Về bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh”:

Bài thơ kêu gọi trách nhiệm của mọi người với các liệt sỹ

(Dân trí) - Dáng người gầy đứng trong nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào mắt anh đượm buồn và đăm đăm nhìn vào những ngôi mộ liệt sĩ, miệng cứ lẩm bẩm sao lại vô danh? Sao vô danh nhiều thế? Không thể vô danh! Mà phải sửa là liệt sĩ chưa rõ họ tên mới đúng.

Bài thơ kêu gọi trách nhiệm của mọi người với các liệt sỹ - 1
Nhà báo Văn Hiền - nguyên TBT báo Nghệ An, nay là trưởng đại diện cho Tạp chí Người làm báo. (Ảnh: Nguyễn Phê).
 
Một buổi chiều hè năm 1999, tôi thấy một người gầy đứng trong nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An). Mắt anh đượm buồn và đăm đăm nhìn vào những ngôi mộ liệt sĩ, miệng cứ lẩm bẩm sao lại vô danh? Sao vô danh nhiều thế? Không thể vô danh! Mà phải sửa là liệt sĩ chưa rõ họ tên mới đúng! Bẵng đi hơn một năm sau, khi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với báo Nghệ An lên huyện Con Cuông để kiểm tra tình hình phát hành, quản lý và sử dụng báo Đảng, do anh Văn Hiền - Phó tổng biên tập báo Nghệ An làm trưởng đoàn.

Tại buổi gặp gỡ, anh Văn Hiền tặng tôi tập thơ của anh vừa mới được Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam cho xuất bản. Tập thơ “Lục bát cho mình”, chỉ vỏn vẹn có 20 bài, mỗi bài mang một sắc thái riêng, phản ảnh những trăn trở của tác giả trước mặt trái của kinh tế thị trường, làm cho ai đó thay hình, đổi dạng, không còn trách nhiệm, thiếu lương tâm, thậm chí không còn là mình nữa!

Khi đọc đến bài cuối cùng “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh”, tôi nhớ lại thì ra tác giả là người hơn một năm trước đứng trong nghĩa trang tự lục vấn mình. Bài thơ này đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Và, cũng từ đó những bài báo tôi viết có trách nhiệm hơn, được bạn đọc tôn trọng hơn, trách nhiệm đối với đọc giả, với xã hội và với cả những người đã khuất.
Bài thơ kêu gọi trách nhiệm của mọi người với các liệt sỹ - 2
Tấm bia khắc bài thơ.... (Ảnh: Nguyễn Phê)

Với bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh”, ngay từ câu mở đầu tác giả đã nhắc chúng ta xin đừng và không bao giờ được gọi các anh là liệt sĩ vô danh.

Tác giả viết:

Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh

Anh có tên như bao khuôn mặt khác

Mẹ sinh anh tròn ngày tròn tháng

Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa

Anh lớn lên cùng lưỡi cày lưỡi hái

Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.

Đúng! Các anh không bao giờ là vô danh cả? Các anh có tên, có họ như bao khuôn mặt ở trên đời. Từ ông Đại tướng đến anh binh nhì, từ ông vua đến thường dân; Từ cổ, chí kim mỗi người sinh ra đều được cha mẹ đặt tên. Các anh được mẹ mang nặng, đẻ đau sau 9 tháng 10 ngày, chứ không phải đẻ non, chết yểu. Một thói quen của người Việt Nam là cha mẹ thường đặt tên cho con theo 12 con giáp, thì các anh những người liệt sĩ này cũng không ngoại lệ! Các anh có thể có tên là , Sửu, Dần… (theo con giáp); : Xuân, Hạ, Thu, Đông (theo mùa); Là: Hùng, Dũng, Thắng, Anh...(theo xu thế mới) càng khẳng định rằng đúng: “Anh có tên như bao khuôn mặt khác”.
Bài thơ kêu gọi trách nhiệm của mọi người với các liệt sỹ - 3
Nhà báo Văn Hiền bên tấm bia đá khắc bài thơ của mình vừa được Bộ LĐTB-XH chấp thuận đặt tại nghĩa trang Việt - Lào. (Ảnh: Nguyễn Phê)

