Bảo đảm công bằng, minh bạch và bảo mật trong “chấm điểm” Thầy

(Dân trí) -Tôi đang dạy ở một trường ĐH công lập khá lớn ở Mỹ, và cũng tham gia giảng nhiều năm qua ở các trường ĐH VN (phía Bắc). Tôi nghĩ rằng việc cho HSSV đánh giá GV là một chủ trương lớn trong nhiều chủ trương mang tính đổi mới giáo dục VN.

Mà đã là chủ trương (dù phù hợp hay không) thì như kinh nghiệm mọi người sống ở VN đều biết, "dù ai nói ngả nói nghiêng" thì chủ trương vẫn "vững như kiềng ba chân" và vấn đề thực hiện chỉ là thời điểm mà thôi. 

Sau đây xin được phép nói lên những ý kiến của tôi về chủ trương "Cho điểm” GV của SVHS như sau.

1) Về lợi ích:

Không ai có thể chối bỏ đựợc lợi ích sẽ mang lại từ việc làm này. Nếu đựợc đánh giá thường kỳ, chắc chắn đội ngũ GV sẽ có những nỗ lực vươn lên về chuyên môn, phương pháp và hoàn thiện hơn về đạo đức tác phong.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Vì vậy, ngoài chuyện tiền lương, chế độ đãi ngộ tốt, sự đánh giá GV từ phía SVHS là một trong những cách đánh tan "sức ì" của giáo viên và tạo cho họ một động lực mới trong giữ vững và tiến bộ nghề nghiệp cũng như lấy đó làm một trong những tiêu chí thăng tiến.

2) Những điều cần chú ý về đánh giá GV của SV ỏ Mỹ: (Xin nhấn mạnh chỉ là Sinh viên vì tôi chỉ có kinh nghiệm mảng này)

Tôi không biết ở các nước khác thì sao nhưng theo kinh nghiệm của tôi ở Mỹ, chuyện đánh giá GV không phải là tiêu chí duy nhất hoặc tiêu chí "thống lĩnh" trong việc có tiếp tục sử dụng hay sa thải một GV.

Tư duy của người Mỹ thường là “chống độc quyền” nên họ ít dựa vào một cái gì đó duy nhất để đi đến một quyết định quan trọng.

Việc đánh giá GV của người Mỹ cũng chỉ là một tham khảo trong rất nhiều tham khảo khác khi xét các khía cạnh nghề nghiệp, sự thăng tiến và nhiều cái khác nữa của GV.

Bên cạnh đó, cũng giống như ở VN, đại học Mỹ có nhiều loại GV, đại khái như hợp đồng (non-tenured) hoặc biên chế (tenured) và chính sách tôn trọng nhân quyền kiểu Mỹ khiến cho việc sa thải một nhân viên nói chung và một GV nói riêng ở Mỹ chỉ vì một lý do "học sinh không đánh giá cao" người ấy thì tôi tin rằng ít có cấp lãnh đạo nhà trường nào "dại dột" mà làm như vậy (Hệ thống khiếu kiện ở Mỹ luôn mở rộng cửa cho bất kỳ ai biết quyền lợi của mình).

Nên chú ý ở Mỹ, GV có tinh thần tự giác và kỷ luật làm việc rất cao nhờ nhiều yếu tố khác nhau tác động, không phải đơn giản chỉ là vì sự “cho điểm” của học sinh cuối kỳ. Tôi có một cảm giác rằng việc đánh giá này ngày nay ở Mỹ diễn ra như một thủ tục, một hoạt động bình thường như trăm ngàn hoạt động khác trong một trường ĐH Mỹ. 

Một khuyết điểm, nếu có, của việc học sinh đánh giá GV ở Mỹ là trong một chừng mực nào đó, người dạy vẫn có một chút kiêng dè HSSV, vẫn có một suy nghĩ tiềm thức rằng “chiều” sinh viên thì có lợi hơn (mặc dầu họ không dạy dở, không làm gì sai).

Từ đó, có thể trong nhiều tình huống, họ bị mất tính chủ động và sáng tạo, đặc biệt trong số các giáo viên còn non trẻ hoặc thuộc non-tenured.

