Vụ thi hành án chưa có trong tiền lệ ngành tư pháp tỉnh Phú Thọ:

Bài 30: Uỷ ban Tư pháp Quốc hội vào cuộc vụ thi hành án bất chấp kháng nghị Giám đốc thẩm

(Dân trí) - Sau khi Công ty Việt Hưng gửi đơn tố cáo chấp hành viên Đặng Xuân Quang tại chi cục THA Việt Trì lên VKSND Tối cao, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đã có công văn gửi trực tiếp Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị xem xét giải quyết theo quy định pháp luật, báo cáo kết quả lại Uỷ ban Tư pháp Quốc hội.

Loạt bài điều tra về vụ cưỡng chế thi hành án bất chấp kháng nghị giám đốc thẩm chưa có trong tiền lệ ngành tư pháp tỉnh Phú Thọ của báo Dân trí đã nhận được sư quan tâm đặc biệt của dư luận trong bối cảnh bị cáo Trịnh Ngọc Chung - Nguyên chi cục trưởng Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã bị kết tội “Ra quyết định trái pháp luật” trong vụ cưỡng chế nhà 194 phố Huế.



Sau gần 30 kỳ báo với sự lên tiếng của nhiều cư quan chức năng tỉnh Phú Thọ về dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong vụ cưỡng chế thi hành án Trung tâm thương mại Việt Hưng của Chi cục Thi hành án TP Việt Trì, ngày 6/4/2015, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội khoá XIII đã có công văn số 2537/UBTP13 gửi Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết đã nhận được đơn tố cáo của Công ty cổ phần đầu tư thương mại Việt Hưng tố cáo ông Đặng Xuân Quang là chấp hành viên chi cục thi hành án dân sự TP Việt Trì trong quá trình thi hành Quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự ngày 23/7/2012 của TAND TP Việt trì đã có những hành vi vi phạm luật nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Việt Hưng.


Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, báo cáo kết quả giải quyết đến Uỷ ban Tư pháp Quốc hội.


Bài 30: Uỷ ban Tư pháp Quốc hội vào cuộc vụ thi hành án bất chấp kháng nghị Giám đốc thẩm
Chấp hành viên Đặng Xuân Quang đọc quyết định cưỡng chế thi hành án với Công ty Việt Hưng bất chấp kháng nghị Giám đốc thẩm.

Bài 30: Uỷ ban Tư pháp Quốc hội vào cuộc vụ thi hành án bất chấp kháng nghị Giám đốc thẩm
Bản án mới đang có hiệu lực pháp luật đã tuyên tiếp tục duy trì Hợp đồng thế chấp với tài sản là Nhà hàng Phù Đổng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của công ty Việt Hưng nhưng chi cục THADS TP Việt Trì lại giữ nguyên kết quả thi hành án theo một quyết định không còn hiệu lực pháp luật.


Báo Dân trí xin tóm tắt quá trình giải quyết vụ việc có dấu hiệu sai phạm của các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ trong vụ cưỡng chế thi hành án với Công ty Việt Hưng:


Công ty Việt Hưng có ký Hợp đồng tín dụng vay khoản tiền 5.500.000VND (năm tỷ năm trăm triệu đồng chẵn) của Ngân hàng công thương Việt Nam - chi nhánh Phú Thọ. Đến ngày 21/11/2008, Ngân hàng công thương Việt Nam - chi nhánh Phú Thọ buộc công ty Việt Hưng ký tiếp một Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC với tài sản thế chấp là “Nhà Trung tâm thương mại và dịch vụ - Nhà hàng Phù Đổng: Nhà cấp 3, 06 tầng và 01 tầng tum, xây dựng kết cấu bê tông cốt thép. Tổng diện tích xây dựng là 2.330,58 m2. Nhà được xây dựng trên diện tích đất 300m2. Địa chỉ tài sản: 2256 đại lộ Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ” để đảm bảo cho khoản nợ trên.


