Đánh giá người Thầy là một chủ trương đúng
(Dân trí) - Giáo dục xét trên khía cạnh kinh tế vẫn là một ngành dịch vụ, một ngành dịch vụ đặc biệt mà ở đó người học vừa là sản phẩm đồng thời là khách hàng sử dụng dịch vụ đó.
Và đã là một ngành dịch vụ thì khách hàng - người học có quyền đánh giá chất lượng dịch vụ, đánh giá thái độ của những nhà cung cấp và quyền lựa chọn những nhà cung ứng tốt nhất cho mình.
Nói như vậy không có nghĩa rằng chúng ta phủ nhận truyền thống “Tôn sự trọng đạo”, “Một chữ cũng là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy”… của ông cha ta từ ngàn xưa đến nay. Hay có ý thương mại hóa hoạt động giáo dục, hạ thấp vai trò của người Thầy, của những người làm nhiệm vụ đào tạo mà chỉ mong muốn có một góc nhìn khác về giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.
Quan điểm của tôi đồng tình với chủ chương của Bộ giáo dục và Đào tạo do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng từ năm 2009 về hoạt động tạo cơ chế để sinh viên “Chấm điểm giảng viên, chấm điểm người Thầy của mình”. Về lợi ích lâu dài, kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến và mặt tích cực của nó đây là một chủ trương đúng cần triển khai mạnh, triển khai nhanh tại các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Có nhiều ý kiến phản đối chủ trương này và cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, một hành động “xúc phạm hay hạ thấp” hoặc làm “tổn thương tình cảm” của những người Thầy. Nhưng nếu là một người làm giáo dục chân chính tôi nghĩ rằng chắc hẳn họ đã không phản đối. Theo cách hiểu của tôi, nhiều người làm đào tạo hiện nay còn quá nặng về tư tưởng “Thầy đọc Trò chép”, tuyệt đối hóa vai trò của bản thân đến việc học của học sinh và sinh viên. Nhưng về mặt thực tế, người Thầy thực chất là người hỗ trợ học sinh, hỗ trợ sinh viên tìm ra chân lý cũng như tạo động lực cho người học thực hiện mục tiêu chinh phục tri thức của mình. Bên cạnh những người Thầy đang ngày đêm đổi mới phương pháp giảng dạy của mình để thích nghi với cách học mới của học trò thì còn không ít những giáo viên, giảng viên còn “ngại đổi mới, sợ đổi mới” không dám dấn thân vào sự nghiệp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nước nhà. Và tất nhiên với những người như vậy, việc “chấm điểm giảng viên, giáo viên” là một việc không tưởng, một việc làm chưa từng có trong tiền lệ và không nên triển khai.
Đánh giá hay chấm điểm người Thầy theo tôi là việc làm không khó nếu như chúng ta có một lộ trình cụ thể cho vấn đề này. Chấm điểm giảng viên ở Việt Nam hiện nay, tôi nhận thấy có 3 vấn đề cần lưu tâm và có giải pháp trước khi triển khai.
Thứ nhất cần xây dựng và công khai các tiêu chí đánh giá giảng viên, giáo viên. Các tiêu chí đó không nên quá tập trung vào chuyên môn của giáo viên mà nên chú trọng cho thang điểm về vấn đề đạo đức, tác phong, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng truyền đạt của giáo viên. Một giáo viên giỏi chuyên môn nhưng không có một tư cách đạo đức chuẩn mực, không có một kỹ năng giảng dạy lôi cuốn người học và làm gia tăng giá trị tri thức, tay nghề, kinh nghiệm cho người học thì giáo viên đó không thể là giáo viên giỏi và tất nhiên sẽ không thể được học sinh và sinh viên đánh giá cao.
Thứ hai, cần tuyên truyền sâu rộng để làm rõ ý nghĩa và bản chất của chủ trương chấm điểm giảng viên. Bộ Giáo dục và Đạo tạo, Ban giám hiệu các trường cần tổ chức các hoạt động tuyền truyền, các buổi tiếp xúc với giáo viên để giúp họ hiểu mục đích của việc đánh giá giảng viên. Đánh giá giáo viên, giảng viên không phải để hạ thấp uy tín, hạ lương của người Thầy mà để giúp giáo viên nhận thức những mặt mạnh và những điểm hạn chế của mình để thay đổi, nhằm giúp học sinh có một kết quả học tập tốt hơn. Và đó cũng là động lực để những người Thầy chân chính, có tư cách đạo đức tốt, được nhiều sinh viên yêu quí, chuyên môn giỏi, kỹ năng giảng dạy tốt được vinh danh, được nhà trường, sinh viên và xã hội công nhận những đóng góp của mình.
