Bài 5: Vụ “xẻ thịt” Công viên Cầu Giấy: Xử lý kiểu chiếu lệ
(Dân trí) - Sau loạt bài của báo Dân trí, ngày 27/9/2013, UBND xã Mỹ Đình đã tiến hành cưỡng chế lần đầu đối với các hộ dân và cơ sở kinh doanh lấn chiếm đất dự án Hồ điều hòa và công viên trung tâm trong địa phận huyện Từ Liêm.
Văn bản của TP. Hà Nội nêu rõ: “Giao UBND quận Cầu Giấy, UBND huyện Từ Liêm kiểm tra, làm rõ sự việc theo phản ánh của báo Dân trí; tổ chức xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về quản lý sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Công viên Cầu Giấy theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND Thành phố và thông tin cho báo Dân tríkết quả thực hiện trước ngày 30/9/2013”.
Ông Nguyễn Văn Anh - Phó trưởng Công an xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội cho biết: “Lần cưỡng chế đợt một gồm có 20 cán bộ công an, cùng cán bộ các ban ngành khác tiến hành tháo dỡ một số công trình, còn lại do người dân cam kết xin tự tháo dỡ”.
Theo ghi nhận thực tế của PV Dân trí, bắt đầu từ sáng ngày 27/9/2013, Công an xã Mỹ Đình đã đưa máy móc tháo dỡ khung thép nhà xưởng và biển hiệu nhà hàng, quán bia, tiệm sửa xe, điểm trông giữ xe…. Còn lại đối với những hộ dân đã làm nhà tạm trên đất dự án xin tự chuyển đồ đạc và tháo dỡ.
Ông Huy - có cơ sở kinh doanh tại mặt đường Phạm Hùng trên đất dự án công viên Cầu Giấy cho biết : “Mùng 9 tôi nhận được thông báo, 11 tôi đã thu xếp đồ đạc để tự tháo dỡ và chấp hành theo chủ trương của UBND huyện và UBND xã Mỹ Đình”.
Tuy nhiên, việc cưỡng chế chỉ được tiến hành trong phạm vi của huyện Từ Liêm, còn trên địa bàn quận Cầu Giấy, các trạm trộn bê tông tươi, nhà tạm vẫn tồn tại và mọi hoạt động diễn ra công khai như thường lệ.
Chiều 27/9/2013, trạm trộn bê tông vẫn hoạt động bình thường mà không có bất kỳ sự thay đổi nào. Trạm trộn bê tông này thuộc khu vực quận Cầu Giấy quản lý và chiếm phần diện tích lớn nhất trong các công trình trái phép đang tồn tài trên đất dự án. Do hoạt động ngày đêm, gây ra khói bụi và ô nhiễm tiếng ồn nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân lân cận khu vực này.
Theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm phải báo cáo kết quả trước 30/9/2013, nhưng cho đến nay quận Cầu Giấy vẫn chưa tiến hành bất cứ hành động nào để giải quyết tình trạng trên.
Như thông tin báo Dân trí đã đưa, Công viên Cầu Giấy là dự án xây dựng hồ điều hòa và khu công viên trung tâm trên diện tích rộng 40ha, tiếp giáp với mặt đường Phạm Hùng, giao cắt giữa quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm.
Những hộ dân này, đang chiếm dụng phần đất của dự án, nhưng dường như họ “nghiễm nhiên” coi đó là đất của cá nhân. Mọi hoạt động kinh doanh cho đến sinh hoạt hàng ngày như trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm đều diễn ra một cách công khai, giống như những cụm dân cư khác trên địa bàn.
Vì cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, nên các hộ dân “thừa cơ” kéo đến Công viên Cầu Giấy làm nhà ngày càng đông, mà không hề thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra, dẹp bỏ.
Không chỉ làm nhà để ở, những phần “đất vàng” của công viên nằm trên mặt đường Phạm Hùng còn bị “xẻ thịt” thành từng mảng phục vụ kinh doanh như: trông giữ xe, rửa xe, gara ô tô, sân tennis, quán bia….
Những hoạt động kinh doanh này diễn ra một cách công khai, vô tư “chềnh ềnh” biển hiệu của một cơ sở lớn như: Bia hơi Hà Nội, gara 3 chuẩn, gara ô tô - xe máy, nhà hàng Thắng xoăn… Không thể biết cụ thể giá trị của bản hợp đồng cho thuê những khu đất này, nhưng chắc chắn để có thể tự do hoạt động trong khoảng thời gian dài trên đất dự án, chủ kinh doanh ở đây đã phải “làm luật” với số tiền không nhỏ thì mới được “vô tư” lấn chiếm đất công đến vậy.
Một tình trạng đáng báo động khác, môi trường của Công viên Cầu Giấy rộng 40ha đang bị ô nhiễm bởi phế liệu xây dựng chất thành “núi” và chất thải từ một số trạm trộn bê tông đang ngày đêm hoạt động.
Tình trạng “xẻ thịt” công viên Cầu Giấy chưa được giải quyết dứt điểm, một phần lớn các công trình phía trong công viên vẫn duy trì và hoạt động. Vì vậy, để xóa bỏ hoàn toàn tình trạng “xẻ thịt” Công viên Cầu Giấy, báo Dân trí đề nghị huyện Từ Liêm giám sát việc tháo dỡ còn lại của các công trình, nếu vẫn còn tình trạng chiếm dụng thì tiếp tục tiến hành các đợt cưỡng chế khác trong địa phận huyện. Đề nghị quận Cầu Giấy nhanh chóng thực hiện các biện pháp cưỡng chế, xóa bỏ tình trạng lấn chiếm của các hộ dân và trạm trộn bê tông đang hoạt động ngang nhiên trên đất công.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy