Hà Nội:

Bạn đọc Dân trí chia sẻ nỗi gian truân khi làm sổ đỏ

(Dân trí) – Sau khi Báo Dân trí đưa tin về việc cụ Nguyễn Ngọc Tưởng, là lão thành cách mạng, trú tại quận Long Biên chậm được cấp sổ đỏ đã nhận được đông đảo ý kiến của bạn đọc chia sẻ nỗi bức xúc về việc này.

Bạn đọc Dân trí chia sẻ nỗi gian truân khi làm sổ đỏ
 
Việc khó khăn khi làm sổ đỏ là một trong những vấn đề bức xúc của người dân hiện nay. Và "hành trình" đi làm sổ đỏ của cụ Nguyễn Ngọc Tưởng, tại quận Long Biên khiến nhiều bạn đọc rơi nước mắt vì những "chướng ngại vật" mà gia đình cụ phải đối mặt.
 
Bạn Phong Lê ở địa chỉ email: phongld81@gmail.com chia sẻ: Tôi cũng là một công dân của quận Long Biên. Do ở tại quận này nên tôi biết có một số hộ dân có nguồn gốc đất lấn chiếm ao hồ nhưng chả hiểu sao lại được cấp sổ đỏ trước. Trong khi những người dân như ông bà trên đây và tôi được cấp đất rõ ràng mà lai liên tục bị trì hoãn mà không biết lí do. Rất mong cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để làm rõ bức xúc cho dân.

Bạn đọc Nguyễn Túc ở địa chỉ email: nguyentuc81vn@yahoo.com than thở: Tôi cũng ở quận Long Biên và đã từng chạy làm sổ đỏ nhưng không thành công, tiền thì vẫn mất, làm sổ đỏ ở đây thật khó, không biết nhà cụ Tưởng cùng những gia đình khác có hoàn cảnh như nhà tôi bao giờ mới được cấp sổ đỏ.

Nhiều bạn đọc khác bày tỏ:

Kính thưa ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên. Tôi cũng đã đi chạy để được làm sổ đỏ. Và tôi cũng mệt mỏi lắm rồi. Có lẽ ông là người biết nhiều nhất về những nỗi khổ của dân trong việc xin được cấp sổ đỏ ở quận Long Biên! (danlanh@yahoo.com.vn);

Việc xin được cấp sổ đỏ ở quận Long Biên khó như bắc thang lên trời!!! (Đỗ Quang Huy); Khổ thân 2 cụ gần đất xa trời, không biết hai cụ còn chưa thực hiện "bước gì" nữa để có được sổ đỏ???  Sao không ai mách cho cụ biết nhỉ???  Khổ thân 2 cụ, ai cũng hiểu chỉ 2 cụ không hiểu (22@gmail.com).

Khổ cho 2 cụ, xem ảnh soi kính lúp mà không tìm được sợi tóc xanh nào, các cụ đã có công làm đơn kiện nhưng khổ cái đơn lại chuyển về cho Chủ tịch quận Long Biên, vậy liệu còn tia hy vọng nào khi các cụ quy tiên để được nhìn cái bìa đỏ ? (sonngahuy@yahoo.com)

Bạn đọc Trần Hùng, email hungthai56@gmail.com bình luận: Nhìn các cụ già mà rớt nước mắt. Mong muốn được cái sổ đỏ mà như cái gì đó xa vời! Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội có biện pháp để UBND quận Long Biên tuân thủ pháp luật. Tôi được biết chính UBND quận Long Biên đã có nhiều vấn đề trong việc cấp sổ đỏ, giải tỏa, đền bù không minh bạch mà báo chí đã nêu nhiều!

Tôi là hàng xóm nhà cụ Tưởng nên được biết: Điều mong muốn cuối đời của cụ Tưởng, nay đã 84 tuổi đời, 66 năm Tuổi Đảng là được nhìn thấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chính diện tích cụ được chia thừa kế theo bản án có hiệu lực. Mà không hiểu vì lý do gì mà quận Long Biên cứ "ngâm tôm" như vậy. Kính mong Báo Dân trí tiếp tục thông tin giúp bạn đọc. Xin cảm ơn. (Đinh Thế Hưng, email: hunglongbien@yahoo.com.vn)

Lý do cơ bản dẫn đến tình trạng chậm cấp sổ đỏ trên được bạn đọc Đào Mạnh Thuỷ, email: daomanhthuy2006@yahoo.com.vn nêu ra là: Một trong những nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện kéo dài hiện nay là sự đùn đẩy trách nhiệm, không xem xét đến nơi đến chốn trong giải quyết khiếu kiện của dân.

Thực tế đã có nhiều trường hợp sau nhiều năm khiếu kiện, hàng chục lần được chuyển về UBND Quận "để giải quyết theo thẩm quyền" mà sự việc vẫn không được giải quyết và cũng không cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Đây là thực tế "thích thì làm, không thích thì thôi" đang phổ biến làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong giải quyết quyền lợi đối với người dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai hiện nay.

Để giải quyết tồn tại trên cần có qui định: 1/ Quyền lợi hợp pháp của người dân phải là nghĩa vụ pháp lý của cơ quan được giao trách nhiệm gải quyết. Việc không giải quyết hoặc giải quyết không đầy đủ gây thiệt hại đến quyền lợi của người dân là vi phạm pháp luật, phải có người chịu trách nhiệm và phải bị xử lý theo pháp luật. 2/ Trong giải quyết khiếu nại, các cơ quan thẩm quyền cấp trên và các cơ quan liên quan (Thanh tra, Cơ quan tiếp dân… ) chỉ kính chuyển đơn về cơ quan có thẩm quyền 01 lần nếu sự việc chưa được giải quyết, và lần thứ 02 với sự việc chưa được giải quyết thoả đáng, sau đó nếu người dân vẫn còn khiếu kiện thì Cơ quan cấp trên sẽ chủ trì xử lý đảm bảo quyền lợi của người dân.

Vũ Văn Tiến