Song song với hoạt động đó, nhà trường cũng cần tổ chức các buổi hướng dẫn sinh viên về cách thức, mục đích của hoạt động đánh giá giáo viên. Nhiều người lo ngại nhiều sinh viên, học sinh do không nhận thức đầy đủ hoặc có ác cảm với giảng viên sẽ có những đánh giá không chuẩn xác. Theo tôi đây không phải là vấn đề lớn, bởi thực chất học sinh và sinh viên ngày nay các em có nhận thức rất tốt, phát triển từ rất sớm. Khi các em hiểu được bản chất của hoạt động đánh giá chắc chắn đa phần các em sẽ đánh giá rất trung thực về người Thầy của mình. Một vài ý kiến đánh giá không tốt về người Thầy có lẽ không có gì cần quan ngại, nhưng nếu có nhiều sinh viên, học sinh cùng có một kết luận giống nhau thì đó là một vấn đề cần xem lại của những người Thầy. Chúng ta cũng chấp nhận một công thức, trong quá trình đào tạo sẽ có 80% học sinh, sinh viên thích cách đào tạo của một Thầy và có 20% có thể không thích hoặc có những đánh giá không tích cực. Nếu một giáo viên có một số ý kiến đánh giá không tốt thì cũng không nên lấy đó làm áp lực hoặc tự ti trước đồng nghiệp và học trò. Điều quan trọng là tự mỗi giáo viên cần nhận thức được điều đó để đổi mới và có một phương pháp giảng dạy tốt hơn.
Để đảm bảo sự minh bạch, công tâm trong đánh giá, các nhà trường nên tạo điều kiện cho sinh viên được quyền giữ bí mật thông tin của mình, không nên đưa mục thông tin cá nhân vào các phiếu đánh giá. Và các kết quả đánh giá giáo viên cần được công khai để học sinh và sinh viên được biết, qua đó lựa chọn cho mình những người Thầy tốt nhất là với các trường Đại học đang triển khai mô hình học tín chỉ hiện nay.
Thứ ba, cần tạo chuẩn trước khi nhân rộng. Bộ giáo dục & Đào tạo cần triển khai thí điểm tại một số trường Đại học và cấp 3. Trong quá trình triển khai cần giám sát và có những điều chỉnh kịp thời. Từ mô hình thí điểm, phát hiện những điểm chưa hợp lý để có những giải pháp khắc phục trước khi triển khai sâu rộng tới các trường Đại học, Cao đẳng và THPT. Việc đánh giá giảng viên, giáo viên nên tập trung áp dụng tại các trường ĐH, Cao đẳng và THPT để đảm bảo tính khách quan và năng lực nhận thức của người học.
Thực hiện thành công chủ trương cho học sinh, sinh viên đánh giá giáo viên và giảng viên sẽ tạo một bước đột phá cho giáo dục nước nhà. Tất nhiên để thực hiện điều đó không phải một sớm một chiều, thuận buồm xuôi gió mà sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, tạo điều kiện cho người học – những khách hàng của các cơ sở đào tạo được hưởng một dịch vụ tốt nhất thì đây là việc cần làm, bắt buộc phải làm.
Đánh giá giáo viên sẽ tạo ra một động lực lớn, giúp nhiều giáo viên, giảng viên có thêm sức mạnh dấn thân vào sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà. Chỉ có đổi mới, chỉ có tạo sức ép thay đổi, chỉ có những hành động mạnh mẽ mới giúp nền giáo dục Việt Nam tiến lên một tầm cao mới, giúp người học – khách hàng của chúng ta được hưởng một dịch vụ đào tạo như ý, chuẩn bị một tương lai tươi sáng trước khi vào đời.
Ngô Phú Mạnh
Giám đốc điều hành Học viện Đào tạo CNTT Quốc tế karROX Ấn Độ
LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên đây tỏ bày khá rõ quan điểm và thái độ ủng hộ đối với chủ trương cho trò “chấm điểm” Thầy và mong muốn chủ trương này được triển khai nhanh tạo thành một bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả phấn đấu của người Thầy, tạo ra tiền đề quan trọng cho việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên việc làm này đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, trước hết tạo ra sự thông suốt về mục đích, ý nghĩa của việc trò “chấm điểm” Thầy, sau nữa là có lộ trình và bước đi phù họp trên cơ sở xác định rõ nội dung cũng như tiêu chí đánh giá có căn cứ khoa học và thực tiễn; cuối cùng là việc xử lý thông tin sao cho khách quan, phản ánh trung thực năng lực chuyên môn và phẩm chất, cả những điểm mạnh và điểm yếu của người Thầy, để từ đó không ngừng hoàn thiện mình nhằm đáp ứng đúng nhu cầu chính đáng của người học cũng như chất lượng giáo dục và đào tạo.