Về cách làm và tổ chức cho hoạt động đánh giá, theo tôi chẳng có gì đáng phàn nàn vì người Mỹ làm việc này rất bài bản và bảo đảm gần như tuyệt đối tính chuyên nghiệp.  

3) Câu chuyện "cho điểm thầy cô" ở Mỹ tóm tắt là như vậy. Còn Việt Nam, theo thiển ý của tôi, nên chú ý các vấn đề sau:

- Người ta trên thế giới làm việc này là cực kỳ bảo mật (top-confidential) và công minh còn VN liệu hệ thống bảo quản sự bảo mật này có được tối ưu như vậy không? Tôi e rằng đây là “cây gậy thần” để ban giám hiệu nhà trường dùng để tạo áp lực, “lèo lái” và trù dập giáo viên (tất nhiên không phải tất cả ban giám hiệu đều như thế).

Hoặc sẽ có một hiện tượng ngược lại là bao che, dung túng. Có nghĩa là chúng ta cần bảo vệ người đánh giá đã đành, chúng ta lại càng phải bảo vệ người được đánh giá. Phải làm sao cho công bằng, cho minh bạch.

Ở Mỹ nếu một kết quả đánh giá GV nào đó bị rò rỉ hoặc người chuyên trách xử lý sai quy chế các kết quả đánh giá thì GV có quyền khiếu kiện và những người chuyên trách coi như “lãnh đủ”.

- Một cái quan trọng không kém là ý thức của phía “cho điểm” mà mọi người hiện nay đang quan ngại. Vậy thì những người có chuyên trách bước đầu nên thí điểm vào một đối tượng hoặc khu vực nào đó mà thôi.

Ví dụ thí điểm ở sinh viên của các trường ĐH ở các tỉnh, thành phố lớn… trước. Sau một thời gian, rút kinh nghiệm, nhìn nhận lại vấn đề, giải quyết cách bất cập nảy sinh… rồi mới triển khai các cấp học dưới (ở khu vực, địa phương khác).

- Công bố một cách minh bạch về quy chế đánh giá.

Ví dụ đánh giá để làm gì, nó có hiệu lực đến đâu, ai vi phạm nó sẽ bị gì, quyền lợi của GV khi họ đựợc “điểm cao” và trách nhiệm đến đâu khi bị “điểm thấp”… chứ không nên mập mờ để cấp trên lợi dụng dọa nạt cấp dưới hoặc chính đối tượng đánh giá lấy đó gây sức ép cho GV hoặc chính GV sẽ “mua” điểm người đánh giá.

 

- Cuối cùng hãy nhìn gần hơn về cách làm này tại khu vực, xem các nuớc Đông Nam Á mà đa số đều có nền giáo dục tốt hơn chúng ta ai đã làm rồi hay chưa, cách làm thế nào chứ không nên nhìn quá xa. Các nước tiên tiến đi trước chúng ta hàng vạn dặm, theo kịp họ cho được trong một sớm một chiều thì quá khó nếu không muốn nói là không thể. Vậy nên chỉ từ từ thôi, may ra mới thành công.

Xin cám ơn và chúc thành công.

Minh Châu

LTS Dân trí - Bằng cách trình bày ngắn gọn, sáng sủa và súc tích, tác giả bài viết trên đây đang giảng dạy ở một trường ĐH khá lớn ở Mỹ cho chúng ta thấy những lợi ích cơ bản cũng như những hạn chế, thậm chí phản tác dụng của việc “chấm điểm” Thầy, nếu cách làm thiếu tính chuyên nghiệp, không bảo đảm sự công bằng, minh bạch và bảo mật.

Vì vậy tác giả có lời khuyên nên có sự thận trọng khi triển khai công việc này ở Việt Nam, bảo đảm cho quy chế rõ ràng, công khai và cách làm minh bạch, tránh hiện tượng trù dập hoặc gây sức ép từ phía lãnh đạo nhà trường hoặc từ phía sinh viên đối với Người Thầy; mặt khác nên tham khảo cách làm của các nước trong khu vực, có trình độ và điều kiện xã hội gần với ta.

Thiết nghĩ đấy là những lời khuyên chân thành và có ích cho việc từng bước thực hiện chủ trương cho trò đánh giá Thầy của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở nước ta.