Thu hồi đất có dấu hiệu trái luật tại Hà Nam:

Bài 3: Cần khắc phục những việc làm trái luật của chính quyền

(Dân trí) - Thông báo trả lời chị Phạm Ngọc Lưu Ly của UBND xã Đồng Du và UBND huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) căn cứ vào thống kê ruộng đất năm 1981 cho rằng diện tích đất ao HTX quản lý.

Đây là một kết luận đơn phương, vi phạm pháp luật. Do đó, rất cần chính quyền địa phương khắc phục ngay những sai phạm.
Bằng có công với nước của cụ Phạm Quang Thính
Bằng có công với nước của cụ Phạm Quang Thính

Theo Quyết định số 201/CP ngày 1/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước” đã quy định: “Cá nhân sử dụng đất được nhà nước bảo hộ mọi quyền lợi hợp pháp trên diện tích đất đã được công nhận”. Việc đo đạc, phân hạng và thống kê ruộng đất theo chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ, khi thực hiện phải thể hiện đúng thực trạng, theo hồ sơ tài liệu lưu trữ, công khai, dân chủ.

Tuy nhiên, theo hồ sơ mà chúng tôi có được, khi thống kê đất ao của gia đình ông Thính, gia đình đã không hề biết. hay nói một cách khác, không hề có việc thống kê này và chính quyền xã Đồng Du và huyện Bình Lục cũng không hề có thông báo nào. Tương tự như vậy, việc lập bản đồ năm 1998, chính quyền xã và huyện cũng không  thông báo công khai cho gia đình ông Thính biết.

Theo tài liệu mà chúng tôi có được, hợp đồng giao khoán năm 2001 giữa UBND xã Đồng Du với ông Nguyễn Thế Vàng là hợp đồng trái pháp luật. Vì tự chính quyền đưa đất của gia đình cụ Thính đem giao khoán. Nếu giả sử rằng đất ao do HTX quản lý (đất công ích) thì phải ký hợp đồng thuê đất (không phải hợp đồng giao khoán). Đây là việc làm trái Luật đất đai 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều người dân địa phương khi tiếp chuyện với chúng tôi về vụ việc này cho rằng: Việc UBND xã cho rằng ông bà Thính không thường xuyên có mặt tại địa phương, nhằm viện giải cho lý do đất ao đã bị HTX quản lý sử dụng; Đó là nhận xét có dấu hiệu “vong ơn, bội nghĩa” vì trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ông bà Thính đi hoạt động Cách mạng, hoạt động bí mật (lúc về quê, lúc đi công tác). Công lao đó của ông bà đã được Nhà nước tặng bằng: “Có công với nước”.

Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân khẳng định: Trong khi chị Phạm Ngọc Lưu Ly đang khiếu nại, chưa có quyết định giải quyết có hiệu lực của cơ quan hành chính có thẩm quyền hoặc bản án của Toà án có hiệu lực; mà UBND huyện và UBND xã ra quyết định thu hồi đất ao của gia đình cụ Thính, phân lô cấp cho các hộ dân để thu tiền,... là việc làm trái pháp luật, có dấu hiệu không lành mạnh, làm cho việc giải quyết khiếu nại đã phức tạp lại càng phức tạp hơn.

Theo Luật sư Triển: Ông bà Thính là gia đình “Có công với nước”; đất ao của ông bà có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng; gia đình ông bà chưa đưa diện tích ao này vào HTX mà gia đình quản lý thường xuyên liên tục từ năm 1945 đến năm 1982; sau năm 1982 cho đến nay, HTX và UBND xã ngang nhiên chiếm dụng và năm 2011 UBND huyện ra quyết định thu hồi, phân lô, cấp đất cho các hộ dân khác để thu tiền là việc làm chưa đúng pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông bà Thính.

Do đó, rất cần UBND tỉnh Hà Nam và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho con cháu cụ Phạm Quang Thính – người đã được Nhà nước vinh danh “Có công với nước”.

Vũ Văn Tiến – Phan Huy