Bán và sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả có thể bị xử lý hình sự
(Dân trí) - Hành vi làm và sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn trái với lương tâm, đạo đức trong công cuộc phòng, chống dịch hiện nay.
Nhận thấy công nhân, lái xe cần giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính để đi lại qua các chốt kiểm soát nên Trần Tấn Dương (Giám đốc Công ty Thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân, có trụ ở tại Bắc Ninh) làm giả hơn 150 giấy xét nghiệm Covid-19, bán giá 150.000-250.000 đồng/giấy.
Ngày 11/8, Dương bị bắt quả tang khi đang bán cho Vũ Văn Chiến, 32 tuổi, ở Bắc Ninh 6 phiếu giả kết quả xét nghiệm Covid-19 gồm 5 phiếu test nhanh và một phiếu xét nghiệm PCR, tổng giá trị một triệu đồng.
Cảnh sát thu thêm 7 giấy xét nghiệm giả mang danh nghĩa Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn và một số văn bằng chứng thực giả.
Dương khai đã sưu tầm giấy xét nghiệm thật để scan và lưu lại trên máy tính. Khi có người cần mua, Dương chỉnh sửa thông tin cá nhân theo nội dung khách đã nhắn qua rồi in màu, giả chữ ký kỹ thuật viên, lãnh đạo bệnh viện.
Có cung ắt sẽ có cầu, hiện tượng sử dụng giấy xét nghiệm giả để "thông chốt" đang xuất hiện ở nhiều nơi.
Theo thông tin từ Phòng CSGT Hà Nội, vào khoảng 12h30 ngày 11/8, tại chốt phòng dịch Covid-19 trên Km 436+550 đường Hồ Chí Minh qua xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), tổ công tác đã kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 98A-272.94, trên xe có hai thanh niên có dấu hiệu sử dụng giấy tờ giả.
Nam thanh niên xuất trình cho tổ công tác 2 chứng minh nhân dân, 2 giấy xét nghiệm nhanh Covid-19 mang tên Ngô Văn Kh. (SN 1988 ở xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) và Bùi Thị V. (SN 1991 ở xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) kèm theo một giấy đi đường cấp cho Ngô Văn Kh.
Theo tường trình ban đầu, anh Kh. đang chở chị V. từ Hòa Bình về công ty để công tác. Tuy vậy, qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện giấy đi đường cấp cho anh Kh. có dấu hiệu giả mạo. Khai thác tại chỗ, anh Kh. cho biết đang chở chị V. từ Công ty Samsung DSV ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh về Kim Bôi (Hòa Bình) để chị V. thăm bà nội chồng đang bị ốm nặng với giá 500.000 đồng. Giấy đi đường anh Kh. xin được từ một người "anh xã hội" rồi tự điền tên tuổi vào. Hiện vụ việc đang được Công an xã Trần Phú điều tra làm rõ.
Cũng tại Hà Nội, ngày 12/8, Công an quận Thanh Xuân thông tin, đơn vị đang thụ lý điều tra vụ 3 thanh niên trình 9 giấy đi đường, khai mua ở cửa hàng cầm đồ tại quận Đống Đa. Vụ việc được phát hiện trước đó, vào ngày 6/8, tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở đầu ngõ 214, Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình.
Thời điểm trên, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân kiểm tra, đã phát hiện 3 trường hợp (cùng trú tại quận Hoàng Mai) sử dụng giấy đi đường để qua chốt có biểu hiện nghi vấn. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã đưa 3 trường hợp này về trụ sở Công an phường Hạ Đình để xác minh, làm rõ. Ba thanh niên này khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng (quận Đống Đa).
Tại Hải Dương, từ ngày 20/7 đến 9/8, lực lượng chức năng phát hiện 13 trường hợp vi phạm liên quan đến tem luồng xanh, 6 trường hợp nghi vấn sử dụng giấy chứng nhận giả kết quả xét nghiệm PCR để qua chốt.
Trước đó vào tháng 6, chốt kiểm soát dịch bệnh trên cầu Bạch Đằng, Quảng Ninh phát hiện một xe cứu thương chở năm người đi vào địa bàn tỉnh. Thay vì khai báo y tế, những người trên xe đưa ra giấy xét nghiệm mua của Nguyễn Tùng Lâm, cán bộ CDC Hải Dương.
Bị cảnh sát triệu tập, Lâm khai từ cuối tháng 5 đã đến nhà hoặc ở một địa điểm hẹn trước để lấy mẫu xét nghiệm cho những ai có nhu cầu. Anh ta không xét nghiệm theo quy định nhưng làm giả chữ ký của lãnh đạo, đóng dấu.
Đến khi bị bắt giữ, Lâm đã cấp giấy cho khoảng 40 trường hợp, thu gần 10 triệu đồng. Ngày 11/8, Công an thị xã Quảng Yên thông tin đã khởi tố Lâm về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và những người sử dụng giấy giả của Lâm cũng sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo Luật gia Nguyễn Văn Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX, giấy xét nghiệm Covid-19 là văn bản do các cơ quan, tổ chức có đầy đủ chức năng và quyền hạn cấp cho người thực hiện xét nghiệm Covid-19. Nếu người nào làm giả giấy xét nghiệm Covid-19, hoặc sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Việc làm giả và sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả là hành vi sai trái, đáng lên án, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người khác.
Vì vậy, ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình, người làm giả, sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự, nếu người đó đã bị nhiễm Covid-19 mà vẫn sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả để trốn tránh các biện pháp phòng, chống Covid-19 của Nhà nước, gây hậu quả lây lan dịch bệnh cho người khác.
Tương tự, hành vi dùng mã QR "luồng xanh" giả để qua chốt kiểm soát dịch cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Về xử phạt hành chính, đây là hành vi "không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền" vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ - CP của Chính phủ, sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Trường hợp, người sử dụng mã QR Code "luồng xanh" giả để qua chốt kiểm soát dịch mà dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người".