Do Công ty Việt Hưng chưa trả được hết số tiền nợ Ngân hàng, nên năm 2012 Ngân hàng đã khởi kiện Công ty Việt Hưng ra TAND thành phố Việt Trì. Ngày 23/7/2012, Tòa án ra Quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 16/2012/QĐST-KDTM (Sau đây gọi tắt là Quyết định số 16/2012).

Đến ngày 05/4/2013 Chi cục THADS TP Việt Trì đã ban hành Quyết định thi hành án số 75/QĐ-CCTH và ngày 09/7/2013 đã tiến hành kê biên tài sản của công ty Việt Hưng.

Nhận thấy Quyết định số 16/2012/QĐST-KDTM của TAND TP Việt Trì có những vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng khi xác định sai tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Việt Hưng nên ngày 20/12/2013, TAND tỉnh Phú Thọ đã có Công văn số 602/2013/CVTDTHA/TA gửi Chi cục THADS TP Việt Trì về việc đề nghị dừng thi hành án. Tuy nhiên, ngày 08/01/2014, Chi cục THADS TP Việt Trì vẫn ra Thông báo số 186/TB-THA về việc cưỡng chế thi hành án đối với công ty Việt Hưng.

Ngày 09/01/2014, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ đã ra Kháng nghị Giám đốc thẩm số 01/QDKN-GDT-KDTM đối với Quyết định số 16/2012, theo đó đã quyết định tạm dừng thi hành Quyết định số 16/2012. Vậy nhưng ngày 14/01/2014, Chấp hành viên Đặng Xuân Quang - Phó chi cục trưởng Chi cục THADS TP Việt Trì vẫn tiến hành cưỡng chế thi hành án tại công ty Việt Hưng.

Ngày 22/01/2014, Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa Giám đốc thẩm và xử hủy Quyết định số 16/2012 do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, giao vụ án cho TAND TP Việt Trì xử lại theo thủ tục chung.


Tới ngày 31/07/2014, TAND TP Việt Trì đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lại, tuy nhiên lại có rất nhiều điểm bất thường như: không triệu tập công chứng viên Nguyễn Xuân Quý tham gia phiên tòa xét xử với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, trong khi công chứng viên này là người đã ký vào phần lời chứng của Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC - một hợp đồng có dấu hiệu vô hiệu cả về hình thức lẫn nội dung, từ đó đã không thể đánh giá được hết những vấn đề liên quan đến hiệu lực của hợp đồng.  Bên cạnh đó, việc TAND TP Việt Trì không triệu tập Chấp hành viên Đặng Xuân Quang tới tham dự phiên tòa cũng là một điểm thiếu sót rất lớn, khi mà chấp hành viên Quang là người đã chỉ đạo cưỡng chế tới cùng tài sản của Công ty Việt Hưng trước khi vụ án được xét xử lại xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công ty Việt Hưng, khiến cho vụ án bản án sơ thẩm đã không thể giải quyết triệt để được các vấn đề liên quan.

Bên cạnh đó, luật sư Phan Thị Lam Hồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tòa án cấp sơ thẩm cũng có dấu sai sót khi bỏ qua rất nhiều Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản bị vô hiệu do sai phạm về cả hình thức lẫn nội dung, như Hợp đồng tín dụng số 07.11.0419/HĐTD ngày 20/07/2007. Đây là Hợp đồng nhận lại nợ của Hợp đồng số 05.05.0019/HĐTC ngày 20/04/2005, về bản chất là một hợp đồng đảo nợ, thậm chí Ngân hàng còn tự ý sửa chữa ngày tháng trên hợp đồng nhằm hợp pháp hóa hợp đồng nhưng Tòa án lại bỏ qua và cho rằng hợp đồng này có hiệu lực pháp luật. Hay như Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC ngày 21/11/2008 có hàng loạt những vi phạm pháp luật công chứng, luật đất đai,… dẫn đến hợp đồng này vô hiệu cả về hình thức và nội dung nhưng Tòa án vẫn bỏ qua những điểm sai phạm này, dẫn đến một bản án sai phạm nên công ty Việt Hưng đã kháng cáo toàn bộ bản án.

Ngày 24/11/2014, TAND tỉnh Phú Thọ đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Tiếp nối những thiếu sót mà Tòa án cấp sơ thẩm đã mắc phải, tòa án cấp phúc thẩm cũng đã bỏ qua rất nhiều chứng cứ, tình tiết khách quan trong vụ án. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 07/2014/KDTM-PT tuyên:“Tiếp tục duy trì Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC ngày 21/11/2008 với tài sản thế chấp là Nhà trung tâm thương mại dịch vụ - Nhà hàng Phù Đổng tại 2256 đường Hùng Vương - phường Vân Cơ - thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Công ty Việt Hưng tại Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam - chi nhánh Phú Thọ”.


Điều đáng nói ở đây không chỉ là việc cả Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã thiếu sót trong việc đánh giá chứng cứ và các tình tiết khách quan của vụ án hay triệu tập thiếu những người tham gia tố tụng, mà điều đáng chú ý nhất là việc cả hai cấp Tòa án đều xác định Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC ngày 21/11/2008 với tài sản thế chấp là Nhà hàng Phù Đổng có hiệu lực và buộc công ty Việt Hưng tiếp tục duy trì hợp đồng này nhưng lại không giải quyết được vấn đề quyền sở hữu của Công ty Việt Hưng với tài sản này.

Bởi lẽ, trước đó để thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận số 16/2012/QĐST-KDTM ngày 23/07/2012 của TAND TP Việt Trì thì Chi cục THADS TP Việt Trì đã tiến hành kê biên, xử lý đối với tài sản này, và khi quyết định số 16/2012/QĐST-KDTM bị tuyên hủy do vi phạm thủ tục tố tụng và được xét xử lại thì Chi cục THADS TP Việt Trì vẫn cứ tiến hành bán đấu giá Nhà hàng Phù Đổng. Như vậy, căn cứ vào phán quyết đã có hiệu lực của Tòa án tại bản án phúc thẩm số 07/2014/KDTM-PT tuyên tiếp tục duy trì Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC thì coi như chưa hề có việc bán đấu giá Nhà hàng Phù Đổng. Bên cạnh đó căn cứ theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC ngày 21/11/2008 thì nhà hàng Phù Đổng vẫn là tài sản thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Công ty Việt Hưng đối với Ngân hàng và là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty Việt Hưng. Công ty Việt Hưng bằng cách nào để “tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp” trong khi tài sản thế chấp là Nhà trung tâm thương mại - Nhà hàng Phù Đổng đã không còn thuộc quyền quản lý của họ?

Mặt khác, việc kê biên xử lý tài sản đối với Nhà hàng Phù Đổng của chi cục THADS TP Việt Trì là hoàn toàn trái pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật thi hành án dân sự 2008 thì:

“Điều 136. Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

1. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.”

Theo quy định đó, khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm) lại thì việc thi hành án thực hiện theo bản án, quyết định mới có hiệu lực pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này Quyết định số 16/2012 đã bị tuyên hủy, thay vào đó là Bản án kinh doanh thương mại số 07/2014/KDTM-PT ngày 24/11/2014 thì đúng theo quy định của pháp luật, chi cục THADS TP Việt Trì phải thi hành theo bản án số 07/2014/KDTM-PT.

Như đã nói, bản án tuyên tiếp tục duy trì Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC và đặc biệt không hề tuyên về việc xử lý tài sản thế chấp là Nhà hàng Phù Đổng dưới hình thức phát mại tài sản để thu hồi khoản nợ cho Ngân hàng. Điều này có nghĩa là tài sản thế chấp theo Hợp đồng số 08.15.1711/HĐTC vẫn thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty Việt Hưng chứ không đương nhiên bị phát mại. Chi cục thi hành án dân sự TP Việt Trì và các bên liên quan buộc phải trả lại tài sản thế chấp cho Công ty Việt Hưng. Hiện nay, Công ty Việt Hưng cũng đã chính thức gửi đơn đến Chi cục THADS TP Việt Trì yêu cầu cơ quan này hoàn trả lại khối tài sản này theo đúng tinh thần của bản án số 07/2004/KDTM-PT

Mặt khác, theo quy định tại Điều 45 Luật THADS năm 2008, Công ty Việt Hưng có quyền tự nguyện thi hành án. Công ty Việt Hưng cũng có quyền đưa ra các đề xuất về lộ trình trả nợ của mình đối với Ngân hàng, nếu được Ngân hàng chấp thuận theo quy định tại Điều 6 Luật THADS năm 2008. Do vậy, cơ quan thi hành án buộc phải thực hiện đúng trình tự pháp luật quy định, gửi thông báo Thi hành án đến để Công ty Việt Hưng tự nguyện Thi hành án, nếu như Công ty Việt Hưng không tự thanh toán được số tiền hiện còn nợ của Ngân hàng thì tài sản thế chấp theo Hợp đồng nói trên mới được xem xét xử lý để đảm bảo cho việc thu hồi khoản nợ cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Thế nhưng ngày 18/12/2014, Chi cục THADS TP Việt Trì đã ban hành Thông báo thi hành án số 298/TB-THA với nội dung: “Nhà trung tâm thương mại dịch vụ - Nhà hàng Phù Đổng đã được bán đấu giá và đã giao tài sản cho bên trúng đấu giá để thi hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 16/2012/QĐST-KDTM ngày 23/07/2012, số tiền bán đấu giá tài sản thu được hiện nay Chi cục THADS TP Việt Trì vẫn đang quản lý. Nhưng sau đó Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 16/2012/QĐST-KDTM bị hủy và được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm với quyết định buộc Công ty CPĐTTM Việt Hưng trả cho Ngân hàng cả gốc và lãi, tổng số tiền là 17.941.064.555 đồng (Mười bảy tỷ chín trăm bốn mươi mốt triệu không trăm sáu mươi tư nghìn năm trăm năm mươi lăm đồng), duy trì Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC ngày 21/11/2008 với tài sản thế chấp là Nhà trung tâm thương mại - Nhà hàng Phù Đổng. Tuy nhiên, do tài sản đã được bán đấu giá thành nên đối với khoản tiền bán đấu giá tài sản đã thu được, cơ quan THADS căn cứ vào bản án mới để tổ chức thi hành và thực hiện thanh toán theo quy định tại Điều 47 Luật thi hành án dân sự” .

Rõ ràng, bản án mới đang có hiệu lực pháp luật đã tuyên tiếp tục duy trì Hợp đồng thế chấp với tài sản là Nhà hàng Phù Đổng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của công ty Việt Hưng, còn chi cục THADS TP Việt Trì lại giữ nguyên kết quả thi hành án theo một quyết định không còn hiệu lực pháp luật (Quyết định 16/2012) và tiến hành xử lý số tiền bán đấu giá. Như vậy sao có thể coi là “căn cứ vào bản án mới để tổ chức thi hành”?

Có thể thấy, việc xử lý số tiền bán đấu giá tài sản của Chi cục THADS TP Việt Trì theo Thông báo số 298/TB-THA là trái với phán quyết của TAND tỉnh Phú Thọ tại Bản án số 07/2014/KDTM-PT. Để thi hành Bản án có hiệu lực pháp luật này, tức là để tiếp tục duy trì Hợp đồng thế chấp số 08.15.1711/HĐTC với tài sản thế chấp là Nhà hàng Phù Đổng, Chi cục THADS TP Việt Trì cần khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại nhà hàng Phù Đổng cho Công ty Việt Hưng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế