Bài học về tin đồn thất thiệt

(Dân trí) - Từ trưa đến tối 5/4/2011, hàng vạn người dân ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh…đổ xô đến các cây xăng để mua xăng vì nghe tin đồn xăng sắp sửa tăng từ 5.000 đến 7.000 đồng/lít (?)

Lại khổ vì tin... vịt
 
Một chị đang ở siêu thị, điện thoại quát chồng lái ô tô đi mua xăng. Chồng bận chưa đi được, bị chị này mắng té tát không thèm để ý nhiều người đang ngạc nhiên nhìn mình! Không chỉ có ô tô, xe máy đi đổ xăng, nhiều người còn mang theo can nhựa các loại để mua dự trữ. Có người chở thêm bốn chiếc can, dung tích mỗi cái 20 lít. Có người mang luôn cả chai, lọ đựng nước, bình đựng nước khoáng loại 15 lít.

  

Các cây xăng chật cứng, người trong đã đổ xong không chen ra được, người bên ngoài cũng không thể dắt xe vào trong. Cảnh tượng chen lấn, ồn ào, cãi vã ở cây xăng nào cũng có. Đã 8-9 giờ tối, các cây xăng vẫn đông nghịt người. Có người chờ đến mấy tiếng đồng hồ cũng chưa đổ được xăng. Các nhân viên tại các cây xăng xoay xở đến bở hơi tai vẫn không đáp ứng nổi yêu cầu của khách hàng, lại còn bị mắng té tát.

 

Một số cây xăng lại bỗng nhiên gặp sự cố như “mất điện”, “trục trặc kĩ thuật”, “hết hàng”…Thậm chí, đã có hiện tượng xô xát, đánh chửi nhau. Tại thị trấn Phố Châu, Hương Sơn (Hà Tĩnh), trong đêm 5/4, hai đối tượng do va chạm trong khi tranh nhau đổ xăng đã dùng hung khí chém nhau dẫn đến một người trọng thương, hiện đang nguy kịch. Lực lượng công an Hương Sơn phải đến các cây xăng trên địa bàn để giữ gìn ANTT.

 

Đến sáng 6/4, giá xăng vẫn giữ nguyên. Tin đồn xăng tăng giá chỉ là “tin vịt”. Như vậy, chỉ vì nghe tin đồn nhảm, hàng vạn người dân đã bỏ thời gian chen lấn mệt mỏi. Không ít người mua nhiều xăng về dự trữ đang đối mặt với nguy cơ cháy nổ vô cùng nguy hiểm. Ngay cả việc tự rót xăng vào phương tiện cũng rất độc hại khi hít phải mùi xăng, hoặc xăng dây ra tay chân.

 

Lợi bất cập hại
 
Nguyên nhân của tình trạng trên được lí giải là do thiếu thông tin từ nguồn chính thống. Trước đây, có vị quan chức của một bộ hữu trách vừa hứa không tăng giá xăng, thì ngay hôm sau xăng tăng giá. Tình trạng lạm phát tăng cao, cộng với thông tin Petrolimex đang lỗ nặng khiến người dân dễ tin vào việc xăng tăng giá.
 
Thậm chí một số chủ cây xăng, mặc dù không có thông tin chính thức, nhưng thấy người dân kéo đến đông quá, cũng bán tín bán nghi, nên giở “trò mèo” (mất điện, trục trặc).
 
Bài học về tin đồn thất thiệt  - 1
Cảnh chen lấn tại các cây xăng trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) ngày 5/4/2011.

 

Một số người dân có hoàn cảnh khó khăn, trước khả năng tăng giá xăng lại thêm tác động trực tiếp đến đời sống, nên đã tìm cách tranh thủ “vớt vát” chút ít trước khi xăng tăng giá.

 

Chứng kiến cảnh tượng chen lấn, eo sèo trước các cây xăng hôm đó, chúng tôi có cảm giác buồn lo lẫn lộn bởi đây ũng là hiện tượng báo động tình trạng xuống cấp trong văn hoá sống, văn hoá ứng xử của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay. Chỉ vì chút lợi cỏn con (đổ một bình xăng xe máy chỉ “lời” được độ vài nghìn đến chục nghìn) mà người ta bỏ cả công việc, chen lấn, xô đẩy, rồi cãi vã, thậm chí cả xô xát đổ máu.
 

Tôi đã chứng kiến cảnh những người đứng tuổi cố dắt xe vào không được, dù đã đợi hàng tiếng đồng hồ và có người đứng ngay cạnh vòi xăng cũng chưa được bơm, thì mấy thanh niên nam nữ tóc xanh tóc đỏ xách những chiếc can nhựa ào tới, chen vào, đòi đổ trước.

 

Chỉ vì tiết kiệm ít tiền, người dân sẵn sàng mua xăng về dự trữ dùng dần, bất chấp nguy hiểm rình rập. Chỉ với chút lợi cỏn con mà mà còn thế, một khi mối lợi lớn hơn, liệu người ta có làm liều, bất chấp tất cả?

 

Hiện cơ quan chức năng đang truy tìm kẻ tung tin thất thiệt để xử lý. Việc này chắc cũng khó như mò kim đáy bể. Nhưng có một việc còn khó hơn và đáng làm hơn nhiều lần, đó là làm sao xây dựng được văn hoá sống, văn hoá ứng xử cho cộng đồng người Việt chúng ta đây.

 

                                                       Trần Quang Đại

                                                            (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Trước tình hình lạm phát và giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp có tính đồng bộ nhằm khắc phục tình trạng đó. Nhưng không thể khắc phục tức thời, cho nên lúc này người dân cần bình tĩnh, không nghe theo những tin đồn thất thiệt, gây nên tình trạng mất trật tự và an ninh xã hội như chuyện đổ xô di mua xăng mà bài viết trên đây đã phản ảnh.

 

Phương châm sống của người Việt Nam ta đã được thể hiện trong câu châm ngôn: “Đói cho sạch / Rách cho thơm”. Không vì lợi lộc vài chục nghìn đồng mà chen lấn xô đây nhau, thậm chi hành hung nhau, ở những trạm bán xăng mỗi khi có tin đồn sắp tăng giá!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm