Bàn thêm về giáo dục không bạo lực

Tôi không là công chức, nhưng theo tôi biết thì tại các nước phát triển, chuyện cấm dùng bạo lực với trẻ em đã được quy định thành những điều luật, và là một trong các nguyên tắc giáo dục của họ, vốn đã có lịch sử phát triển dài dài.

Chẳng cần phải “qua hành tinh khác” mới thấy như bạn “Cuongvp” nói. Một số người Việt Nam không có khái niệm về điều này, nên có gia đình di cư đã gặp rắc rối với luật pháp, nhất là số sang Mỹ, ví dụ khi định dùng đến lệ “con tôi tôi dạy kiểu gì tùy tôi”. Chỉ ở các xóm nhập cư cùng gốc gác, cảnh sát ít đến, thì một số “lệ” cũ của dân nhập cư mới tồn tại được.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Theo tôi hiểu thì phát triển và hội nhập buộc giáo dục không bạo lực là cái đích mà ta phải đạt được. Dù hiện nay không thể “đùng một cái” rập theo các nước phát triển, nhưng cũng chẳng thể quay lui về GD kiểu “cũ” được nữa.

 

Có hàng tá nguyên do để khẳng định điều này, nhưng chỉ xin đơn cử một hiện tượng: Những gia đình quan tâm đến con cái đều tìm cách cho con đến nơi có môi trường giáo dục thích hợp, kể cả đưa ra nước ngoài. Số này ngày càng nhiều lên, và là động lực thúc đẩy ra đời và phát triển các cơ sở GD có thương hiệu, thực hiện GD chí ít là không theo kiểu “cũ”. Chính ở đây hiện ra bất cập đầu tiên của GD công lập, là tính độc quyền cát cứ của trường “đúng tuyến”. Tại thành phố người ta còn có thứ để chọn lựa cho con em mình, thấp nhất là đi “trái tuyến”. Nhưng ở nông thôn hay miền núi, thì chỉ những nhà có đủ tiềm lực mới thực hiện được cuộc vượt tuyến này.

 

Vị thế độc quyền làm cho một số trường, giống như một số cơ quan hành chính, nảy sinh chuyện “hành là chính”. Trên thực tế, mức độ “hành” ở trường học thấp hơn ở cơ quan HC, vì các lý do đối tượng, môi trường và nghề nghiệp. Đa số các thầy cô vẫn dành lại chỗ cho niềm tự hào khi gặp lại học trò cũ đã trưởng thành, nên cái sự hành có giới hạn vô hình nào đó. Tất nhiên trong hàng trăm ngàn GV thì cũng có một số người vượt quá giới hạn trên, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nặng thì do nhân cách, nhẹ thì do không kiềm chế lúc cáu giận.

 

Hành vi phi GD dễ lộ và gây bức xúc trong dư luận. Việc xử lý thì thật là khó; nó vướng ở qui trình xử lý theo luật lao động, cũng như tính thiếu cụ thể của “đạo đức nghề nghiệp”, đến mức (theo thiển ý của tôi) chính Phó Thủ tướng - Bộ trưởng GD ĐT Nguyễn Thiện Nhân phải đưa ra lời nhắc nhở : Những ai không giữ được mình, hãy rời khỏi vị trí người thầy. Cần thấy rằng ở trường dân lập việc xử lý ở mức “thiếu năng lực nghề nghiệp” cũng đã đơn giản hơn ở trường công lập nhiều đấy.

 

Sự gia tăng nhu cầu tìm chỗ học phù hợp cho con cái, chắc sẽ dẫn đến gia tăng phần GD xã hội hóa, và theo tôi hiểu thì xã hội sẽ phải thu xếp thỏa đáng việc này, đặc biệt là thừa nhận “không bình đẳng” trong điều kiện GD hiện nay. Có thể ngân sách Nhà nước chỉ đảm bảo kinh phí cho hệ GD công lập đại trà, không thu học phí hoặc thu với mức thấp, và tất nhiên phải chấp nhận các GV có năng lực vừa đủ giảng dạy ở đó. Phần xã hội hóa có thu học phí cao hơn, ít nhất phải đủ trả lương cho GV theo mức sống khá trong xã hội, không để xảy ra cảnh “nhiều người được thưởng tết hàng chục triệu, trong khi GV chỉ có vài trăm ngàn”.

 

Còn chuyện “học sinh bây giờ hình như có thói quen dân chủ quá đà”, chắc phải tìm nguyên do trong bộ ba “Gia đình - Nhà trường - Xã hội”. Giả dụ ở trường đã thực hiện đủ “tiên học lễ”, nhưng về nhà, ở một số gia đình nào đó, người lớn bàn đủ chuyện “cho kẻ này ra bã, cho... kia biết lễ độ...”, thì chắc chắn đến 90% là HS sẽ tiếp thu “lễ nghĩa nhà ta”.

 

Còn nếu bố mẹ thừa nhận “không biết hết mọi sự, con phải học từ thầy cô thôi”, và người lớn giữ được gia đình yên ấm (dù có thể chỉ theo lý trí), như nhiều gia đình ở nông thôn đã làm, thì chắc sự việc sẽ khác. Gia đình xem ra luôn luôn ở vị trí đầu bảng trong sự hình thành nhân cách của con trẻ, tiếp sức hay triệt tiêu những nỗ lực của nhà trường.

 

Cái nôi Gia đình VN có biến động lớn qua hơn nửa thế kỷ với chiến tranh, cải cách ruộng đất, công nghiệp hóa và ngày nay có thêm cơ chế thị trường, dường như thực hiện phá bỏ cái cũ mà chưa định hình được cái mới. Gíao dục gia đình diễn ra mỗi nhà mỗi kiểu, giống như giao thông trên đường phố vậy.

 

Trước đây hơn nửa thế kỷ, con cái tuổi mẫu giáo của các gia đình trung lưu ở thành phố thường được gửi đến các trường do các bà xơ đảm trách, được học các phép đi đứng nói năng giao tiếp kiểu phương tây, để lớp tiểu tư sản kế tiếp có những tính cách cần thiết cho xã hội lúc đó. Còn ở nông thôn thì văn hóa làng xã cộng với nghèo đói làm cho lớn bé đều phải chú ý đến “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Nhưng sau này, khi thoát ly khỏi “đói”, đặc biệt là số rời bỏ nghề nông sang làm công nhân hay viên chức, có điều kiện vật chất khá hơn, đã thực hiện chuyện “đời mình đã đói khổ, phải để con cái nó sướng”, thậm chí còn “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

 

Sự hy sinh này không có gì đáng trách, nếu thế hệ sau vươn lên, làm được những ước vọng mà cha mẹ chưa làm được. Nhưng một bộ phận thế hệ F1 lớn lên trong sự “ưu tiên” về ăn và chơi, nhất là ở gia đình mà người lớn đi làm suốt ngày và chẳng bao giờ nhắc nhở con cái điều gì, thì cái sự “trời sinh tính” tất yếu cho ra những con người ích kỷ một cách vô tư, không có thói quen nhường ai cái gì cả. Nếu ông già bà cả ra đường gặp họ, thì hãy “yên tâm” là chưa kịp nhường đường thì họ đã cướp đấy!

 

Có thể thấy sự thâm nhập kinh tế thị trường vào các vùng nông thôn hay miền núi đã làm nơi đây xuất hiện các F1. Còn ở thành phố hay thị trấn thì thế hệ F2, và cả  Fx…nữa, đã bước vào cuộc sống với phong cách ích kỷ vô tư hơn. Ở mức độ nhẹ là sự xuất hiện các “trẻ em tuổi đôi mươi”, đôi khi còn được gọi là “công tử” hay “gà công nghiệp”, biết đi xe máy vù vù, bấm di động hay game nhoay nhoáy, nhưng lại không biết ... pha mì tôm để ăn sáng (việc của ôsin hoặc ôsin - ông bà nội!). Nặng nhất thì là ra đời những kẻ máu lạnh, sẵn sàng chọc tiết ai đó để lấy ít tiền đi chat hay vì lý do “sỹ” vớ vẩn nào đó.

 

Sự việc nói trên cho thấy HS (và cả SV nữa) hiện phức tạp hơn “ngày xưa” rất nhiều, và việc tìm giải pháp cả gói cho GD thì chắc phải xếp vào trang botay.com thôi, nếu không giải được vấn đề GD gia đình và quan hệ giữa gia đình với nhà trường. Nhưng ở mức thô thì có thể chia HS hiện nay ra ba nhóm:

 

1. Nhóm đi học “nghiêm chỉnh”, như ở lớp chọn hay một số trường dân lập có thương hiệu tốt, thì chẳng cần đến bạo lực.

 

2. Nhóm đi học thụ động, đi học vì ở tuổi HS và dưới sức ép gia đình, là nơi còn có đất cho bạo lực chút ít.

 

3. Nhóm “vô tư” đã nêu trên, thì áp dụng bạo lực chắc sẽ rất rắc rối, đặc biệt là các “công tử”.

 

Theo tôi hiểu thì quá trình tách nhóm đang tự phát diễn ra, và sẽ còn phân hóa mạnh hơn khi xã hội hóa GD chính thức thực hiện. Giáo dục bằng bạo lực chắc chỉ còn ở Trung tâm GD bắt buộc dành cho nhóm vượt quá khả năng quản lý của các trường thông thường.

 

Lý Hà

 (Thanh Xuân, Hà Nội)

 

LTS Dân trí - Không dùng bạo lực trong giáo dục gia đình hay nhà trường là một xu thế tiến bộ đáng hoan nghênh và điều đó đã được thể chế hóa thành luật pháp cũng như Công ước quốc tế về Quyền trẻ em sớm được phê chuẩn ở nước ta. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là buông thả, nuông chiều cho trẻ em muốn làm gì thì làm, muốn đòi gì cũng được hoặc là “dân chủ quá trớn”.

 

Giáo dục bao giờ cũng phải kết hợp giữa việc động viên, khuyến khích các em phát huy những ưu điểm, đồng thời  nghiêm khắc phân tích những khuyết điểm để các em thấy rõ phải, trái và quyết tâm sửa chữa.

 

Sự nghiệp giáo dục muốn đạt được hiệu quả cao còn đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó giáo dục gia đình có vai trò là nền tảng ban đầu hết sức quan trọng.

 

Phàm các em sinh ra trong một gia đình êm ấm, được chăm lo học hành và gửi gắm vào những trường, lớp và thầy cô đáng tin cậy về chuyên môn và đạo đức, thì các em đó tìm thấy sự hứng thú, say mê học tập, tìm thấy niềm vui trong học tập và những trò chơi lành mạnh. Còn ngược lại, không quan tâm giáo dục và chăm lo đến việc học hành, mặc trẻ bươn chải trong môi trường xấu thì khó tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc. Đấy là những kinh nghiệm nhãn tiền trong cuộc sống hôm nay mà mọi bậc làm cha làm mẹ nên quan tâm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm