Thu hồi đất có dấu hiệu trái luật tại Hà Nam:

Bài 1: Hô biến đất của người "có công với nước” thành đất… của xã

(Dân trí) - Nhiều năm liền, UBND xã Đồng Du (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) đã tự ý lấy ao có diện tích gần 1 mẫu 2 sào Bắc Bộ của hai cụ Phạm Quang Thính - Lưu Thị Kiến ở thôn Ngoại, xã Đồng Du để đem cho thuê.

Toàn cảnh khu ao của gia đình cụ Phạm Quang Thính
Toàn cảnh khu ao của gia đình cụ Phạm Quang Thính

Theo phản ánh của chị Phạm Ngọc Lưu Ly (hiện công tác tại Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội), là cháu nội 2 cụ  Phạm Quang Thính - Lưu Thị Kiến, căn cứ vào tài liệu mà gia đình chị còn lưu giữ được, cụ Thính có mua của gia đình cụ Đặng Đình Bàn ở thôn Nội cùng xã thửa ao với diện tích gần 1 mẫu 2 sào. Giấy tờ mua bán được lập đầy đủ, hợp lệ theo quy định của chính quyền.

Năm 1955, diện tích ao trên và đất canh tác của cụ Thính được Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Nam cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” mang số 134, địa bạ số 136. Từ đó, gia đình cụ Thính sở hữu và sử dụng hợp pháp diện tích ao trên. Năm 1973, cụ Thính mất, cụ bà Lưu Thị Kiến tiếp tục sở hữu diện tích ao trên. Năm 1978, người con trai cụ là đạo diễn Hoài Linh đã đón cụ ra Hà Nội ở để phụng dưỡng.

Chị Ly cho biết: Trước khi ra Hà Nội sống, cụ Lưu Thị Kiến đã gửi đất và ao của gia đình cho ông Thung, ông Bình, ông Tiến là con cháu trong họ trông nom, quản lý giùm. Hàng năm, các ông, bà trên vẫn thu hoạch cá và hoa quả, bán lấy tiền gửi lên Hà Nội cho cụ. Tuy nhiên, đến năm 1982, nhân cụ Lưu Thị Kiến vắng nhà, UBND xã Đồng Du đã lấy danh nghĩa tập thể, chiếm dụng ao kinh doanh thả cá. Cụ Kiến khiếu nại thì xã trích một phần lợi nhuận từ việc thả cá trả cho cụ Kiến. Năm 1984, UBND xã chiếm toàn bộ diện tích ao giao cho nhiều người quản lý kinh doanh thả cá mà không hề có một quyết định nào. Cụ Kiến mặc dù tuổi cao sức yếu vẫn lặn lội về quê đòi ao nhưng không được giải quyết.

Năm 2001, mặc dù UBND xã Đồng Du vẫn khẳng định là ao bà Thính (tên chồng cụ Kiến) nhưng lại tự ý ký hợp đồng khoán thầu ao cho ông Nguyễn Thế Vàng thả cá. Lúc đầu còn có hợp đồng với giá 140kg thóc một sào/năm tức là khoảng 6 triệu đồng/năm, sau không có hợp đồng, ông Vàng tự mang tiền lên nộp cho xã. Biết được việc này, cụ Lưu Thị Kiến tiếp tục về quê, lên UBND xã đòi lại ao.  Nhưng cụ cũng chỉ nhận được lời hứa của lãnh đạo xã là sẽ giải quyết. Năm 2004, cụ Lưu Thị Kiến qua đời.

Sau khi cụ Kiến qua đời, chị Phạm Ngọc Lưu Ly cháu nội cụ Kiến và là người thừa kế hợp pháp diện tích ao trên đã thực hiện di nguyện của bà nội, có đơn yêu cầu UBND xã Đồng Du trả lại thửa ao trên. Thế nhưng, cả UBND xã Đồng Du và UBND huyện Bình Lục đều “không xem xét giải quyết đơn khiếu nại của chị Ly đòi lại diện tích ao của cụ Phạm Quang Thính (ông nội chị Ly)”. Nghiêm trọng hơn, ngày 28.12.2011, UBND huyện Bình Lục đã ra quyết định số 8528 thu hồi đất ao này để chia thửa ao của hai cụ Phạm Quang Thính - Lưu Thị Kiến thành 17 lô (mỗi lô có chiều dài 30 mét, chiều rộng 5 mét) để bán cho dân làm đất ở với giá từ trên 80 triệu đồng đến trên 90 triệu đồng/lô tùy theo vị trí.
 
Ngày 6/3/1972, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam) Phạm Văn Đồng ký quyết định số 79/CP, tặng bằng “Có công với nước” số 93 cho cụ Phạm Quang Thính ở thôn Ngoại, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà (cũ) vì “Đã hăng hái đấu tranh chống đế quốc, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng”.
(Còn nữa)
 
Vũ Văn Tiến – Phan Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm