Hà Tĩnh:

Bài 31: Chốt lịch xử lại vụ em học sinh bị kết tội "Cướp tài sản" kêu oan

(Dân trí) - Sau 30 kỳ báo điều tra của Dân trí làm rõ từng góc khuất trong vụ án em Lê Văn Khánh bị kết tội Cướp tài sản kêu oan, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chính thức quyết định hủy bản án phúc thẩm xét xử lại. Và dự kiến phiên tòa phúc thẩm để xét xử lại vụ việc sẽ diễn ra vào ngày 9/5 tới.

Trước đó, em Lê Văn Khánh (vừa học xong lớp 10, ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bị kết tội “cướp tài sản”. Tháng 3/2016, TAND huyện Hương Khê tuyên em Lê Văn Khánh 27 tháng tù giam và ngày 1/7/2016 TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên Lê Văn Khánh 18 tháng tù giam về tội “cướp tài sản”. Sau đó, gia đình em Khánh tiếp tục viết đơn cầu cứu, kêu oan gửi đến các cơ quan chức năng.

Đến nay đã gần 2 năm, hành trình kêu oan cho em Lê Văn Khánh vẫn chưa thể kết thúc
Đến nay đã gần 2 năm, hành trình kêu oan cho em Lê Văn Khánh vẫn chưa thể kết thúc

Sau hàng chục kỳ báo được đăng trai trên Báo Dân trí làm rõ nhiều góc khuất trong sự việc, ngày 17/10/2016, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự phúc thẩm số 93/2016/HSPT ngày 19/7/2016 của TAND tỉnh Hà Tĩnh.

VKSND cấp cao tại Hà Nội chỉ ra rằng trong bản án kết tội bị cáo Lê Văn Khánh chưa đủ cơ sở và bỏ sót nhiều nhân chứng quan trọng.

Mặt khác, khi vụ án xảy ra bị cáo Khánh chỉ mới 16 tuổi, nhận thức còn hạn chế. Các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định rõ khả năng nhận thức cũng như động cơ và mục đích của Lê Văn Khánh trong vụ án mà đã kết luận Khánh là đồng phạm trong việc chiếm đoạt tài sản 4 triệu đồng là chưa đủ căn cứ.

Về tố tụng: Trong vụ án này, Lê Quang Linh là người đi cùng với nhóm của Tuấn, Đạt, Khánh và có mặt tại hiện trường chứng kiến vụ việc. Ngoài ra, còn có nhiều người có mặt tại quán bi-a và chứng kiến vụ việc. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra lại không thu thập được lời khai của Linh cũng như các nhân chứng khác có mặt tại hiện trường để làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm không có mặt Linh và các nhân chứng khác trong khi tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Khánh không nhận tội là việc điều tra, xét xử phiến diện không đầy đủ.

Sau đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định, tuy bị cáo Khánh không có sự bàn bạc, kích động, xúi giục trong việc lấy tiền của người bị hại Võ Văn Tý nhưng bị cáo có mặt từ đầu. Khi được Tuấn gọi vào lấy tiền Khánh biết rõ nguồn gốc số tiền trên là của anh Tý nhưng Khánh đến bàn bi-a lấy tiền, đếm tiền, thông báo số tiền 2,8 triệu đồng và cất số tiền vào túi quần. Sau đó, Khánh đi ra đứng ở cửa quán bi-a tiếp tục chứng kiến Tuấn và Đạt đe dọa, cưỡng ép anh Tý để lấy thêm tiền. Điều này góp phần cũng cố tinh thần thêm cho Tuấn và Đạt, tạo điện kiện cho Tuấn, Đạt tiếp tục chiếm đoạt của anh Tý số tiền 1,2 triệu đồng. Hành vi của Khánh đã đồng phạm với Đạt và Tuấn với vai trò là người tiếp sức.

Tuy nhiên, khi Khánh phạm tội là người chưa thành niên, nhận thức pháp luật còn có phần hạn chế. Tòa án cấp phúc thẩm xử phạt Khánh 18 tháng tù giam là có phần nghiêm khắc, chưa phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Vì vậy, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chính thức quyết định hủy một phần bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Tĩnh về phần hình phạt đối với Lê Văn Khánh và xét xử lại theo hướng cho em Khánh được hưởng án treo.

PV Dân trí cũng đã phỏng vấn nhiều luật sư liên quan đến vụ việc này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM chỉ ra rằng: Pháp luật hình sự Việt Nam quy định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, việc điều tra, xử lý các vụ việc hình sự có liên quan đến người chưa thành niên phải được tiến hành hết sức thận trọng.

Trong trường hợp của Lê Văn Khánh, khi xét xử, nếu em Khánh phạm tội thật nhưng nếu không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Tòa án có thể áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

Nếu không cân nhắc kỹ lưỡng thì việc xử lý hình sự đối với một người chưa thành niên sẽ ảnh hưởng tới cuộc đời của một con người. Nếu tòa án cứ cứng nhắc xét xử, cứ khăng khăng “đúng luật”, thiếu đi tính nhân văn như trong những vụ án như của em Lê Văn Khánh (SN 1999, vừa học xong lớp 10) hay vụ án mấy cháu nhỏ cướp bánh mỳ ở TPHCM thì sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới cả cuộc đời một con người. Xử như vậy sẽ tác hại rất lớn”, luật sư Hậu nói.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì cho rằng cần khẩn trương xem xét lại vụ án: Phải đề nghị các đồng chí lãnh đạo TAND, VKSND Tối cao và cấp cao sớm quan tâm xem xét đơn kêu oan của Lê Văn Khánh và ý kiến của cơ quan báo chí đã thông tin về vụ án này nhằm sớm có kết quả trả lời trước công luận, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Rất mong vụ án Lê Văn Khánh kêu oan sớm được kiểm tra, xem xét lại.

Luật sư Lê Thị Kim Soa, Công tác tại văn phòng luật sư Lê Trần (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An) khẳng định hành vi của Lê Văn Khánh không cấu thành tội “Cướp tài sản”, bản án của hai cấp tòa đã tuyên là chưa đúng người đúng tội, chưa khách quan, công bằng.

Thứ hai, các cơ quan tố tụng đã bỏ qua nhiều nhân chứng, tình tiết có lợi cho em Khánh. Luật sư Soa cho biết, tại hiện trường khi xảy ra sự việc còn có cả Danh, Linh (những người đi cùng xe với Khánh), Châu Xuân Trinh, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Trọng Tùng…. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không thu thập đầy đủ các chứng cứ có lợi cho bị can mà chỉ có ý chủ quan buộc tội bởi vì tất cả các bị hại, bị cáo và nhân chứng đều khẳng định Khánh không tham gia cướp tài sản của Tý. Và thứ 3 là các cơ quan tố tụng huyện Hương Khê đã bỏ lọt tội “Đánh bạc” đối với Trần Văn Giáp (cán bộ huyện đoàn huyện Hương Khê) và Võ Văn Tý.

Khi biết phiên tòa phúc thẩm để xét xử lại vụ việc của em Lê Văn Khánh, gia đình, người thân, làng xóm ai cũng nôn nao, mong chờ một kết cục có hậu đối với em Khánh.

Chị Nguyễn Thị Nhàn (mẹ em Khánh) tâm sự: “Suốt gần 2 năm qua đeo đuổi đi kêu oan cho con thực sự chị đã kiệt sức rồi. Khi nhận được thông báo của tòa thông báo lịch xét xử phúc thẩm sắp tới ai cũng thức trắng đêm. Chúng tôi tin con của mình sẽ được minh oan, sẽ được thả tự do cho nó. Nó còn nhỏ, cả tương lai còn phía trước”.

Ông Lê Quang Vinh, xóm trưởng xóm 4, xã Hà Linh
Ông Lê Quang Vinh, xóm trưởng xóm 4, xã Hà Linh

Ông Lê Quang Vinh, xóm trưởng xóm 4, xã Hà Linh nói: “Đây là vùng nông thôn, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, hơn nữa cháu Khánh lúc đó mới học xong lớp 10 nên nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Nếu cháu Khánh có phạm tội thì cũng nên xem xét kỹ lưỡng để đưa ra các biện pháp mang tính giáo dục, răn đe để cháu hiểu ra vấn đề để sống tốt hơn, chứ phạt tù, bắt giam tôi nghĩ sẽ không tốt cho cháu. Nhưng vụ án này tôi theo dõi thông tin từ đầu tới giờ, hơn nữa cũng là người hàng xóm, tôi vẫn tin là Khánh vô tội”.

Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ được diễn ra vào ngày 9/5/2017.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Xuân Sinh