Bán hàng online "bát nháo" sẽ đối mặt hàng loạt tội danh hình sự!

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Bán hàng online không đúng sự thật hoặc bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu các chế tài xử lý theo quy định pháp luật.

Những người bán hàng online không đúng với mô tả hoặc bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

Bán hàng online không giống mô tả sẽ vi phạm pháp luật

L.s Nguyễn Đức Chánh:  Theo sự phát triển của công nghệ, hình thức của hoạt động kinh doanh thương mại cũng biến đổi theo thời gian. Gần đây, hình thức mua bán hàng online đã phát triển rộng rãi như một xu hướng tất yếu. Về bản chất, việc mua bán hàng online chỉ thay đổi về hình thức hoạt động nhưng về bản chất thì đây vẫn là hoạt động kinh doanh thương mại. Do đó, mua bán hàng online không đúng sự thật hoặc bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu các chế tài xử lý theo quy định pháp luật.

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ mà hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể:

Về xử phạt hành chính: 

Hành vi mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định cụ thể tại các Điều 9, Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2020). 

Về xử lý hình sự:

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ phạm tội và đối tượng của hàng hóa bị làm giả, người có hành vi buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm đối với một các tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 liên quan đến việc buôn bán hàng giả như sau:

Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Bán hàng online bát nháo sẽ đối mặt hàng loạt tội danh hình sự! - 1

Những lần pha "mua hàng trên mạng và cái kết" dở khóc dở cười

Những người mua hàng có quyền yêu cầu bồi thường khi mua nhầm không thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Về bản chất, việc cá nhân mua hàng online là một giao dịch dân sự. Do đó, giao dịch này phải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015. 

Theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015: Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Về định nghĩa, Bộ luật Dân sự định nghĩa: Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. 

Bán hàng online bát nháo sẽ đối mặt hàng loạt tội danh hình sự! - 2

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi cùng PV Dân Trí

Trong trường hợp này, bên bán hàng đã cố tình đưa ra thông tin sai lệch, không đúng về sản phẩm như nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, …. Đây được xem là hành vi lừa dối khách hàng và người mua hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu tuyên giao dịch này vô hiệu. Hệ quả của giao dịch vô hiệu: người bán phải hoàn trả tiền cho người mua và người mua hoàn trả hàng đã mua cho người bán.

Về yêu cầu bồi thường thiệt hại: trong trường hợp có thiệt hại thực tế phát sinh do hành vi có lỗi của bên bán hàng gây ra, người mua hoàn toàn có cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 4 Điều 131 Bộ luật Dân sự: Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ thực tiễn thì việc xử lý đối với trường hợp mua bán hàng online là rất khó. Vì người mua hàng không biết nhiều thông tin về người bán hàng. Mọi giao dịch đều thực hiện thông qua phương tiện điện tử. Do đó, tuy về mặt pháp luật thì hoàn toàn có cơ sở để giải quyết nhưng về thực tiễn thì lại rất khó xử lý.