Băn khoăn cách ly với người nhập cảnh

Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc người nhập cảnh phải tự cách ly tại nơi cư trú sẽ tiếp tục là rào cản trong thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam thời gian tới.

Liên quan đến quy định mới về phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh của Bộ Y tế, giảm thời gian cách ly từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, được ngành du lịch, hàng không đánh giá là tín hiệu tích cực tiếp theo trong việc chuẩn bị thí điểm mở đường bay quốc tế thường lệ và đón khách quốc tế trở lại.

Lo ngại là rào cản đón khách quốc tế

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Hàng không Việt Nam sẽ đàm phán với các nước dự định nối lại đường bay, từ đó quyết định về tần suất, sân bay đi/đến. Sau khi đàm phán xong, Cục Hàng không sẽ báo cáo Bộ GTVT, sau đó cấp phép bay cho các hãng.

Dù vậy, quy định của Bộ Y tế cũng nêu rõ, trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, người nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan…, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Điều này nếu áp dụng với khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại sẽ tiếp tục là rào cản trong thu hút phân khúc khách này trở lại trong thời gian tới.

Băn khoăn cách ly với người nhập cảnh - 1

Chuyến bay chở các hành khách trong chương trình thí điểm đón du khách quốc tế hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng ngày 17-11 (Ảnh: VŨ TUẤN).

Theo Bộ GTVT, các hãng hàng không và doanh nghiệp cảng hàng không đều đã sẵn sàng cho việc thực hiện khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách. Tuy nhiên, các DN đều kiến nghị dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.

Hiệp hội DN hàng không Việt Nam cho biết hiện một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Campuchia… đã mở cửa đón khách quốc tế trở lại và miễn cách ly đối với hành khách từ nhiều quốc gia. Hành khách đến các nước này không bị hạn chế đối tượng, mục đích, các hãng hàng không được lập kế hoạch bay thường lệ.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa nhấn mạnh gần đây, tỉ lệ tiêm vắc-xin tăng cao, các nước trên thế giới nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh để thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại sau khi đại dịch đang từng bước được kiểm soát. Những điểm chính trong chính sách của các quốc gia này là không hạn chế đối tượng và mục đích đi lại, bao gồm cả khách có quốc tịch nước sở tại, khách kiều bào và khách quốc tế (chỉ cần có hộ chiếu và thị thực hợp lệ).

Theo khảo sát của IATA vào tháng 3-2021, khoảng 84% hành khách trả lời họ sẽ không đi du lịch tới các quốc gia có yêu cầu cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh.

Nguy cơ mất thị trường

Liên quan đến đối tượng nhập cảnh theo quy định của Bộ Y tế, Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam đề xuất Việt Nam rất cần mở rộng chính sách để thu hút khách quốc tế vào làm việc, đầu tư, du lịch… nhằm tránh bị tụt hậu, mất thị trường, mất lợi thế cạnh tranh về du lịch, điểm đến. Từ đó, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

"Kiến nghị Bộ Y tế quy định không cách ly tập trung đối với khách đã tiêm 2 mũi vắc-xin và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước khi bay"- TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam, nói.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TSTtourist, nhận định việc giảm số ngày cách ly từ 7 ngày xuống 3 ngày, từ đó tiến đến bỏ hẳn cách ly đối với khách nhập cảnh, bao gồm kiều bào là điều phải làm ngay. Đây cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng sống cùng dịch và trên thực tế tại Việt Nam, khi độ phủ vắc-xin đủ 2 mũi cao lên thì áp lực y tế và các vấn đề khác giảm xuống rõ rệt. Tết năm nay dự báo lượng kiều bào về Việt Nam rất lớn và trong số đó có những người bị kẹt lại gần 2 năm. Vì vậy, đã đến lúc mở chuyến bay thường lệ, không phải chỉ đón khách quốc tế mà là đưa đồng bào về nhà, về với gia đình với chi phí hợp lý.

"Dù vậy, đối với phân khúc khách quốc tế, đặc biệt là với châu Âu, Mỹ…, việc cách ly 3 ngày khi đi du lịch tới Việt Nam thật sự là rào cản. Và kế hoạch du lịch của họ cũng khá xa, thường trước 6 tháng đến 1 năm, nên nếu chúng ta vẫn tiếp tục cách ly thì độ trễ khi tiếp cận thị trường khách cần dài hơi hơn" - ông Nguyễn Minh Mẫn nói.

"Bỏ quên" khách tàu biển?

Tại báo cáo Sơ kết triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nêu rõ, hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đang được áp dụng thông qua các chuyến bay thuê bao, trong khi đường bộ và đường biển chưa có hướng dẫn.

Theo đánh giá của một số địa phương và DN khai thác khách du lịch tàu biển, việc đón khách du lịch quốc tế bằng đường biển rất có tiềm năng. Hiện nay, đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tái khôi phục hoạt động du lịch đường biển, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để tiếp đón các du thuyền cập bến sau ảnh hưởng dịch Covid-19, đặc biệt các hãng tàu quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng phương án khai thác khách trong kỳ nghỉ đông cuối năm 2021.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, cho biết chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội đón khách tàu biển trở lại. Như Singapore, họ mở cửa ngành du lịch tàu biển quốc tế và đón khoảng 350.000 khách trong 3 tháng. Cần mạnh dạn thí điểm bỏ cách ly với khách quốc tế như những trung tâm du lịch lớn quốc tế đang thực hiện, trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với Covid-19.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm