Bài 49: "Cục thi hành án Hà Nội xử lý trái pháp luật số tiền bán nhà 194 phố Huế" | Báo Dân trí

Bài 49: "Cục thi hành án Hà Nội xử lý trái pháp luật số tiền bán nhà 194 phố Huế"

(Dân trí) - Trong khi bà Nguyễn Thị Thu Hồng tố cáo Cục THA dân sự TP Hà Nội chiếm đoạt 5 tỷ trong số tiền được chính Cục chia thừa kế, luật sư Phan Lam Hồng cho rằng Cục thi hành án Hà Nội xử lý trái pháp luật số tiền bán nhà 194 phố Huế.

Theo thông tin Dân trí đã đăng tải những nội dung khiếu nại, tố cáo của gia đình 194 Phố Huế liên quan đến việc Cục THA dân sự TP Hà Nội cố ý làm trái trong việc tự ý xử lý số tiền bán đấu giá nhà 194 Phố Huế, không tuân theo các quy định pháp luật cũng như bản án có hiệu lực của Tòa án, ông Phạm Ngọc Minh - Phó trưởng phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án (Cục THA TP Hà Nội), đồng thời là chấp hành viên trực tiếp thụ lý sự việc cho biết chính bà Phùng Thị Thu Hiền, thủ quỹ Cục Thi hành án đã tự ý đem 5 tỷ đồng của bà Hồng trả cho phía ngân hàng.

Tuy nhiên, gia đình 194 Phố Huế cho biết dù nhiều lần gửi đơn thư đến Cục THA dân sự TP Hà Nội nhưng họ chưa hề một lần nhận được trả lời từ phía Cục trong suốt hơn một năm qua. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Dân trí đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hồng, trú tại tổ 13A phường Thịnh Quang - Đống Đa (Hà Nội), là vợ của ông Hoàng Đình Mậu (đã mất), nguyên Giám đốc công ty TNHH Bắc Sơn, đối với việc hiện nay bà Hồng đang tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ thuộc Cục THA dân sự TP Hà Nội.

 Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội.
 Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội.

Thưa bà Nguyễn Thị Thu Hồng, trong Đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Báo điện tử Dân trí, bà có nêu việc hiện nay số tiền của bà đang bị Cục THA dân sự TP Hà Nội chiếm giữ. Vậy nguồn gốc số tiền này do đâu bà có?

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng: Số tiền 11.928.984.063 đồng (Mười một tỷ, chín trăm hai mươi tám triệu, chín trăm tám mươi tư nghìn, không trăm sáu mươi ba đồng) của tôi là số tiền ứng với kỷ phần mà tôi được nhận từ tiền bán nhà 194 Phố Huế và tiền lãi gửi tiết kiệm còn lại sau khi đã đối trừ các nghĩa vụ thi hành án dân sự, theo thông báo thi hành án số 723/TB - CTHA ngày 05/02/2013 của Chấp hành viên Phạm Ngọc Minh thuộc Cục THA dân sự TP Hà Nội.

B
B
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng cùng đơn kêu cứu gửi báo Dân trí.

Ngày 07/02/2013 chị Hiền - thủ quỹ và chị Lộc - kế toán trưởng Cục THA dân sự TP Hà Nội đã nhiều lần gọi tôi đến Cục để nhận số tiền trên. Sau khi tôi đến Cục, chị Hiền và chị Lộc làm thủ tục bảo tôi ký phiếu chi tiền để nhận số tiền là 11.928.984.063 đồng tại phòng kế toán. Ngay sau đó khi tôi chưa được nhận số tiền trên thì chị Hiền đã gợi ý với tôi là nên gửi lại số tiền này cho Cục THA dân sự TP Hà Nội để sau Tết nguyên đán hãy đến nhận. Do số tiền mặt quá lớn dẫn đến việc gây nguy hiểm nếu như tôi mang số tiền này về nhà, nên tôi đã đồng ý với ý kiến của chị Hiền để số tiền này lại Cục THA dân sự TP Hà Nội để lấy sau và có viết giấy gửi lại tiền.


Vậy sau đó bà đã nhận được bao nhiêu tiền trong tổng số tiền nêu trên?

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng: Cho đến nay tôi vẫn chưa nhận được bất cứ đồng nào. Sau Tết, vào tháng 3/2013, khi tôi đến nhận tiền thì những người này đã nhất quyết không chịu trả lại tiền cho tôi.

Chị Hiền thủ quỹ cho biết “việc trả tiền phải được sự đồng ý của Lãnh đạo cục và ý kiến của ông Phạm Ngọc Minh - Chấp hành viên”. Tôi đã gặp ông Minh để trao đổi về vấn đề trên thì được ông Minh trả lời: “việc trả tiền cho chị trước đây tôi đã đề xuất giải quyết, sau đó chị đến làm thủ tục nhận tiền và đã gửi lại số tiền được nhận cho chị Hiền thủ quỹ thì chị phải gặp chị Hiền để nhận lại, vì việc gửi và nhận tiền này không còn nằm trong thủ tục hồ sơ thi hành án do tôi giải quyết”. Đồng thời ông Minh cũng cho biết hiện nay Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam có văn bản yêu cầu giữ lại số tiền trên để THA theo cam kết của tôi và ông Mậu (là chồng tôi - đã mất) trước đây tự nguyện trả Ngân hàng.

Tôi đã liên tục đến Cục THA dân sự TP Hà Nội nhưng các cán bộ trên vẫn không trả lại cho tôi số tiền tôi đã gửi tại Cục, mặc dù không hề có lý do chính đáng. Đây là việc làm vi phạm pháp luật của những người liên quan nhằm cố ý chiếm đoạt số tiền nêu trên của tôi.

Do vậy, tôi tố cáo các cán bộ thuộc Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội là chị Hiền - thủ quỹ và chị Lộc - kế toán trưởng đã cố ý lừa đảo nhằm chiếm đoạt số tiền trên của tôi. Tôi tố cáo ông Cục trưởng đã chỉ đạo và cố ý không giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến số tiền trên của tôi xảy ra tại cơ quan dù tôi đã nhiều lần trực tiếp đến làm việc cũng như đã gửi rất nhiều đơn thư đến Cục trong suốt một năm qua. Tôi cho rằng có sự sắp xếp giữa những người này với ngân hàng nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền trên của tôi, khiến cho đã hơn một năm trời rồi nhưng tôi vẫn chưa nhận được số tiền này.

Xin bà cho biết trước đây khi ông Mậu còn sống, vợ chồng bà đã có những cam kết nào về việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho Ngân hàng liên quan đến nhà đất 194 Phố Huế?

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng: Tôi khẳng định: Vợ chồng tôi không có bất cứ cam kết nào với Ngân hàng về việc dùng nhà đất 194 Phố Huế để bảo lãnh và trả tiền cho ngân hàng, ngoài việc ký bảo lãnh cho khoản vay 5.000.000.000 đồng (Năm tỷ đồng chẵn) theo HDTD số 01/NHCT ngày 08/8/2002 mà TAND tối cao đã tuyên tại Bản án số 82/2012/KDTM-PT ngày 16/5/2012.

Tuy nhiên, tôi được biết chị Hiền thủ quỹ đã tự ý lấy 5 tỷ đồng trong tổng số tiền của tôi đã gửi lại Cục THA dân sự TP Hà Nội để trả cho ngân hàng. Đây là hành vi phạm pháp luật bởi số tiền trên là của tôi, chỉ có tôi mới là người được quyền trả cho ai, chứ có phải tiền của chị Hiền đâu mà chị Hiền lại tự ý trả?


Ngoài ra, việc lãnh đạo Cục THA dân sự TP Hà Nội cố ý giữ lại số tiền của tôi nhằm mục đích để trả cho Ngân hàng những món nợ khác của công ty Bắc Sơn cũng là hành vi vi phạm pháp luật, bởi đây là số tiền của riêng tôi, tại sao lại mang đi để thực hiện nghĩa vụ cho công ty Bắc Sơn khi tôi không ký bất cứ một cam kết bảo lãnh nào, ngoài HDTD số 01/NHCT ngày 08/8/2002 đã nêu trên, cũng như khi tôi không phải là thành viên của công ty Bắc Sơn. Và khi chưa có phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án, căn cứ vào đâu mà các lãnh đạo và cán bộ Cục THA dân sự TP Hà Nội có quyền giữ lại số tiền của tôi và có quyền tự ý xử lý số tiền của tôi?

Như vậy, qua lời tố cáo của bà Hồng thì toàn bộ số tiền mà bà Hồng được nhận theo thông báo thi hành án số 723/TB - CTHA ngày 05/02/2013 của Cục THA dân sự TP Hà Nội đã không được giao trả lại cho bà, mà đã bị một số cán bộ của Cục THA dân sự TP Hà Nội chiếm giữ và tự ý sử dụng. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với luật sư Phan Thị Lam Hồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) dưới góc độ pháp lý.

Thưa luật sư Phan Thị Lam Hồng, là luật sư tư vấn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho gia đình 194 Phố Huế, luật sư có thể cho bạn đọc biết hiện nay số tiền bán đấu giá nhà 194 Phố Huế còn lại là bao nhiêu và đã được xử lý như thế nào?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Hiện nay, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán đấu giá bất hợp pháp nhà 194 Phố Huế, sau khi trừ đi nghĩa vụ phải thực hiện với ngân hàng theo Hợp đồng số 01/NHCT ngày 08/8/2002 thì còn lại là 23.857.968.126 đồng (Hai mươi ba tỷ, tám trăm năm mươi bảy triệu, chín tră, sáu mươi tám nghìn, một trăm hai mươi sáu đồng), theo Thông báo THA số 424/TB-CTHA ngày 05/2/2013 của Cục THA dân sự TP Hà Nội.

Và theo Thông báo THA số 723/TB-CTHA ngày 05/2/2013 thì bà Nguyễn Thị Thu Hồng được hưởng số tiền là 11.928.984.063 đồng (Mười một tỷ, chín trăm hai mươi tám triệu, chín trăm tám mươi tư nghìn, không trăm sáu mươi ba đồng) trong tổng số tiền còn lại nói trên.

Theo như bà Nguyễn Thị Thu Hồng cung cấp, và theo như xác nhận của chấp hành viên Phạm Ngọc Minh - thuộc Cục THA dân sự TP Hà Nội về số tiền này thì: thủ quỹ của Cục là chị Hiền đã tự ý lấy 5 tỷ đồng để trả cho Ngân hàng mà không hề thông báo cũng như không hề có sự đồng ý của bà Hồng; số tiền còn lại hiện đang được gửi tại ngân hàng bằng sổ tiết kiệm mang tên chấp hành viên Phạm Ngọc Minh theo sự chỉ đạo của Cục trưởng Lê Quang Tiến.

Xin luật sư cho biết quy định nào của pháp luật cho phép Cục THA dân sự TP Hà Nội được xử lý số tiền bán đấu giá nhà 194 Phố Huế như trên?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: 
Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Cục thi hành án Hà Nội xử lý trái pháp luật số tiền bán nhà 194 phố Huế.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Có thể khẳng định: việc làm của Cục THA dân sự TP Hà Nội trong vấn đề xử lý số tiền bán đấu giá bất hợp pháp nhà 194 Phố Huế hoàn toàn không tuân theo quy định của pháp luật.

Thứ nhất, nhà 194 Phố Huế là tài sản riêng của ông Hoàng Đình Mậu (do hình thành trước hôn nhân với bà Hồng), nên giả sử trong trường hợp được dùng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho ông Mậu theo Hợp đồng số 01/NHCT ngày 08/8/2002, thì số tiền còn lại sẽ được giải quyết theo các quy định pháp luật về thừa kế.

Hiện nay các đồng thừa kế của ông Mậu vẫn chưa hề có bất cứ văn bản nào về thỏa thuận chia tài sản chung, cũng như chưa có bất cứ bản án có hiệu lực pháp luật nào phán quyết về vấn đề thừa kế nêu trên của các đồng thừa kế, nên đây vẫn là tài sản chung của họ, vì vậy không có căn cứ nào để chia số tiền trên cho bà Hồng hay cho bất cứ ai.

Thứ hai, trong trường hợp bà Hồng được hưởng một phần số tiền trên theo thỏa thuận giữa các đồng thừa kế hoặc theo phán quyết của Tòa án thì việc bà Hồng có đồng ý dùng số tiền của mình để thực hiện tiếp nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng hay không sẽ là quyền của riêng bà Hồng, chứ không phải quyền của Cục THA dân sự TP Hà Nội, lại càng không phải là quyền của thủ quỹ Cục. Việc chị Hiền thủ quỹ tự ý mang số tiền của bà Hồng để trả cho Ngân hàng là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải điều tra, xem xét làm rõ động cơ, mục đích cũng như cần phải buộc chị Hiền bồi thường lại số tiền nói trên cho bà Hồng.

Thứ ba, số tiền gần 24 tỷ nói chung cũng như số tiền hơn 6.9 tỷ nói riêng thuộc quyền sở hữu của những người thừa kế của ông Mậu, hiện chưa phân định ngã ngũ mỗi người được hưởng kỷ phần bao nhiêu nên chưa thể chia được cho bất cứ ai, cũng như chưa thể xác định được số tiền này sẽ được xử lý ra sao do việc bán đấu giá nhà 194 Phố Huế là bất hợp pháp. Do vậy sau khi Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng chuyển số tiền này về thì Cục THA dân sự TP Hà Nội phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn số tiền trên để chờ xử lý theo quy định pháp luật. Vì thế việc Cục chỉ đạo chấp hành viên Phạm Ngọc Minh gửi số tiền trên vào tài khoản cá nhân là việc làm bất hợp pháp, cần phải nghiêm khắc xem xét, làm rõ sai phạm này.

Mặt khác, nếu như Cục THA dân sự TP Hà Nội cho rằng đây là số tiền của bà Hồng, và đã làm thủ tục trả cho bà Hồng vào ngày 07/02/2013, thì đương nhiên phải trả cho bà Hồng. Tại sao đến nay lại vẫn giữ số tiền đó lại? Giữ lại nhằm mục đích gì?

Tuy nhiên, trong vụ án này, đây không phải là lần đầu tiên có hiện tượng mang tiền đang thuộc sự quản lý của cơ quan THA ra gửi tiết kiệm cá nhân. Trước đó, vào ngày 31/5/2011, Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng cũng đã có một cuốn sổ mang tên Hoàng Phi Long với số tiền 31.528.000.000đ là toàn bộ số tiền bán đấu giá nhà 194 Phố Huế. Sau khi báo Dân trí lên tiếng về việc này, Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng đã “thanh minh” rằng đây là do sơ suất của phía ngân hàng nên đã nhầm lẫn từ tên Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng sang tên cá nhân ông Hoàng Phi Long, từ sổ tiết kiệm của tổ chức sang sổ tiết kiệm của cá nhân.

Xin luật sư cho biết: Tại sao gia đình 194 phố Huế cho rằng đây là số tiền thu được từ việc bán đấu giá bất hợp pháp nhà 194 Phố Huế?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Tôi khẳng định nhà 194 Phố Huế đã được bán đấu giá một cách bất hợp pháp, bởi: nhà 194 Phố Huế không đủ điều kiện để kê biên do chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như đang bị phong tỏa bởi Quyết định phong tỏa tài sản số 02/TB-THA ngày 20/01/2000 của Đội THA quận Hai Bà Trưng.

Khi kê biên thì chỉ có bà Hồng là có mặt, còn những người khác thuộc gia đình 194 Phố Huế đều không có mặt và không ký vào biên bản kê biên. Ngoài ra, nhà 194 Phố Huế là nơi ở duy nhất của nhiều gia đình là những người thừa kế hợp pháp của ông Hoàng Đình Mậu, do vậy theo quy định của pháp luật thì chỉ tiến hành kê biên nhà ở khi không còn tài sản nào khác. Thế nhưng tại thời điểm này, công ty Bắc Sơn vẫn còn nhiều tài sản, cụ thể là nhà xưởng và dây chuyền lắp ráp xe máy tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng nên trong trường hợp này cần phải kê biên tài sản bên Đông Anh trước, nếu chưa đủ mới kê biên tiếp nhà 194 Phố Huế (nếu đủ điều kiện theo pháp luật quy định về tài sản kê biên, bán đấu giá).

Thế nhưng trên thực tế thì nguyên chấp hành viên Trịnh Ngọc Chung vẫn cố tình tiến hành kê biên trái pháp luật. Do vậy kết quả kê biên là không hợp pháp và không thể là căn cứ để tiến hành bán đấu giá nhà 194 Phố Huế được.

Mặt khác, những người thừa kế của ông Mậu hiện đều đang sinh sống tại nhà 194 Phố Huế nên họ là đối tượng được ưu tiên mua tài sản đấu giá nếu như ngôi nhà này bị buộc phải phát mại. Thế nhưng khi tiến hành bán đấu giá tài sản, cơ quan THA cũng như đơn vị bán đấu giá đã không hề thông báo cho những người thừa kế của ông Mậu được biết và tham gia phiên đấu giá.

Điều này không chỉ vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch của quá trình bán đấu giá tài sản mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của những người có quyền - nghĩa vụ liên quan nói trên. Và theo Nghị định số 05/2005/NĐ-CP thì tài sản bán đấu giá là bất động sản bắt buộc phải có GCNQSDD, nhưng nhà 194 Phố Huế chưa có “sổ đỏ” nên việc bán đấu giá tài sản là không hợp lệ, do vậy không thể công nhận kết quả bán đấu giá này được.

Xin cảm ơn luật sư.

Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã liên hệ đặt lịch làm việc với Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội. Tuy nhiên, ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án TP Hà Nội cho biết: Do vụ việc phức tạp, Cục Thi hành án TP Hà Nội đang báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án. Hiện phía Tổng cục chưa có chỉ đạo chính thức về giải quyết sự việc.

Ông Tiến cũng cho biết sẽ chủ động liên hệ lại với PV Dân trí về thời gian buổi làm việc chính thức. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phía Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội vẫn chưa có phản hồi lại báo Dân trí.


Liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án trái pháp luật với ngôi nhà 194 phố Huế, Dân trí đã có loạt bài điều tra làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của ông Trịnh Ngọc Chung - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Sau hàng chục bài báo đấu tranh không khoan nhượng của báo điện tử Dân trí, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” để điều tra làm rõ.

Ngay sau đó, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục ra Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, đã hơn 2 năm kể từ ngày Trịnh Ngọc Chung nhân danh “Nhà nước” cưỡng chế trái pháp luật ngôi nhà 194 phố Huế, đồng thời đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, TAND TP Hà vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử khiến dư luận một lần nữa không khỏi hoài nghi về những “bất thường” của vụ án này.

Về quan điểm chỉ đạo giải quyết vụ 194 phố Huế, trả lời PV Dân trí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định chỉ đạo cơ quan tư pháp xử lý nghiêm, khách quan, đúng luật.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế