm mà hãy hỏi rằng pháp luật đã làm gì để ngăn cản?

 

Tôi thấy những việc đánh nhau sau đó được xử lý bằng cách đình chỉ học, hạ hạnh kiểm ..v.v..Nhưng thử hỏi nhóm côn đồ này có muốn học đâu mà đình chỉ? có đạo đức đâu mà hạ hạnh kiểm? vì vậy mà có lẽ đánh nhau đã thành phong trào của những nữ sinh mất tính người.
 

Hy vọng là pháp luật có thêm những điều luật nghiêm khắc để xử lý những học sinh côn đồ này, trước khi con của tôi và con của các bạn trở thành nạn nhân” - Thanh Truc: truc6148@yahoo.com.vn……….

 

Nguyệt Thu (tổng hợp)