Hà Nội:

Bản án vừa được thi hành, công dân “tá hỏa” nhận kháng nghị của Viện kiểm sát

(Dân trí) - Sau 40 năm theo kiện, tháng 9/2014, gia đình ông Trần Sâm đã chi trả 1,3 tỷ đồng cho nguyên đơn để sử dụng ngôi nhà trên phố Thụy Khuê theo Bản án phúc thẩm số 74/2014/DSPT. Khi cuộc sống chưa kịp ổn định, gia đình ông Sâm lại bị xáo trộn vì kháng nghị của Viện KSNDTC.

Năm 2014, báo Dân trí đã có bài viết phản ánh việc TAND quận Tây Hồ ban hành bản án không đúng quy định pháp luật khi buộc gia đình ông Trần Sâm, trú tại 589 phố Thụy Khuê trả lại hơn 20m2 (số chi tiết là 20,2m2) cho bên nguyên đơn, trong khi phần diện tích cụ Đán (ông nội ông Sâm) thuê của cụ Vũ Thị Bé chỉ có 13m2, phần diện tích 7,2m2 còn lại được hình thành do công tôn tạo của gia đình ông Sâm nhiều chục năm mà có.

Hợp đồng thuê năm 1966 thể hiện cụ Bé cho cụ Đán thuê 13m2

Hợp đồng thuê năm 1966 thể hiện cụ Bé cho cụ Đán thuê 13m2.

Theo tài liệu PV báo Dân trí thu thập được, Hợp đồng thuê nhà năm 1966 ký giữa cụ Trần Văn Đán (ông nội ông Sâm) và cụ Vũ Thị Bé (mẹ bà Vũ Thị Nguyệt Thu) đã được đăng ký, có xác nhận tại Phòng Quản lý nhà đất khu phố Ba Đình và ý kiến của cụ Bé tại Biên bản giải quyết việc đòi lại nhà số 115 khối Bưởi của Phòng Quản lý công trình công cộng - UBHC khu Ba Đình đều xác định phần diện tích nhà đất đem cho thuê tại thời điểm cho cụ Đán thuê là 13m2.

Các văn bản được cơ quan chức năng cung cấp trong hồ sơ vụ án không nêu rõ được số liệu về diện tích cụ thể tại thời điểm cụ Bé cho cụ Đán thuê nhà từ năm 1966, và sự biến động qua từng thời kỳ của diện tích nhà đất. Như vậy, ngôi nhà 589 Thụy Khuê đang có sự chênh lệch số diện tích ghi nhận tại Hợp đồng thuê nhà năm 1966 là 7,2m2. Theo tường trình của ông Trần Sâm, phần diện tích này được hình thành nhờ công cơi nới, tôn tạo kéo dài từ đời cụ Đán, đến ông Sách (bố ông Sâm) và anh chị em ông Sâm chứ không thuộc diện tích thuê.

Từ khi Tòa án đưa ra xét xử vụ đòi nhà cho thuê vào năm 1976, với nội dung “bác” đơn đòi nhà của cụ Vũ Thị Bé, gia đình ông Trần Sâm tiếp tục sử dụng ổn định nhà đất số 589 phố Thụy Khuê, hàng năm đều hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế sử dụng đất với nhà nước. Sau khi cụ Bé, cụ Đán qua đời, năm 2012, bà Vũ Thị Nguyệt Thu đã làm đơn khởi kiện đòi nhà cho thuê và nhà ở nhờ.

Bản án phúc thẩm của Tòa án Hà Nội đã được thi hành xong từ tháng 9/2014

Bản án phúc thẩm của Tòa án Hà Nội đã được thi hành xong từ tháng 9/2014.

Trong quá trình thụ lý Tòa án quận Tây Hồ đã không thu thập chứng cứ đầy đủ từ các cơ quan có thẩm quyền để xác định rõ diện tích ban đầu 13m2 cho thuê từ đời ông cha, nay tăng lên hơn 20m2 do đâu mà có? Từ đó dẫn đến việc bỏ sót quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Sâm, những người có công tôn tạo, cơi nới thêm 7,2m2 gần 50 năm qua. Bên nguyên đơn - bà Vũ Thị Nguyệt Thu kiện đòi lại 20,2m2 nhưng không đưa ra được bất kỳ tài liệu nào chứng minh cho phần diện tích chênh lệch 7,2m2 là của bố mẹ nguyên đơn để lại. Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm - HĐXX Tòa án quận Tây Hồ vẫn buộc gia đình ông Trần Sâm trả lại cả diện tích chênh lệch so với diện tích cụ Vũ Thị Bé cho thuê năm 1966.

 Sau khi báo Dân trí  phản ánh sự việc và gia đình ông Trần Sâm gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, tại phiên xử phúc thẩm diễn ra ngày 7 và 14/4/2014, HĐXX - Tòa án TP. Hà Nội quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm số 08/2013/DSST ngày 24/10/2013 của Tòa án quận Tây Hồ.

Cụ thể, Tòa án TP. Hà Nội tuyên bản án số 74/2014/DSPT, buộc  gia đình ông Trần Sâm hoàn trả cho nguyên đơn là bà Vũ Thị Nguyệt Thu 13m2, nhưng được thanh toán bằng tiền là 1,3 tỷ đồng (thanh toán theo khung giá 100 triệu đồng/m2) để sở hữu 13m2, do gia đình ông Trần Sâm không còn nơi ở nào khác.

 Sau khi bản án số 74/2014/DSPT ngày 7 và 14/4/2014 của TAND thành phố Hà Nội có hiệu lực pháp luật, tháng 9/2014, gia đình ông Trần Sâm đã nộp đủ 1,3 tỷ đồng để thi hành bản án trên. Sau khi thực hiện đầy dủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, tưởng như gia đình ông Trần Sâm đã có thể yên tâm sinh sống. Tuy nhiên, tháng 4/2015, gia đình ông Sâm bất ngờ nhận được Kháng nghị số 23/2015/KN-DS ngày 21/4/2015, của Viện KSND tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND TP. Hà Nội, đề nghị Tòa án tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án quận Tây Hồ.

Phần diện tích 7,2m2 có được là do công tôn tạo của gia đình ông Trần Sâm kéo dài qua ba thế hệ

Phần diện tích 7,2m2 có được là do công tôn tạo của gia đình ông Trần Sâm kéo dài qua ba thế hệ

Đón nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao, ông Trần Sâm cho biết : “Căn cứ quan trọng trong vụ kiện này là hợp đồng thuê nhà năm 1966 ký giữa cụ Trần Văn Đán và cụ Vũ Thị Bé (mẹ bà Nguyệt Thu). Hợp đồng này đã được ký và được xác nhận tại Phòng quản lý nhà đất khu phố Ba Đình, phù hợp lời khai của cụ Bé tại Biên bản giải quyết việc đòi lại nhà số 115 khối Bưởi của Phòng quản lý công trình công cộng - UBHC khu Ba Đình vào năm 1974 đều xác định phần diện tích nhà đất thực tế đem cho thuê tại thời điểm cho cụ Trần Văn Đán thuê chỉ có 13m2.

 Những căn cứ pháp lý này đã được TAND TP. Hà Nội nêu rõ, lấy đó làm cơ sở để ban hành bản án phúc thẩm và đã được bị đơn thi hành án từ gần một năm qua. Tuy nhiên, kháng nghị của Viện KSND tối cao lại không căn cứ trên những tài liệu pháp lý mà gia đình bị đơn cung cấp cho các cấp tòa mà chỉ căn cứ một chiều từ phía nguyên đơn...”.

Cho rằng Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân, gia đình ông Trần Sâm đã gửi đơn gửi Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị xem xét và hủy bỏ Kháng nghị số 23/2015/KN-DS ngày 21/4/2015 của Viện KSND tối cao.

Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Trần Hồng Phúc (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết: Mấu chốt của vụ án này là diện tích cho thuê 13m2 hay khoảng 20m2. Viện KSND tối cao dựa vào Bản án số 429 năm 1976 nêu “ngôi nhà 115 phố Yên Thái khoảng 20m2 thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà Bé” để xác định diện tích nhà đất khoảng 20m2 là không phù hợp, mâu thuẫn với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, mâu thuẫn với chính bản khai của cụ Bé tại Phòng quản lý công trình công cộng - ủy ban hành chính khu Ba Đình ngày 31/10/1974.

Bản án vừa được thi hành, công dân “tá hỏa” nhận kháng nghị của Viện kiểm sát

Vi bằng của ông Vân xác nhận 7,2m2 đất chênh lệch có được là do gia đình ông Trần Sâm tự cơi nới, cải tạo

Thời điểm năm 1976, nhà cho thuê đã được gia đình ông Sâm sử dụng hàng chục năm; từ đời ông nội và bố ông Sâm đã có sự cơi nới, mở rộng ngoài diện tích nhà thuê là phần diện tích đất phía sau để làm công trình phụ, bếp đun rồi. Diện tích tăng lên đã thể hiện rõ trong các tài liệu do ông Sâm xuất trình cho Tòa án và gần đây nhất là văn bản xác nhận của ông Vân - hàng xóm liền kề chứng minh diện tích cơi nới, mở rộng là từ diện tích lối đi nhỏ phân chia của các hộ mặt đường với xưởng giấy và các hộ phía sau.

 Một chứng cứ khác quan trọng chứng minh diện tích nhà thuê chỉ có 13m2 thể hiện tại công văn số 143 ngày 10/4/2014 của Trung tâm công nghệ thông tin tài nguyên môi trường cung cấp thể hiện thửa đất số 269 đứng tên cụ Vũ Duy Tốn (chồng cụ Bé) có diện tích 14m2. Đây là thông tin cung cấp về diện tích đất, không phải diện tích nhà, như vậy thửa đất thời điểm cho thuê không phải 20m2.

Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao

Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao

Bản án số 74/2014/DSPT ngày 7 và 14/4/2014 của Tòa án TP. Hà Nội không chỉ chứa đựng lẽ công bằng mà còn mang ý nghĩa đạo đức xã hội rất lớn khi tuyên buộc gia đình ông Sâm phải trả tiền cho nguyên đơn tương ứng diện tích thuê nhà 13m2. Điều này có nghĩa là yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận nhưng chỉ khác là không trả bằng hiện vật mà trả bằng tiền.

Việc Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của Tòa án Hà Nội và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm của Tòa án quận Tây Hồ là trái luật vì tại điểm a khoản 1 Mục III Thông tư liên tịch số 01 quy định  đối  với quan hệ tranh chấp xác định là thuê nhà ở liên quan đến tranh chấp về hợp đồng thuê nhà ở giữa cá nhân với cá nhân nêu rõ: Chỉ có 3 trường hợp để Tòa án xử cho Bên cho thuê được lấy lại nhà thuê là: 1, Bên thuê nhà đã có chỗ ở khác; 2,Bên thuê nhà có điều kiện tạo lập chỗ ở khác; 3, hoặc bên cho thuê nhà tự nguyện tạo điều kiện cho bên thuê nhà có chỗ ở khác. Trong vụ án này, cả 3 trường hợp đều không đáp ứng nên việc Tòa án Hà Nội tuyên bị đơn trả tiền, không trả nhà cho nguyên đơn là đúng pháp luật.

Bản án sơ thẩm của Tòa án quận Tây Hồ đã tuyên bị đơn phải trả nhà là trái luật, nhưng nay Viện KSND tối cao kháng nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, cũng có nghĩa là kháng nghị này cần phải xem xét lại bởi vừa không thấu lý, vừa không đạt tình. Hy vọng Hội đồng xét xử Tòa Dân sự TAND tối cao tới đây sẽ xét xử giám đốc thẩm vụ án khách quan và đúng luật.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.

Ngọc Cương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm