Bài học pháp lý từ vụ kiện tại Làng Việt kiều châu Âu

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, TAND quận Hà Đông đã bác đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thoa đối với Công ty TSQ Việt Nam trong vụ tranh chấp hợp mua bán căn hộ chung cư cao cấp tại dự án Làng Việt kiều châu Âu (Euroland).

Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời PV Báo Dân trí
Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời PV Báo Dân trí
 
Để bạn đọc hiểu rõ hơn sự chấp hành pháp luật của các bên tham gia hợp đồng này, PV Dân trí đã có buổi phỏng vấn luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự dưới góc nhìn pháp lý của vụ việc này.

Thưa luật sư Nguyễn Hồng Bách, theo ông tòa án quận Hà Đông tuyên án bà Nguyễn Thị Thoa thua kiện và công ty TSQ Việt Nam thắng kiện thì đây có phải là một bản án hoàn toàn khách quan và đúng sự thật ?  

Tôi cho rằng đây là một bản án hoàn toàn khách quan bởi vì hội đồng xét xử đã xem xét các chứng cứ do các bên xuất trình trong quá trình xét xử vụ án và tại phiên tòa và căn cứ vào tranh luận của các luật sư bảo vệ cho nguyên đơn và bị đơn.

Theo trình bày của Nguyên đơn thì ngày 29/7/2009, Công ty TSQ Việt Nam đã ký hợp đồng bán căn hộ số 414/HĐBCC-TSQ cho bà Nguyễn Thị Thoa. Suốt quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bà Thoa đều khai rằng việc ký hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện, tình trạng tinh thần hoàn toàn minh mẫn và không bị ai ép buộc, trước khi ký bà đã đọc rõ và hiểu hợp đồng. Như vậy là các bên hoàn toàn tự nguyện và tự do ý chí ký kết hợp đồng. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của bộ luật dân sự.

Về chủ thể ký kết hợp đồng cũng đều được các bên thừa nhận rằng chủ thể có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự để ký kết hợp đồng. Các phân tích của các bên về từng điều luật đều đúng quy định của pháp luật. Toàn bộ khu chung cư cao cấp của chủ đầu tư Euroland do công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư có tới gần 700 căn hộ cao cấp thì các nhà đầu tư đều rất chấp hành pháp luật, tôn trọng các quy định của hợp đồng. Duy nhất đến giờ tòa xử án đối với trường hợp của bà Thoa vì và không những không tôn trọng thỏa thuận mà chính mình đã tự tay ký vào hợp đồng mà còn làm đơn khởi kiện Công ty TSQ và đề nghị tòa án tuyên vô hiệu một phần của hợp đồng nhằm không phải đóng tiền cho chủ đầu tư.

Số tiền mà bà đề nghị khoảng trên dưới 100 triệu đồng bà không phải đóng, không những thế bà còn đề nghị tòa buộc chủ đầu tư Euroland phải bồi thường cho bà hơn 100 triệu đồng là vô lý và đã không được chủ đầu tư chấp nhận. Sau khi xem xét kỹ yêu cầu của các bên và căn cứ vào các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử đã tuyên một bản án bác đơn của bà Thoa đồng thời tòa cho rằng chủ đầu tư Euroland đã chấp hành đúng quy định của pháp luật khi ký kết và thực hiện hợp đồng. Đây là một phán quyết đúng đắn và cần phải được giữ nguyên tại phiên tòa phúc thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị.

Khi tuyên án tòa cũng đã ghi nhận việc chủ đầu tư Euroland tự nguyện trả toàn bộ số tiền bà Thoa đã đóng vào công ty mà không trừ đi một đồng nào, ông có cho rằng như thế là thiệt thòi cho bà Thoa không vì bà đã đóng tiền từ năm 2009 mà giờ lại nhận lại bằng số tiền đã đóng ?

Trước khi phiên tòa xét xử diễn ra, công ty TSQ Việt Nam thông qua người đại diện đã đề nghị bà Thoa đàm phán để giữ nguyên các quyền lợi cho bà nhằm tránh thiệt thòi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, bà Thoa đã từ chối đàm phán và không chấp nhận yêu cầu của chủ đầu tư và bà bảo lưu quan điểm khởi kiện để đòi tòa tuyên TSQ Việt Nam phải thua kiện. Khi chủ đầu tư đã đưa cái tình ra để ưu tiên giải quyết mà bà Thoa không những không chấp nhận mà còn đòi phạt chủ đầu tư Euroland thì chủ đầu tư cũng không còn cách nào khác là phải hầu kiện theo bà Thoa, tòa án cũng đã thực hiện thủ tục hòa giải nhưng các bên không tìm được tiếng nói chung, như vậy là chỉ còn một phán quyết độc lập và tuân thủ pháp luật.

Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tôi cho rằng cái tình đã bị người khởi kiện từ chối giải quyết thì cái lý sẽ được thực thi. Bà Thoa đã khởi kiện tức là tin tưởng vào sự công minh của quan tòa. Và khi quan tòa đã thực thi pháp luật thì các bên có nghĩa vụ phải thực hiện. nếu có thiệt thòi thì có lẽ hơn ai hết, bà Thoa là người khởi kiện phải biết trước được điều đó và nếu có thiện chí giải quyết trên cơ sở tuân thủ quy định của hợp đồng thi các bên đã không phải ra tòa bởi vì đã ra tòa thì tòa án sẽ phải tuyên theo pháp luật chứ không thể thấy bà Thoa thiệt thòi mà tuyên một bản án trái pháp luật để bênh vực nguyên đơn hay bị đơn.

Tại phiên tòa bà Thoa cho rằng chủ đầu tư TSQ Việt Nam đã vi phạm pháp luật khi thu vượt quá số tiền mà pháp luật quy định được phép thu trước khi bàn giao nhà ? Tuy nhiên, tòa án đã không chấp nhận đề nghị này. Ông có bình luận gì về vấn đề trên ?

Hợp đồng bà Thoa ký với công ty TSQ Việt Nam có hai giai đoạn rõ ràng: giai đoạn thứ nhất là xây dựng phần thô của căn hộ và khách hàng nói chung và bà Thoa nói riêng phải nộp đủ tiền cho khoản xây dựng phần thô này trước khi được nhận nhà. Tổng tiền phần thô này chưa vượt quá 70% giá trị căn hộ nên chủ đầu tư Euroland không vi phạm pháp luật bởi vì còn phần hoàn thiện nội thất… chiếm tới hơn 30% giá trị của căn hộ. Như vậy là chủ đầu tư Euroland đã chấp hành đúng quy định của pháp luật và điều này được khách hàng là gần 700 chủ đầu tư căn hộ tại dự án này chấp hành đầy đủ.

Chính khách hàng đã tự chứng mình một điều là chủ đầu tư đã làm đúng luật và các bên vì thể phải tôn trọng lẫn nhau bằng việc chấp hành đúng các quy định của hợp đồng. Điều đó thể hiện thiện chí của các bên. Đặc biệt là giai đoạn này là giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản. Có những dự án khách hàng bán đi còn lỗ nhiều, riêng dự án này bà Thoa mà bán nhà đi thì theo giá hiện tại cũng được lãi vài trăm triệu, chủ đầu tư còn giảm cả một phần nghĩa vụ đóng tiền cho khách hàng thế mà khách lại kiện chủ đầu tư. Tôi thiết nghĩ thị trường bất động sản đóng băng thì các bên phải cùng nhau chia sẻ, cực chẳng đã mới khởi kiện và khi đã khởi kiện thì phải chấp hành phán quyết của tòa án.

Theo bà Thoa thì chủ đầu tư đã vi phạm quy định của pháp lệnh quản lý ngoại hối. Ông nghĩ gì về nhận định này của bà Thoa?

Quy định của pháp luật thì các chủ thể tham gia vào giao dịch buộc phải chấp hành. Những điều gì pháp luật cấm thì chúng ta không được phép làm. Điều 22 của Pháp lệnh ngoại hối, Điều 29 của Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”. Tuy nhiên, hợp đồng không hề vi phạm quy định trên.

Cụ thể là đồng tiền thanh toán là tiền Việt Nam và các bên không hề thực hiện giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại hối. Như vậy không những chủ đầu tư tôn trọng quy định của pháp luật mà còn chấp hành đúng quy định của pháp luật là ổn định đồng nội tệ, tôn trọng giá trị của đồng tiền Việt Nam.

Theo ông bà Thoa có kháng cáo không? Và chủ đầu tư TSQ có sẵn sàng theo hầu kiện ?

Việc kháng cáo là quyền của bà Thoa vì pháp luật đã cho phép các đương sự quyền này. Còn với chủ đầu tư thì cực chẳng đã cũng phải theo hầu thôi vì họ là người bị động. Tuy nhiên, tôi tin tưởng là nếu có kháng cáo thì tòa án cấp phúc thẩm cũng sẽ tôn trọng pháp luật để bản án được các bên tâm phục khẩu phục, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)