Bao giờ chấm dứt nạn cây xăng “móc túi” người mua?

(Dân trí)-Thực tế thời gian quan cho thấy, tình trạng đong điêu, bán thiếu, bán xăng kém chất lượng xảy ra trên địa bàn cả nước đã làm dấy lên những quan ngại từ phía người dân về khả năng quản lý của các cơ quan chức năng có liên quan.

Liệu còn để xảy ra những vụ việc tương tự? Và cần làm gì để đẩy lùi triệt để hiện tượng “móc túi” người tiêu dùng của các cây xăng?

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Kể từ khi những vụ việc đầu tiên về các cây xăng “móc túi” người tiêu dùng bị người dân và các cơ quan chức năng phát giác, hiện tượng tiêu cực, gây bất bình trong dư luận này dường như vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm mà trái lại, diễn biến ngày càng tinh vi. Thủ đoạn được không ít cây xăng áp dụng để “móc túi” người tiêu dung là sử dụng chíp điện tử. Chíp điện tử được cài đặt hoặc giấu trong máy bơm xăng và đấu nối với một hệ thống dây chon ngầm dưới mặt đất dẫn vào phòng điều hành bên trong. Trò gian lận này được nhân viên điều khiển bằng máy tính trung tâm phía trong nên khách hàng không thể phát hiện . Để “qua mặt” đoàn kiểm tra, nhân viên cây xăng sẽ rút sợi dây nối từ cột bơm xăng vào phòng điều hành để máy bơm xăng trở về chế độ hoạt động chuẩn. Khi vắng bóng đoàn thanh tra, chip điện tử sẽ được đấu nối trở lại nhằm trục lợi bất chính. Với “chiêu thức” này, nhiều cây xăng đã đong thiếu cho khách hang từ 3% đến gần 10%, trong khi sai số cho phép chỉ là 0,5%. Tính ra cứ 100 lít xăng, những cây xăng gian lận có thể ăn bớt của khách hàng gần 10 lít xăng. Bên cạnh thủ thuật ăn cắp tinh vi này, một số cây xăng còn sử dụng những phương thức “thủ công” khác nhằm “móc túi” người tiêu dùng như: bơm hơi vào bình xăng của khách; đổ xăng cho người này rồi tiếp tục đổ cho người tiếp theo mà không ấn đồng hồ trở về số 0…

 

Theo nghị định 84 CP ngày 15/10/2009 của chính phủ về kinh doanh xăng dầu và thông tư hướng dẫn quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu thì: người kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo lượng xăng dầu trong mua bán, thanh toán với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật về đo lường. Bên cạnh đó, các đại lý bán xăng dầu phải có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dung đúng chủng loại với chất lượng được cung cấp từ nhà phân phối. Mặc dầu vậy, thực tế thời gian qua cho thấy tình trạng các cây xăng vi phạm nghiêm trọng nghị định 84 CP đã không còn là hiện tượng cá biệt. Không chỉ vi phạm pháp luật, những cây xăng này còn vi phạm nghiệm trọng đạo đức, văn hoá kinh doanh, làm tổn hại, ảnh hưởng đến uy tín của những đại lý xăng dầu làm ăn chân chính, gây mất niềm tin đối với người tiêu dùng.

 

Tình trạng các cây xăng “móc túi” người tiêu dùng với nhiều thủ đoạn, chiêu thức khác nhau đã diến ra trong một thới gian dài nhưng vẫn chưa được chấm dứt một cách triệt để. Có thể nhận thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên là do các chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo luật hình sự, nếu phạm tội lừa đảo hoặc trộm cắp tài sản có trị giá từ 500000 đồng trở lên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, có nhiều vụ các đại lý xăng dầu bị phát giác có những hành vi tiêu cực thì mới chỉ bị phạt hành chính. Mức phạt lại thường nhẹ nhàng, thiếu tính răn đe, thường chỉ từ 13 – 20 triệu đồng. Mức phạt này xem ra còn quá nhẹ so với lợi nhuận bất chính mà các cây xăng thu được. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản có thể thấy rõ điều này. Chẳng hạn một cây xăng “đong điêu, bán thiếu” cho khách hàng, mỗi ngày bán ra khoảng 1000 lít xăng với giá bán xăng A95 trong thời điểm hiện nay là 16900 đồng. Nếu mỗi lít xăng đại lý đong thiếu của khách 7,8% thì mỗi ngày đại lý này có thể bớt của khách số tiền là: 16900 x 1000 x 7,8% = 1318200 đồng. Với mức phạt từ 13 – 20 triệu đồng thì chỉ mất chưa tới nửa tháng bán thiếu xăng cho khách là đã có thể bù lại được. Món lợi béo bở thu được từ hành vi gian lận trong buôn bán xăng dầu trong khi hình thức xử phạt còn nhẹ, chưa có tính răn đe vô hình trung đã “kích thích” nhiều cây xăng “đua” nhau vi phạm.

Theo thống kê, trên cả nước hiện nay có khoảng trên 30000 điểm kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát việc buôn bán của các cây xăng lại quá mỏng. Thủ đoạn gian lận của các cây xăng diễn biến ngày càng tinh vi, muốn phát hiện được các vi phạm, đội ngũ thanh tra giám sát phải gồm những người có chuyên môn, có khả năng xử lý nhanh chóng, khách quan những cây xăng có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, khi mà lực lượng thanh, kiểm tra còn thiếu, mới chỉ thanh, kiểm tra được những cây xăng thuộc diện “nghi vấn”, hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh mặt hàng này trong thời gian qua còn mang tính “thời vụ”. Có những cây xăng trong một thời gian dài không có cơ quan chức năng nào “sờ” tới. Do vậy, trên thực tế việc “bỏ sót” những cây xăng vi phạm là rất có thể xảy ra.

Để lành mạnh hoá thị trường buôn bán xăng dầu và đảm bảo quyền  lợi chính đáng đối với người tiêu dùng, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần rà soát lại các quy định, xây dựng các hình thức, chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất nhiều lần, không báo trước về chất lượng thiết bị và dịch vụ của các cây xăng. Khi phát hiện có vi phạm, tuỳ mức độ có thể rút giấy phép kinh doanh vô thời hạn thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, có thể thiết lập các đường dây nóng và có cơ chế khen thưởng cao nhằm khuyến khích người dân phát hiện và thông tin cho các cơ quan chức năng về dấu hiệu vi phạm của các cây xăng. Mặt khác, việc sớm đẩy nhanh quá trình tự do hoá trong hoạt động kinh doanh, buôn bán xăng dầu sẽ góp phần khuyến khích các đại lý kinh doanh mặt hàng thiết yếu này nâng cao chất lượng dịch vụ với khách hàng, đồng thời giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn sử dụng mặt hàng xăng dầu ở những đại lý kinh doanh làm ăn đàng hoàng, chính đáng. Việc công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những cây xăng vi phạm cũng là biện pháp khả thi nhằm thực hiện tốt hơn vấn đề nêu trên.

 

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với đông đảo người sử dụng. Kinh doanh xăng dầu bằng con đường làm ăn chân chính, bán đủ số lượng và đúng chất lượng xăng dầu đã đem lại nguồn lợi nhuận vuợt trội so với nhiều ngành kinh doanh khác. Vì vậy, các công ty xăng dầu cần nêu cao ý thức văn hóa kinh doanh, tăng cường các biện pháp tổ chức và quản lý  mạng lưới đại lý và bán lẻ có đủ độ tin cậy bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Về phía quản lý Nhà nước, đi đôi với việc tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh xăng dầu, cần xây dựng và áp dụng các chế tài xử phạt nặng cũng như rút giấy phép kinh doanh, nhằm chấm dứt tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, tránh gây thiệt hại vô lý cho  người tiêu dùng.