Khi làm văn tế khóc các nghĩa sĩ Cần Giuộc tử trận, cụ Đồ Chiểu khóc rằng: “… Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm…”. Người lính năm xưa của cụ Đồ Chiểu là những nông phu có thể không được học hành đầy đủ, còn người lính ngày nay dưới ngòi bút của anh Văn Hiền là có học và học cao vì thế anh lính trước khi ra trận là nông dân thuần túy đi chăng nữa vẫn nhận ra “Lưỡi cày, lưỡi cuốc vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa”.

Khi chúng ta đọc tiếp khổ thơ thứ hai, một lần nữa Văn Hiền nhắc lại cho chúng ta nhớ:

"...Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh

Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác

Hạt lúa củ khoai nuôi anh khôn lớn

Tháng tám nước trong, tháng ba nắng trải

Bàn chân săn chắc dáng trai..."

Khổ thơ đầu tác giả viết “anh có tên”, khổ thơ thứ hai này tác giả khẳng định “anh từng có tên” và anh lớn lên trên đồng đất Việt Nam, làng quê Việt Nam, người mẹ Việt Nam đã sinh ra anh, nuôi anh khôn lớn; Nuôi anh bằng lúa, bằng khoai và tạo cho anh có vóc, có dáng “Bàn chân săn chắc dáng trai”. Từ xóm làng, vì nghĩa lớn anh đi đánh giặc, góp phần tạo nên “dáng đứng Việt nam”, dáng đứng anh hùng.

Khổ thơ thứ ba:

"... Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh

Anh có tên như bao khuôn mặt khác

Ngày lên đường bờ vai mặn chát

Mắt ai vấn vít hàng quân..."

Ngoài điệp khúc nhắc lại “xin đừng...”, Văn Hiền chứng minh cho chúng ta rằng: Các anh là con người hoàn thiện bởi: “Ngày lên đường bờ vai mặn chát/Mắt ai vấn vít hàng quân”. Bài thơ không cứng nhờ hai câu thơ nặng tình, nặng nghĩa này. Vâng! Ngày anh trai làng ra trận có bạn bè, có người mẹ, người vợ, người yêu ôm lấy anh, để lại trên vai áo anh những giọt nước mắt, không muốn rời xa các anh. Nhưng vì nghĩa lớn phải động viên, tiễn các anh đi. Người lính thời đó ra đi không hẹn ngày về.
Bài thơ kêu gọi trách nhiệm của mọi người với các liệt sỹ - 4
Nghĩa trang Việt - Lào tại huyện Anh Sơn, Nghệ An hiện vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ chưa có tên của các liệt sỹ đang yên nghỉ tại đây. Cũng chính nơi nghĩa trang này, tấm bi đá khắc bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh" của nhà báo Văn Hiền được Bộ LĐTB-XH đồng ý cho đặt vào tháng 10/2010 vừa qua.

Vì vậy, mà khi có bộ đội hành quan qua làng, tất cả đều dõi theo, xem trong hàng quân trùng trùng, điệp điệp ấy có ai là người làng, người thân của mình không?! Có thể lắm chứ, thời đó do thần tốc của cuộc chiến tranh, do bí mật hành quân, không được báo tin, không được ghé thăm nhà dù chỉ vài phút ngắn ngủi. Tất cả cho tiền tuyến, tát cả để chiến thắng. Thời đó chúng tôi hành quân qua làng thầm gọi mẹ, gọi người yêu, thậm chí im lặng nuốt nước mắt đi qua quê hương, làng xóm của mình. Chính sự quan sát hay từng trải đó mà hai câu thơ này mang nặng cái tình riêng trong cái tình chung của dân tộc, một sự hy sinh riêng có, đặc biệt của người Việt Nam.

Khổ thơ thứ tư:

"...Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh

Anh có tên như bao khuôn mặt khác

Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc

Tên làng, tên đất theo anh..."

Khổ thơ này ngoài khẳng định lại các anh không phải là liệt sĩ vô danh! Các anh có tên, có tuổi, có làng quê, nơi sinh ra anh và nuôi các anh khôn lớn. Người lính hồi dó ra trận mà hành trang mang theo không thể thiếu đó là hình ảnh xóm làng, quê hương, nơi có cây đa, giếng nước, sân đình, có bãi ngô, con sông quê mát rượi, có những buổi hò hẹn cùng ai dưới bóng tre làng trong đêm trăng. Và, vì thế dẫu cho “chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc…”.

Sau mỗi trận chiến, hình ảnh xóm làng, quê hương, người thân chính là động lực giúp các anh vượt qua, tiếp thêm sức mạnh cho các anh chiến thắng kẻ thù. Cái tất nhiên là vậy, nhưng “Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc/Tên làng, tên đất theo anh”. Văn Hiền muốn nói rõ rằng: Ngày xưa chúng tôi ra trận, trong ba lô có một trích yếu lí lịch rõ ràng, được bọc kín trong túi ni lon và giấu kỹ dưới đáy ba lô. Trích yếu ghi rõ họ tên, quê quán, nhóm máu và khi cần báo tin cho ai, ở đâu?. Và, vì chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc… vì vậy có lý hơn khi khổ thơ thứ năm lý giải thêm cho chúng ta rõ:

"...Bình yên sau cuộc chiến tranh

Anh trở về không tên, không tuổi

Trắng hàng bia những ngôi sao không nói

Rưng rưng cỏ mọc dưới chân".

Có lẽ hôm nay nhiều người, nhất là lớp trẻ không còn tưởng tượng nổi sự khốc liệt của chiến tranh mà cha ông đã phải đương đầu. Bom cày đạn xới, có những ngôi mộ vừa đắp xong, sau loạt bom B52 đã không còn thấy đâu nữa! Có những thi thể bị bom na pan làm cho biến dạng và có người không còn dù chỉ một nắm tro.

Khốc liệt nhát, dã man nhất là cuộc chiến mà đế quốc Mỹ phát động ở miền Nam Việt Nam, Mỹ rải thảm bom B52, có khi cả tiểu đoàn không còn một ai sống sót để làm công tác tử sĩ, chôn cất mai táng đồng đội. Vẫn biết rằng giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh không thể là ngày một ngày hai. Nhưng chúng ta phải nhận trách nhiệm về mình và không thể đề lên ngôi mộ của những anh hùng, liệt sĩ có đủ họ tên, quê quán hy sinh anh dũng cho độc lập tự do của tổ quốc là “liệt sĩ vô danh” được! Mà phải khẳng định là “có danh”, nhưng chúng ta chưa tìm ra, chưa trả lại tên cho các anh được. Điều này được Nhà thơ khằng định trong khổ thơ cuối cùng:

"...Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh

Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác

Tổ quốc không đánh mất tên anh

Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng".

Bài thơ khép lại bằng sự khẳng định “Tổ quốc không đánh mất tên anh” để chỉ rõ trách nhiệm, trách nhiệm của đất nước, của cộng đồng, của tất cả chúng ta những người còn sống và được sống trong hòa bình, độc lập, ấm no hôm nay phải tiếp tục tìm, làm rõ, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. Và bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” ra đời, chỉ ít lâu sau đó, tất cả các ngôi mộ của các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, chữ “vô danh” được sửa lại là “Liệt sĩ chưa rõ họ tên”.

Sáu khổ thơ của bài thơ đã tương đối đầy đủ, nhưng giá như tác giả giành thêm, nhắc lại lần cuối, chỉ một câu riêng cho khổ thơ thứ bảy: “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” chỉ câu cuối điệp khúc hai làn, thì chắc chắn sẽ đầy thêm trách nhiệm hơn. Dù sao thì bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” là bài thơ đầy tính trách nhiệm! Trách nhiệm của người cầm bút, trách nhiệm của cả xã hội và trách nhiệm của mỗi một người chúng ta đối với các anh hùng liệt sĩ và thân nhân của họ.

 Phùng Mùi - Nguyễn Phê